pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cao huyết áp ở phụ nữ mang thai: Những điều mẹ bầu cần biết
- 1. Hiện tượng cao huyết áp ở phụ nữ mang thai
- 2. Nguyên nhân gây cao huyết áp ở phụ nữ mang thai
- 3. Các thể tăng huyết áp thai kỳ
- 4. Các dấu hiệu cao huyết áp ở phụ nữ mang thai
- 5. Các biến chứng thường gặp
- 6. Điều trị cao huyết áp ở phụ nữ mang thai
- 7. Phòng ngừa cao huyết áp ở phụ nữ mang thai bằng cách nào?
Theo thống kê của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) có khoảng 15% thai phụ bị cao huyết áp thai kỳ. Và có tới 25% trường hợp thai phụ sinh non là do cao huyết áp. Điều này cho thấy cao huyết áp ở phụ nữ mang thai vô cùng nguy hiểm.
Cao huyết áp có thể gây ra những biến chứng như tiền sản giật, sản giật, nguy cơ cao gây tử vong cho mẹ và thai nhi nếu không được điều trị kịp thời. Vậy phụ nữ mang thai cần lưu ý điều gì về cao huyết áp? Làm thế nào để phòng tránh cao huyết áp trong thời kỳ mang thai?
1. Hiện tượng cao huyết áp ở phụ nữ mang thai
Cao huyết áp ở phụ nữ mang thai thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Kéo dài đến 6 tuần sau sinh tình trạng huyết áp của người mẹ sẽ bình thường trở lại.
Tình trạng cao huyết áp mức độ nhẹ ở phụ nữ mang thai khoảng 140-159/90-109 mmHg. Cao huyết áp mức độ nặng thường ≥160/100 mmHg.
Cao huyết áp vào thời kỳ mang thai gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn. Cao huyết áp nguy hiểm kể cả trong quá trình mang thai và sau sinh.
Tình trạng bệnh nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến sinh non và các biến chứng tiền sản giật, sản giật nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
2. Nguyên nhân gây cao huyết áp ở phụ nữ mang thai
Đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân cụ thể gây cao huyết áp ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cao huyết áp thai kỳ có thể xuất phát từ một số nguyên nhân dưới đây.
- Những thay đổi về sinh lý của cơ thể: Trong quá trình mang thai bạn có thể bị tăng nhịp tim hoặc tăng thể tích máu. Điều này, khiến cho một số bộ phận như vú, tử cung, nhau thai,... phải tăng sinh mạch máu, tăng áp lực lên thành mạch dẫn đến cao huyết áp.
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Phụ nữ mang thai có xu hướng thèm ăn các loại thực phẩm có vị chua, ngọt, mặn... Chính chế độ dinh dưỡng không khoa học, sử dụng thực phẩm đóng hộp hoặc đồ ăn mặn dẫn đến cao huyết áp.
- Lười vận động hoặc dưỡng thai không đúng cách: Trong quá trình mang thai, cơ thể nặng nề khiến thai phụ lười vận động. Bên cạnh đó, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp cho phụ nữ mang thai.
- Cao huyết áp do nhiệt độ thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh.
- Phụ nữ mang thai bị các bệnh nền như tiểu đường, tim mạch hoặc một số bệnh gây biến chứng cao huyết áp.
3. Các thể tăng huyết áp thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, người mẹ có thể gặp một trong các thể tăng huyết áp dưới đây:
- Cao huyết áp mãn tính: Tình trạng bệnh xuất hiện trước khi mang thai hoặc từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Cao huyết áp mãn tính có thể kéo dài trên 42 ngày sau sinh. Nguyên nhân gây tăng huyết áp có thể liên quan đến Protein niệu.
- Cao huyết áp thai kỳ: Thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Với bệnh lý này, tình trạng huyết áp sẽ bình thường và ổn định trở lại trong vòng 42 ngày sau sinh. Đó là trong trường hợp người bệnh được chăm sóc và điều trị phù hợp. Một số trường hợp có thể tiến triển thành cao huyết áp mãn tính nếu huyết áp vẫn tiếp tục tăng sau đó.
- Tiền sản giật: Đây là thể lâm sàng nguy hiểm xuất hiện ở phụ nữ lần đầu mang thai, đa thai, thai trứng. Thai phụ mắc hội chứng phospholipid hoặc bị cao huyết áp mãn tính, đái tháo đường cũng là đối tượng của thể lâm sàng này.
Tiền sản giật được chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm Protein niệu. Trong trường hợp huyết áp tâm thu > 140mmHg, huyết áp tâm trương < 90mmHg. Bệnh lý thường xuất hiện ở tuần thứ 20 với những thai phụ có huyết áp bình thường trước đó.
Tình trạng này liên quan đến quá trình chậm phát triển của thai nhi. Nó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sinh non. Tiền sản giật có xác suất sảy ra cao hơn ở thai phụ bị cao huyết áp có thêm Protein niệu lần đầu.
4. Các dấu hiệu cao huyết áp ở phụ nữ mang thai
Huyết áp bình thường của bà bầu khi mang thai thường dưới 140/90 mmHg. Huyết áp quá cao hoặc quá thấp đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé. Trong trường hợp huyết áp tăng cao quá 140/90 mmHg cơ thể người mẹ sẽ có triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là có nguy cơ cao bị tiền sản giật.
Cao huyết áp ở phụ nữ mang thai được chẩn đoán chính xác nhất khi sử dụng dụng cụ đo huyết áp. Ngoài ra thai phụ cần lưu ý quan sát sức khỏe của chính mình để phát hiện những dấu hiệu cao huyết áp thường gặp. Nhất là từ tuần thứ 20 đến 24 của thai kỳ, cơ thể bạn có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Sưng phù toàn thân, phù mềm ấn lõm. Tình trạng sưng phù không hết ngay cả khi được nghỉ ngơi đầy đủ. Dấu hiệu này khác với phù sinh lý khi mang thai như phù nhẹ ở tay, chân và có thể biến mất khi được nghỉ ngơi hoặc gác chân lên cao.
- Đau đầu dữ dội, kéo dài, có cảm giác như bị đập mạnh vào đầu.
- Tim đập nhanh, dấu hiệu của trống đánh lồng ngực.
- Tăng cân nhanh, trung bình mỗi tuần tăng trên 2 - 3kg.
- Chóng mặt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn thấy đốm hoặc đèn nhấp nháy, mật thị lực thoáng qua...
- Buồn nôn, nôn mửa, đau dữ dội ở vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức, khó thở.
5. Các biến chứng thường gặp
Cao huyết áp ở phụ nữ mang thai có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây nguy hại tính mạng cho cả mẹ và bé.
Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào thời gian mang thai và mức cao huyết áp của người mẹ. Chỉ số huyết áp trong thai kỳ càng cao thì nguy cơ biến chứng nguy hiểm càng lớn. Một số biến chứng cao huyết áp ở phụ nữ mang thai có thể kể đến như:
- Tiền sản giật: Có tới 25% trường hợp phụ nữ mang thai cao huyết áp có nguy cơ bị tiền sản giật. 5 - 8% trường hợp tử vong do sản giật gây nên.
- Cao huyết áp kèm theo bệnh tim mạch dễ dẫn đến suy tim, cảm trở chức năng cầm máu ở người mẹ.
- Gây ảnh hưởng đến chức năng của thận khiến khả năng lọc và đào thải bị suy giảm dẫn đến thể tích máu tăng lên, gây ra các biến chứng như chảy máu não, tổn thương đa tạng, giảm lượng tiểu cầu...
- Nguy cơ xảy ra tình trạng thai chậm phát triển hoặc chết lưu, thai bị ngạt thở, chết do thiếu máu cục bộ hoặc sinh non.
- Người mẹ dễ bị cao huyết áp trở lại trong những lần mang thai tiếp theo.
6. Điều trị cao huyết áp ở phụ nữ mang thai
Điều trị cao huyết áp ở phụ nữ mang thai cần được thực hiện theo chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ.
Cao huyết áp thai kỳ đơn thuần nếu không có dấu hiệu tiền sản giật, cần được theo dõi thường xuyên trong quá trình khám thai. Đồng thời, thai phụ cần tuân thủ chế độ ăn uống, vận động khoa học.
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu bị tiền sản giật cần được điều trị sớm nhất tại bệnh viện chuyên khoa. Trong trường hợp huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương tương đương ≥170 mmHg/≥110 mmHg thai phụ cần được nhập viện ngay để cấp cứu. Điều này giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Quá trình sử dụng thuốc cao huyết áp cho phụ nữ mang thai cần được thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể. Bởi nó có thể gây dị tật cho thai nhi.
Với trường hợp thai phụ bị cao huyết áp tiền sản giật mức độ nhẹ sẽ được khuyến cáo chấm dứt thai kỳ ở tuần 37.
Ngoài thực hiện điều trị cao huyết áp cho mẹ bầu đúng cách, mẹ bầu còn cần có chế độ ăn uống hợp lý để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé. Đọc thêm bài viết: Thực đơn cho bà bầu bị cao huyết áp nên và không nên ăn gì?
7. Phòng ngừa cao huyết áp ở phụ nữ mang thai bằng cách nào?
Để phòng ngừa cao huyết áp ở phụ nữ mang thai bạn cần có kế hoạch giảm cân trước đó. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều chất xơ, vitamin từ hoa quả, rau xanh,...
Hạn chế đường, muối và thực phẩm chế biến sẵn. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, rượu, bia, caffein và đồ uống có cồn.
Kiểm soát tốt đường huyết trước và trong suốt quá trình mang thai. Luyện tập thể dục thể thao điều độ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó nếu bạn đã lớn tuổi thì không nên mang thai để phòng ngừa cao huyết áp dẫn đến biến chứng nguy hiểm.