pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ chỉ cần áp dụng 3 CÁCH này đảm bảo con rèn được tính tự lập
Cha mẹ không nên bao bọc con quá mức. Ảnh minh họa
Nhiều cha mẹ thường lấy lý do yêu thương con cái để bao bọc con, không muốn con làm bất cứ việc gì. Họ chiều con quá mức khiến con mất đi khả năng tự lập. Việc thương con sai cách sẽ khiến trẻ mất đi cơ hội được trưởng thành. Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần hình thành tính cách tự lập, tự giác cho con.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, những đứa trẻ được rèn luyện tính tự lập sớm sẽ có cơ hội thành công cao trong tương lai. Chúng thể hiện được khả năng lãnh đạo, có phần ưu tú hơn người khác. Dưới đây là những điều cha mẹ cần làm thường xuyên để con trở nên tự lập, tự giác hơn.
1. Không bao bọc con quá mức, để con tách khỏi sự kiểm soát
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, mong con gặp thuận lợi trên đường đời, hạn chế những vấp ngã và tổn thương. Vì vậy họ sẵn sàng làm mọi việc thay con, bao bọc con trong vòng tròn an toàn mà họ đặt ra. Tuy nhiên, nếu việc làm của cha mẹ cản trở đến sự trưởng thành về mặt tinh thần của con thì đó không phải là tình yêu đích thực.
Nếu muốn tốt cho con, cha mẹ cần tách con ra khỏi vòng tay mình, không nên nuông chiều con quá mức. Hãy để cho con độc lập trong suy nghĩ và hành động. Nhờ đó, con sẽ có dũng khí đối mặt với những khó khăn, thách thức và đứng vững trên đôi chân của mình.
Cha mẹ cần duy trì ranh giới giữa việc bảo vệ với việc kiểm soát con. Hãy đưa ra lời khuyên hữu ích khi con gặp vấn đề, chứ đừng thay con giải quyết mọi thứ. Cha mẹ phải hiểu rằng mỗi chúng ta là một cá thể độc lập và không thể áp đặt suy nghĩ của mình vào con cái. Hãy đối xử với con bằng sự tôn trọng, bình đẳng.
Có rất nhiều đứa trẻ vì được cha mẹ bao bọc dẫn đến mất khả năng tự lập. Chúng dường như chỉ phát triển về thể chất mà không phát triển tư duy, hành động. Chúng trở thành "đứa trẻ to xác" sống trong nhút nhát, mặc cảm, khả năng chịu đựng áp lực kém.
Vì vậy, đến một thời điểm nhất định, cha mẹ hãy học cách giữ ranh giới với con. Hãy để con tự đứng vững trên đôi chân của mình.
2. Trẻ em cũng cần được khen ngợi và động viên
Nhiều đứa trẻ thường bị cha mẹ so sánh với hình mẫu lý tưởng, đó là "con nhà người ta". Trong mắt phụ huynh, họ thường không hài lòng, thấy con mình yếu kém hơn các bạn. Thậm chí, họ còn quát mắng, chì chiết con bằng những câu như: "Sao con lại không thông minh như vậy?", "Việc đơn giản mà con làm không xong", "Con thật kém cỏi",…
Trên thực tế, trẻ em cần được khen ngợi và động viên thường xuyên. Khi kết quả học tập không đạt yêu cầu, điều trẻ muốn nghe không phải là những lời trách móc. Lúc này, cha mẹ cần động viên và hướng dẫn con tìm ra phương pháp học phù hợp.
Nếu được cha mẹ thường xuyên khen ngợi và động viên, trẻ tự tin, mạnh dạn dám thực hiện mọi chuyện, không chùn bước trước khó khăn. Điều này giúp trẻ trở nên tự lập trong tương lai, không ỷ lại vào người khác.
3. Thấu hiểu trẻ, công nhận thành quả của trẻ
Có một người cha đưa con trai đến gặp bác sĩ tâm lý vì con ông luôn trong trạng thái bất an, tự ti. Cậu bé không muốn trò chuyện với ai, thường nhốt mình trong phòng kín và có thái độ chống đối cha mẹ. Ban đầu, bác sĩ áp dụng nhiều biện pháp nhưng đều vô ích, không giúp tinh thần cậu bé khả quan hơn. Sau một thời gian, bác sĩ đã tìm ra manh mối từ người cha. Bởi trong cuộc trò chuyện, người cha một mực khẳng định với bác sĩ: "Đứa trẻ này thật vô dụng. Tôi rất thất vọng về con mình".
Dù là ai đi chăng nữa, họ cũng mong muốn được mọi người công nhận sự cố gắng của mình, đặc biệt là với cha mẹ. Đôi khi chỉ một câu nói tiêu cực của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này. Nếu trẻ không được công nhận thành quả trong một thời gian dài sẽ mất đi sự tự tin vốn có, cảm thấy bản thân kém cỏi.
Vì vậy, mỗi khi con đạt được thành quả dù nhỏ hay lớn, cha mẹ nên ghi nhận sự cố gắng đó. Và đừng quên thưởng những món quà để con cảm thấy cha mẹ luôn yêu thương, quan tâm và công nhận sự nỗ lực của mình.