Cha mẹ nên xử lý thế nào khi con hay trộm vặt?

21/04/2019 - 20:34
Trên đường đi bộ về nhà, bé Hoàng sau một hồi do dự đã thổ lộ với bố: “Bố ơi, con lấy máy bay của bạn Nam”. Bố Hoàng im lặng một lúc rồi nhẹ nhàng nói với con trai: “Vậy, chúng ta quay lại trả máy bay cho bạn Nam nhé”. Ban đầu, bé Hoàng nhất quyết không đi, phần vì xấu hổ, phần vì tiếc chiếc máy bay đẹp...
Bố Hoàng rất bình tĩnh nói với bạn Nam: “Nam ơi, khi nãy bạn Hoàng không cẩn thận đã cầm nhầm chiếc máy bay này của cháu, giờ bạn Hoàng trả lại cho cháu nhé!”.
 
Bé Nam mừng vui vì đã tìm thấy đồ chơi của mình. Bố Hoàng cũng không trách mắng con. Cách xử lý đơn giản nhưng từ đó, bé Hoàng không còn tìm cách lấy đồ của người khác. 
 
bo-con.jpg

 

Vì sao trẻ trộm đồ của người khác?
 
Trẻ chưa khống chế, tự chủ được hành vi của mình: Mỗi khi thích vật gì, trẻ sẽ có xu hướng muốn chiếm làm của riêng. Đó không phải là tính xấu mà chỉ là một sự trải nghiệm. Nếu sự trải nghiệm này được điều chỉnh sớm, đứa trẻ sẽ phát triển đúng hướng. Còn nếu không, nó có thể biến thành thói quen hoặc tính cách xấu. Ngay cả khi trẻ biết rằng ăn cắp là sai, nhưng lại không thể kiểm soát bản thân. Cha mẹ phải dạy trẻ cách để có được những gì cần thiết một cách trung thực.
 
Trẻ chưa được đáp ứng về những nhu cầu cơ bản: Trẻ còn phụ thuộc vào cha mẹ về tiền bạc, đồ ăn, mặc, do vậy, khi trẻ có nhu cầu mà không được đáp ứng sẽ đi trộm cắp để thỏa mãn.
 
Trẻ cảm thấy cô đơn, thiếu sự chăm sóc: Một nguyên nhân phổ biến dẫn đến hành vi trộm cắp đồ của trẻ chính là trẻ cảm thấy cuộc sống thiếu cảm xúc và sự chăm sóc. Nếu nhu cầu tình cảm của trẻ không được quan tâm, không nhận được sự chăm sóc mà chúng muốn, có thể chuyển nhu cầu cảm xúc thành những ham muốn vật chất. Trẻ có thói quen ăn cắp thường cô đơn, khó hòa đồng với bạn bè, thiếu các kênh và cơ hội để bày tỏ cảm xúc của mình.
 
Trẻ muốn thể hiện bản thân: Trẻ lớn trộm cắp đồ cũng có thể do tâm lý thích bắt chước hành vi của bạn bè nhằm tìm kiếm sự phấn khích. Đôi khi, trẻ ăn cắp đồ để thể hiện với người khác sự can đảm, bản lĩnh của mình.
 
Khi con trộm đồ, cha mẹ cần xử lý như thế nào?
 
Cha mẹ cần bình tĩnh, gần gũi, quan tâm, chia sẻ những băn khoăn, mong muốn, nguyện vọng của con và nghiêm túc suy nghĩ về nguyên nhân, giải pháp để giải quyết theo cách đơn giản, phù hợp, hiệu quả nhất. 
 
Cha mẹ không nên tức giận, quát mắng hay nói chuyện với trẻ bằng thái độ nóng nảy, thiếu kiểm soát sẽ gây tâm lý sợ hãi ở trẻ hoặc tác dụng ngược. Bạn có thể nhẹ nhàng giải thích với con: Con không nên lấy đồ của người khác, vì chắc chắn rằng con cũng không muốn ai đó lấy đồ của con. Cho nên, lấy đồ của người khác là việc làm không đúng...
 
Lời nói của bố bé Hoàng: “Chúng ta quay lại trả máy bay cho bạn Nam nhé, rồi bố sẽ mua cái khác cho con” đã thể hiện đầy đủ sự bao dung và trách nhiệm của bậc làm cha mẹ: Trước tiên cần trả lại đồ cho người đã bị lấy trộm, sau đó, nếu trẻ muốn có thứ đồ đó, cha mẹ sẽ đáp ứng (nếu trong khả năng).
 
Sau khi sự việc qua rồi, cha mẹ không nên nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của trẻ, không truy cứu, cũng không kể tội mách lỗi của trẻ với người khác, không phóng đại sai lầm của con. Bởi dù trẻ còn nhỏ nhưng cũng có lòng tự trọng và cảm thấy xấu hổ, hãy bảo vệ lòng tự trọng của trẻ và dành cho trẻ sự tôn trọng lớn nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm