Cha mẹ quặn lòng khi con bị tay chân miệng hành hạ

03/10/2018 - 05:27
“Cháu nằm trong phòng cấp cứu nên bị cách ly, thời gian gặp con rất ít. Cháu được y tá, điều dưỡng chăm sóc. Ước gì tôi phải chịu đau đớn, bệnh tật thay con”, chị Loan (ngụ Bình Dương) – có con bị tay chân miệng đang được chăm sóc tại phòng cấp cứu, nói trong nước mắt.
Bệnh tay chân miệng đang có nguy cơ lây lan trên cả nước và bùng phát thành dịch. Tại các bệnh viện nhi, bên giường bệnh của những đứa bé là hình ảnh những ông bố bà mẹ thấp thỏm, nước mắt ngắn dài lo lắng, đau đớn vì con. Trong khi đó, các nhân viên y tế cũng căng mình để cứu chữa cho các trường hợp bệnh nặng.
 
Nhìn con đau mà lòng quặn thắt
 
Gần 12 giờ trưa. Tại phòng cấp cứu, Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), những bước chân của các y bác sĩ trở nên vội vàng hơn, gương mặt ai cũng hiện rõ sự lo lắng cho sức khỏe của những bệnh nhi nặng. Trên giường bệnh đặt  gần ngay cạnh bàn làm việc của bác sĩ, bé Phương Huỳnh (5 tuổi) mệt mỏi nắm lấy tay của cha. Bé Huỳnh là một trong những trường hợp bị tay chân miệng nặng đang được chăm sóc tại đây.
 
Cha của bé - anh Đỗ Văn Phương (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) rơm rớm nước mắt kể, hai hôm trước, gia đình phát hiện bé Huỳnh bị nổi mụn ở hai tay. Khi đưa đến phòng khám tư thì được chẩn đoán bị tay chân miệng nên gia đình liền đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị.
 
“Khi đi trên đường thì bé bị sốt, co giật. Lo lắng lắm. Bé nằm phòng cấp cứu 2 ngày rồi. Vợ chồng tôi cũng phải nghỉ làm để chăm con. Những ngày qua, nhìn con đau mà lòng tôi quặn thắt”, anh Phương nói, mắt đỏ hoe nhìn con.
 
dsc_1209.JPG
Người cha đang chăm sóc cho con gái tại phòng cấp cứu, Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2.

 

Tại giường bệnh ngay cạnh, một bệnh nhi mới hơn 1 tuổi đang khóc thét lên khi được người thân cho thở khí. Bé cũng là trường hợp bị tay chân miệng nặng đang được chăm sóc ở đây. Dỗ dành thế nào cũng không làm cho đứa bé chịu nín. Tiếng khóc ngày càng lớn, dai dẵng khiến cho hai người đàn ông đang chăm cháu, rơm rớm nước mắt. Họ thương con, xót cháu mà không biết làm sao.
 
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 2, số lượng ca bệnh tay chân miệng nhập viện tăng đột biến trong khoảng 1 tháng nay, tăng gấp 4 - 5 lần so với tháng trước về số lượng ca mắc cũng như mức độ nặng. Hiện tại khoa đang có 124 trường hợp đang nằm điều trị nội trú, trong đó có 10% trường hợp cần phải hồi sức, 1 ca đang lọc máu mới chuyển từ Đắk Lắk xuống. Hầu hết các ca tay chân miệng điều trị nội trú tại bệnh viện này đều đến từ các tỉnh (chiếm 60%), còn lại là ở TP.HCM.
 
Tình trạng bệnh nhi bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) còn căng thẳng hơn nhiều. Ngày 2/10, tại Khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện này đang điều trị cho 180 ca tay chân miệng, có tới 28 ca nằm trong phòng cấp cứu của khoa, có nhiều ca nặng. Với những ca bệnh mới, y bác sĩ phải chăm sóc, khám kỹ để phát hiện sớm nếu có dấu hiệu chuyển nặng, sớm xử trí kịp thời nhất.
 
Tiếng khóc của những đứa trẻ nằm tại phòng cấp cứu khiến cho ai nghe thấy cũng không khỏi xót xa. Trên những cánh tay bé xíu của những đứa trẻ giờ là chi chít những vết kim truyền thuốc hay lấy máu xét nghiệm. Ngoài phòng cấp cứu, những ông bố bà mẹ cũng rơi nước mắt, thấp thỏm theo từng tiếng khóc của con.
 
img_2876.jpg
Số bệnh nhi bị tay chân miệng gia tăng nhanh trong những tuần vừa qua.

 

“Con nằm trong phòng cấp cứu nên bị cách ly, thời gian gặp con rất ít. Con được y tá, điều dưỡng chăm sóc. Ước gì tôi phải chịu đau đớn, bệnh tật thay con”, chị Loan (ngụ Bình Dương) – có con bị tay chân miệng đang được chăm sóc tại phòng cấp cứu nói trong nước mắt.
 
Căng sức cứu chữa cho trẻ
 
Số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho thấy, trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tiếp tục gia tăng, với 347 trường hợp nhập viện, tăng 49% so với trung bình 4 tuần trước đó.
 
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, những tuần qua, nhân viên y tế khoa, từ bác sĩ, y tá tới điều dưỡng đều tập trung cao độ cứu chữa các trẻ mắc bệnh tây chân miệng. Khoa có 2 bác sĩ đang đi học cũng được huy động về, ngay cả những bác sĩ đang học cao học, chuyên khoa 1, bác sĩ nội trú… cũng được huy động để góp sức chống dịch tay chân miệng.
 
Số lượng bệnh nhi bị tay chân miệng tăng khiến cho Khoa Nhiễm - Thần kinh phải mượn khu vực căng tin của bệnh viện để sửa chữa thành 3 phòng bệnh cho trẻ nằm. 3 phòng bệnh “đặc biệt” này có thể điều trị cho 90 bệnh nhi tay chân miệng bị nhẹ.
 
Trong khi đó, bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết, những ngày qua, Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã cắt cử các bác sĩ, điều dưỡng ở các khoa khác qua hỗ trợ Khoa Nhiễm. Hiện tại, máy móc, phương tiện và thuốc men ở khoa vẫn đủ đáp ứng điều trị cho bệnh nhi. Tuy nhiên, nếu số lượng bệnh cứ tiếp tục tăng thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
 
Bác sĩ Việt khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần vệ sinh cho bản thân và cho trẻ thật kỹ. Khi trẻ bị tay chân miệng thì phải nên chăm sóc ở nhà, nếu nặng thì phải điều trị ở bệnh viện. “Để giải quyết bệnh tay chân miệng thì cần sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan đoàn thế chứ riêng y tế thì làm không được”, bác sĩ Việt nói.
 
dsc_1214.JPG

 

 
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, hiện cả nước đã có 6 trẻ tử vong do tay chân miệng. Trong đó ở Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh 1 trường hợp, riêng Tây Ninh có 2 ca. Bệnh tay chân miệng chủ yếu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, dễ dẫn đến các biến chứng của chủng EV71. Như vậy, phải tập trung vào nhóm đối tượng dưới 3 tuổi, đặc biệt lưu ý hành vi nguy cơ từ mủ tay của các bé là nguồn lây lan bệnh.
 
Trước tình hình bệnh tay chân miệng có diễn tiến nhanh và nguy hiểm, Bộ Y tế  cũng đã đề nghị tất cả các địa phương cần quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tay chân miệng, tập trung tại vùng có số mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch.
 
Sở y tế các tỉnh/thành cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Đối với các bệnh viện phải tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Ngoài ra, cần thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo, đặc biệt giữa tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi, viêm đường hô hấp.
 
Riêng các trường học cần bảo đảm có xà phòng rửa tay, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày của trẻ. Các trường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
 
 
 
 
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm