Châm kim ngón tay cứu đột quị là sai lầm

18/11/2015 - 10:40
Nhiều trang mạng xã hội đang lan truyền thông tin sơ cứu đột quị bằng cách dùng kim châm 10 đầu ngón tay cho rỉ máu. Theo các chuyên gia, hướng dẫn này là sai lầm, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong nhanh hơn.
Một cặp vợ chồng trên đường đi gặp trường hợp bất tỉnh đã tiến hành sơ cứu cho nạn nhân. Khi thấy nạn nhân bất tỉnh, co giật, sùi bọt mép và co quắp bàn tay... người chồng cho rằng bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Ngay lập tức, người này sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách dùng kim chích lên 10 đầu ngón tay và nặn từng giọt máu ra. Ngay sau khi chích và nặn máu, bàn tay nạn nhân bắt đầu mềm và thẳng ra được. Thấy vậy, người đứng xung quanh tiếp tục chích và nặn máu từ 10 đầu ngón chân bệnh nhân. Thậm chí, còn nặn đỏ hai dái tai của bệnh nhân. Khoảng 1 phút sau khi thực hiện những biện pháp sơ cứu đó, bệnh nhân tỉnh và ngưng sùi bọt mép.

Điều trị cho bệnh nhân đột quị tại Bệnh viện Bạch Mai

Thực tế, hôn mê là một tình trạng mất ý thức, gây ra bởi các vấn đề khác nhau như chấn thương sọ não, đột quị, u não, cơn động kinh, ngộ độc thuốc hoặc rượu, thậm chí do các bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc nhiễm trùng. Mỗi bệnh cảnh có những biện pháp điều trị khác nhau và cần được sơ cứu đúng cách, nhằm đảm bảo các chức năng sống ổn định, như đường thở, hô hấp, tuần hoàn...

Trong trường hợp trên, bệnh nhân được mô tả là bất tỉnh, co giật, sùi bọt mép, co quắp bàn tay và khoảng vài phút sau, bệnh nhân tỉnh lại thì đó là bệnh cảnh của một cơn động kinh. Không phải vì chích máu đầu ngón tay thì bệnh nhân mới tỉnh dậy. Đây chỉ là diễn biến bình thường của một cơn động kinh toàn thể, xảy ra khi hoạt động điện trong não quá nhiều ảnh hưởng toàn bộ não. Người bệnh thường phát ra tiếng kêu ngắn, mất ý thức trong cơn và ngã xuống sàn. Các cơ sẽ co cứng và tay chân sẽ co giật. Sau cơn động kinh thì người bệnh có thể hồi phục lại ngay hay có thể cảm thấy mệt mỏi, lú lẫn hoặc rối loạn định hướng kéo dài vài phút, vài giờ.

Sơ cứu đột quị đúng cách
Đột quị xảy ra khi mạch máu bị vỡ, khiến máu chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện và não thất. Hoặc khi mạch máu bị tắc nghẽn khiến dòng máu bình thường lên não bị chặn lại, gây thiếu, nhồi máu não. Trong vòng vài phút, não không được cung cấp các chất dinh dưỡng và oxy, khiến các tế bào não bắt đầu chết. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Bệnh nhân đột quị có các triệu chứng như: Yếu hoặc tê nửa người, bao gồm cả 2 chân; giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở 1 bên mắt; đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân; chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân...

Khi bị đột quị, điều trị càng sớm càng giảm thiểu được các tổn thương não. Như vậy điều quan trọng nhất đối với bệnh nhân là được điều trị càng sớm càng tốt. Thời gian tốt nhất để cấp cứu và cứu sống bệnh nhân mà không để lại di chứng đột quị là trong 3-4 giờ đầu từ khi khởi phát đột quị. Sau thời gian này, vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. 

Khi phát hiện người bị đột quị, cần gọi xe cứu thương hoặc đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế. Trường hợp bệnh nhân trong trạng thái hôn mê, mạch không đập hoặc ngừng thở, phải ngay lập tức tiến hành hô hấp bằng cách thổi mồm và ép tim ngoài lồng ngực, rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Để phòng ngừa và tránh tái phát đột quị, người bệnh không hút thuốc hay uống nhiều bia rượu, tập thể thao hợp lý; có chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học... Hạn chế ăn quá nhiều chất đạm và béo. Khi trời lạnh, cần mặc ấm, không tiếp xúc với thời tiết lạnh một cách đột ngột.
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm