Chất keo gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam

10/06/2021 16:54
Đồng bào dân tộc Chăm. Ảnh: ST

Đồng bào dân tộc Chăm. Ảnh: ST

Đa dạng văn hóa dân tộc thiểu số hiện nay đã vượt qua phạm vi của làng/bản, xã, huyện hay tỉnh, vươn tới sự cố kết cộng đồng liên vùng thông qua các cuộc giao lưu, thực hành văn hóa giữa các cộng đồng với nhau.

Gắn kết từ bản sắc


Nhóm người Thái ở Hà Nội được thành lập từ năm 2016, thông qua những cuộc gặp gỡ giao lưu những người dân tộc Thái đang sinh sống và học tập tại Hà Nội. Sau những buổi gặp gỡ từ năm 2014, họ đã thành lập Nhóm người Thái ở Hà Nội với mục đích giao lưu, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của dân tộc Thái. Từ năm 2017 đến nay, nhóm định kỳ hàng năm tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Thái tại Hà Nội, được đông đảo cộng đồng dân tộc Thái của các địa phương khác tham gia. Bên cạnh đó, Nhóm còn thực hiện được hàng chục chuyến đi thiện nguyện và giúp đỡ hàng nghìn người dân nghèo và trẻ em vùng cao.

Dự án đưa các bạn trẻ dân tộc Sán Dìu đang học tập và làm việc tại thủ đô Hà Nội về quê hương của mình để học tập, trải nghiệm và thực hành văn hóa đã giúp các bạn hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, qua đó khơi dậy lòng tự hào, trách nhiệm của từng người đối với các giá trị văn hóa Sán Dìu trong đời sống hiện nay. Ngoài các hoạt động hướng về cội nguồn, Dự án còn tổ chức vào các hoạt động như: hội thảo, giao lưu văn nghệ, triển lãm... nhằm giúp người trẻ Sán Dìu nói lên tiếng nói của mình về vai trò, trách nhiệm của giới trẻ, của cộng đồng đối với di sản văn hóa Sán Dìu trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Chất keo gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc Cống ở Lai Châu. Ảnh ST

Anh Trần Văn Hải, Chủ tịch Hội Tuổi trẻ Sán Dìu gắn kết từ bản sắc, chia sẻ: "Thật ý nghĩa khi tôi và các bạn đồng tộc của 5 tỉnh (Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên) cùng nhau tổ chức và tham gia các hoạt động tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở làng quê nhưng với quá trình đô thị hóa, các giá trị văn hóa đang bị mai một rất nhanh mà lớp trẻ chúng tôi không nhận ra điều đó. Khi tham gia các hoạt động này, chúng tôi mới thực sự nhận ra rằng chúng tôi đã và đang đánh mất nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại. Điều đó, càng thôi thúc chúng tôi cần có nhiều hoạt động hơn để văn hóa truyền thống được lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau".

Dòng chảy văn hóa


Đa dạng văn hóa còn thể hiện tính liên kết giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) với nhau nhằm giao lưu, giải quyết các vấn đề chung của đồng bào trong đời sống đương đại như định kiến, phân biệt đối xử, di dân, lao động việc làm... Điều đó được minh chứng qua các hoạt động của Mạng lưới Tiên phong Việt Nam (Vì tiếng nói người dân tộc thiểu số) được thành lập từ năm 2015 với sự tham gia của hơn 15 cộng đồng DTTS đến từ hơn 20 tỉnh/thành trên cả nước. Các cộng đồng người DTTS gắn kết với mục đích: Cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn và phát huy tri thức bản địa, tham gia vận động chính sách và lan tỏa đến xã hội nhằm tạo ra sự hiểu biết đúng đắn về người DTTS, truyền cảm hứng về tinh thần: Tự hào - Tự tin - Tự chủ nhằm bảo tồn, phát huy những tri thức bản địa và giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS.

Chất keo gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam - Ảnh 2.

Thiếu nữ dân tộc Thái

Cộng đồng các DTTS kết nối từ bản sắc văn hóa. Chính sự đa dạng văn hóa đã giúp họ đoàn kết hơn, thấu hiểu nhau hơn và luôn tìm kiếm những giải pháp để thúc đẩy sự nhận diện nhằm tạo cảm hướng về ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng về sự tự thân trong nhận thức về giá trị văn hóa của dân tộc, tự hào về mình có những tài sản văn hóa đó, để tự chủ trong việc bảo vệ, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa đó trong đời sống đương đại.

Văn hóa được ví như dòng sông, nước luôn chảy tạo ra lớp lớp lắng đọng phù sa. Dòng sông văn hóa luôn có sự giao thoa, biến đổi để sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới làm giàu cho vốn văn hóa của cộng đồng. Sự đa dạng văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo, tính lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ. Thế hệ trẻ, chủ nhân văn hóa tương lai, sẽ quyết định văn hóa của dân tộc sẽ như thế nào. Đa dạng văn hóa chính là môi trường tốt nhất để các thực hành văn hóa được duy trì và phát triển. Đa dạng văn hóa đã tạo ra một môi trường, không gian đối thoại mở và bình đẳng để cộng đồng các DTTS tự trao đổi, đối thoại với nhau, đặc biệt tự đối thoại với chính mình - người đang được trao truyền, nắm giữ các giá trị vô giá của ông cha ta đã được kết tinh từ ngàn đời.

Năm 2001, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa trong Nghị quyết 57/249. Tại cuộc họp toàn thể Liên hợp quốc tháng 12/2002, UNESCO quyết định lấy ngày 21/5 hàng năm là "Ngày Thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển".
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.