Thông tin trên được kênh thông tin kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ - CNBC đăng tải mới đây dựa theo số liệu báo cáo đánh giá của Guotai Junan, một trong những công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc.
Phụ nữ tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày càng tăng. Điều này kéo theo tầm quan trọng của người tiêu dùng phái đẹp ở Trung Quốc cũng ngày càng tăng cao, đến mức giờ đây khẩu hiệu kinh doanh thường nghe ở quốc gia đông dân nhất thế giới này là: “Ai chiếm được trái tim phụ nữ, người đó sẽ chiếm được tất cả”.
Dù Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng bất cân bằng giới tính với số nam giới cao hơn số nữ giới 31,6 triệu người vào cuối năm ngoái, phụ nữ Trung Quốc vẫn chiếm 55% tổng mức chi tiêu mua sắm trực tuyến.
Các công ty thương mại điện tử ở Trung Quốc đua nhau tổ chức hàng hoạt sự kiện mua sắm khuyến mãi trực tuyến nhắm đến phụ nữ với những tên gọi rất kêu như “Lễ hội nữ hoàng”, “Lễ hội nữ thần” để cung cấp các phiếu quà tặng và phiếu mua hàng giảm giá. Các sự kiện mua sắm khuyến mãi như vậy dường như có tác dụng.
Tại Trung Quốc, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) hàng năm đã biến thành sự kiện mua sắm hàng giảm giá. Trong giai đoạn 2015 – 2017, chi tiêu mua sắm của khách hàng nữ vào ngày 8/3 trên nền tảng Taobao của tập đoàn thương mại điện tử tăng 64%.
Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, mua sắm trực tuyến đóng góp đến 35% tổng doanh thu bán lẻ hàng năm ở Trung Quốc, một tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Tại Mỹ, thương mại điện tử chỉ chiếm 10,9% tổng doanh thu bán lẻ.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2013, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc là 280 tỉ USD nhưng con số này tăng lên mức 1.340 tỉ USD vào năm 2018.
Qiu Xiaodong, giáo sư kinh tế ở Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho rằng các xu hướng văn hóa rộng lớn đã thúc đẩy sự thay đổi căn bản trong thói quen chi tiêu của phụ nữ Trung Quốc. “Thế hệ phụ nữ mới, những cô gái sinh vào thập niên 1980 và 1990, lớn lên trong giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, có mức thu nhập tăng cao và khái niệm mua sắm của họ đang thay đổi”, Xiaodong nhận định.
Wei Sijia, 26 tuổi, một người ảnh hưởng trên mạng xã hội trong lĩnh vực thời trang, có đến hai triệu người theo dõi trên các tài khoản mạng xã hội của cô. Sijia đăng các bài viết thuyết phục các fan mua các sản phẩm mà cô đang sử dụng từ các sản phẩm trang điểm, chăm sóc da cho đến áo quần. Cô cho biết có đến 92% người theo dõi các tài khoản mạng xã hội của cô là phụ nữ. “Họ là những người có nền tảng giáo dục tốt, có gu thẩm mỹ và có năng lực mua sắm”, Sijia nói. Sijia cũng cho rằng phụ nữ ở độ tuổi 20-30 đang trở thành tầng lớp trung lưu mới trong xã hội Trung Quốc.
‘Sheconomy’ – xu hướng quan trọng của kinh tế hiện đại
“Sheconomy” (kinh tế phụ nữ, kinh tế phái đẹp, kinh tế quý cô/bà) giờ đây đã không còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Thậm chí, “sheconomy” còn được dự báo sẽ là loại hình kinh tế đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, cùng với sự phát triển và gia tăng vai trò của phụ nữ về bình đẳng, chính trị và kinh tế.
Tại Mỹ, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu PEW, nữ giới chiếm 49,9% số việc làm phi nông nghiệp và 51,5% các vị trí chuyên nghiệp và quản lý được trả lương cao. Với nhóm dân số từ 30 - 40 tuổi, khi người chồng là người kiếm thu nhập chính hay duy nhất, quyết định chi tiêu trong nhà được phân định khá cân bằng. Chồng quyết 1/3, vợ quyết 1/3 và 1/3 còn lại hai người cùng quyết chung.
Ngoài ra, trong số 22% hộ gia đình có phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn, số quyết định chi tiêu vợ đưa ra nhiều gấp đôi chồng (phụ nữ nắm 51,3% tài sản cá nhân). Phụ nữ kiếm được nhiều hơn theo cấp số cộng thì số tiền trong tay họ tăng theo cấp số nhân. 90/200 tỉ USD doanh số thiết bị điện tử tiêu dùng đến từ phụ nữ, 105/256 tỉ USD thị trường sửa chữa nhà cửa cũng là của họ và 44% số fan giải bóng bầu dục Mỹ cũng là nữ.
Khi Mỹ bắt đầu bước vào quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế tri thức, phụ nữ là đối tượng sẵn sàng và nhập cuộc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
|