Chồng Nam tiến hỗ trợ chống dịch, nữ bác sĩ vừa chăm con nhỏ, vừa giúp đỡ bệnh nhân Covid-19

02/11/2021 11:03
Bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh đã tư vấn, hỗ trợ hàng trăm bệnh nhân Covid-19

Bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh đã tư vấn, hỗ trợ hàng trăm bệnh nhân Covid-19

Con nhỏ mới 1 tuổi, chồng lại Nam tiến hỗ trợ chống dịch Covid-19 nhưng bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh vẫn đăng ký tham gia tư vấn cho người mắc Covid-19. Chị đã bố trí hợp lý để có thể vừa làm chuyên môn, vừa chăm sóc con và tư vấn cho người bệnh.

Gương mặt khả ái, nụ cười thân thiện và đặc biệt là chất giọng ấm áp của người con gái xứ Quảng là những ấn tượng đầu tiên mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được khi gặp bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh, khoa Giải phẫu bệnh, BV Phổi Trung ương.

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, vợ chồng chị đều tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân Covid. Nếu như bác sĩ Phan Thanh Tuấn, khoa Ngoại (BV Phổi TƯ), phu quân của chị trực tiếp có mặt tại tuyến đầu cùng đồng nghiệp giúp Đồng Nai đi qua những ngày tổn thương nhất, thì ở hậu phương, trong mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bác sĩ Tuấn Anh cũng nỗ lực chống dịch từ xa bằng cách kết nối trực tuyến, tư vấn điều trị cho hàng trăm người bệnh F0 mỗi ngày.

Suốt nhiều tháng qua, bác sĩ Tuấn Anh liên tục được mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tôn vinh nhiều danh hiệu: Cá nhân thực hiện nhiều cuộc gọi thành công nhất, bác sĩ chăm sóc nhiều bệnh nhân nhất, top 10 cá nhân đạt nhiều ngôi sao hy vọng nhất, top 10 bác sĩ sàng lọc nhiều bệnh nhân nhất…

Chồng Nam tiến hỗ trợ chống dịch, nữ bác sĩ vừa chăm con nhỏ, vừa giúp đỡ bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 1.

Một bác sĩ của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: ST

Bác sĩ Tuấn Anh sinh ra và lớn lên ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại trường Đại học Y Hà Nội, chị được nhận vào làm việc tại BV Phổi Trung ương. Tại đây, chị gặp và nên duyên với chồng là bác sĩ Thanh Tuấn.

Chia sẻ khi tham gia tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 trong Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bác sĩ Tuấn Anh tâm sự: Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, mình nghĩ nếu không thể có mặt trực tiếp tại nơi tâm dịch thì cũng không thể ngồi yên ngoài cuộc chiến ấy. Do đó, ngay từ đợt đầu tuyển tình nguyện viên, mình đã đăng kí tham gia. Trải qua các bài test vào mạng lưới, mình được phân công là bác sĩ tư vấn cho khu vực 764, là khu vực hỗ trợ chính cho quận Gò Vấp (một trong những quận đầu tiên có dịch ở TPHCM). Khi tình hình dịch ở Gò vấp tương đối ổn, nhóm mình được phân công hỗ trợ các quận khác như Bình Tân, Tân Phú, TP Thủ Đức, Bình Thạnh…

Theo bác sĩ Tuấn Anh, đối tượng chính Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tập trung hỗ trợ là bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế; trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính... Đây đều là những người dễ tổn thương nên các bác sĩ, trong đó có chị đã tận tình giúp đỡ bệnh nhân.

Sợ nhất là không giúp gì được người bệnh

Con nhỏ mới 1 tuổi, chồng lại Nam tiến hỗ trợ điều trị Covid-19 nên bác sĩ Tuấn Anh phải bố trí hợp lý để có thể vừa làm chuyên môn, vừa chăm sóc con, vừa tư vấn qua điện thoại cho người bệnh.

Chồng Nam tiến hỗ trợ chống dịch, nữ bác sĩ vừa chăm con nhỏ, vừa giúp đỡ bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: ST

"Giai đoạn tháng 9 là thời kì đỉnh dịch của TPHCM và các tỉnh miền Nam nên hầu hết bác sĩ, nhân viên y tế trong mạng lưới phải đi chống dịch, vậy nên số người còn lại chăm sóc số lượng bệnh nhân rất lớn. Cao điểm nhất là có ngày mình gọi thành công đến 110 cuộc, có những cuộc gọi được thực hiện vào lúc nửa đêm. Với mỗi cuộc gọi, mình đều cố gắng lắng nghe và đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho người bệnh. Mặc dù khá căng thẳng nhưng mình cố gắng sắp xếp và dành sự ưu tiên cao nhất cho người bệnh", bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.

Bác sĩ Tuấn Anh tâm sự: Hỗ trợ qua điện thoại, sợ nhất là cảm giác không giúp gì khi người bệnh tăng nặng. Mình nhớ nhất là trường hợp gia đình ở quận Gò Vấp có 6 người cùng là F0, nhưng đều điều trị tại nhà, trong đó có 2 người lớn tuổi. Người vợ 73 tuổi, còn người chồng 81 tuổi có bệnh nền hen phế quản. Cụ ông sức khỏe rất yếu, phải thở oxy tại nhà, nhiều lần được động viên nhập viện nhưng cụ không chịu. Vì thế, mình cùng tình nguyện viên đã hỗ trợ hết sức, hằng ngày hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, thở oxy ngắt quãng, tập thở. Qua 10 ngày, tình trạng cụ ông đã ổn, cai được oxy và ăn uống tố. Điều mà mình luôn nói với ông bà khi gọi điện tư vấn là hãy luôn lạc quan, quyết tâm điều trị để được sống cùng con cháu... Cuối cùng, ông bà đã chiến thắng Covid-19, khỏe mạnh và lan tỏa năng lượng tích cực đến rất nhiều người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn