Chùa cổ gần 700 năm ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng

09/05/2022 16:14
Mái ngói thủng lỗ chỗ, xô lệch

Mái ngói thủng lỗ chỗ, xô lệch

Được xây dựng từ năm 1328, Diễn Phúc tự (tức chùa Tre, ở thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã xuống cấp trầm trọng. “Mái ngói của ngôi chùa đã hỏng. Trụ bằng gỗ mục nát, rỗng bên trong, người dân không ai dám vào để thắp hương vì sợ sập. Tôi cũng không dám vào thắp hương nếu ở ngoài không có người. Chúng tôi phải treo biển cảnh báo nguy hiểm khắp nơi trong chùa”, trụ trì Thích Đàm Vinh nói.

Nguy cơ đổ sập

Trụ trì Thích Đàm Vinh cho biết thêm, nhà chùa đã lên kế hoạch tu sửa nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. "Nhiều lần tôi gửi đơn lên chính quyền địa phương, xin được tu sửa ngôi chùa nhưng giữa nhà chùa và chính quyền vẫn chưa thống nhất được phương án", thầy Thích Đàm Vinh nói. Theo trụ trì chùa Tre, do chùa chưa được công nhận là di tích nên việc trùng tu gặp khó khăn, bởi các giấy tờ liên quan của ngôi chùa gần 700 tuổi này đã bị mất.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng thôn Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), thông tin: "Chùa xuống cấp khoảng gần chục năm nay. Chúng tôi phối hợp với trụ trì Thích Đàm Vinh lên kế hoạch tôn tạo thế nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể sửa được do vướng mắc một số vấn đề. Trước đó, chùa cũng đã được trùng tu lại nhưng lần này hỏng hóc nhiều hạng mục, sụt lở từ chân móng, ngói cũng bị hỏng nhiều, bây giờ có trận mưa to là ngôi chùa có thể bị đổ, sập bất cứ lúc nào. Chúng tôi mong muốn được sửa chữa sớm để đảm bảo an toàn cho ngôi chùa".

Cũng theo ông Thành, trong chùa có nhiều bức tượng lâu năm, nên việc trùng tu lại ngôi chùa là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên chỉ sửa được những phần nhỏ của chùa. "Chúng tôi cố gắng bảo tồn ngôi chùa, nếu sửa chữa, chúng tôi vẫn giữ lại hồn cốt, thiết kế theo nguyên bản, giữ lại toàn bộ bức tượng, bia đá… trong chùa", ông Thành nói.

Chùa cổ gần 700 năm ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh 1.

Ngôi chùa được treo biển cảnh báo nguy hiểm

Theo các bậc cao niên trong thôn Đại Nghiệp, căn cứ vào những ghi chép ở tấm bia đá trong khuôn viên ngôi chùa và các dấu tích để lại, chùa Tre trước đây là một viện nghiên cứu Phật giáo lớn trong vùng. Tấm bia đá này có chiều cao khoảng 1m, rộng 80cm, quanh diềm bia chạm hoa dây đặc trưng phong cách Lý - Trần, trán bia hiện còn hình một con rồng uốn lượn nhiều vòng nhỏ dần về sau, với những nét khắc rõ ràng, dưới chân bia là diềm hoa văn sóng thủy ba cũng là một đặc trưng phong cách đời Trần.

Khó khăn về nguồn kinh phí

Ngoài dấu tích bia đá, đôi sấu đá ở thành bậc tiền đường cũng là căn cứ về thời đại dựng chùa là thời Trần. Đây là linh vật phổ biến thời Lý - Trần. Sấu đá đeo chuông, mình tròn hơn so với chó đá, tư thế nằm nhưng sẵn sàng chạy, đầu ngẩng và không chạm chi tiết như nghê đá sau này.

Chùa cổ gần 700 năm ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh 2.

Tường vôi bị bong tróc chi chít

Hai bên hồi đại bái còn những mảng trang trí bằng đất nung, đặc trưng của nghệ thuật thời Mạc. Các khối đất nung hình vuông có tạo hình rồng (rồng yên ngựa), người cưỡi ngựa. Các viên gạch nung này có phong cách nghệ thuật giống với gạch nung ở chùa Bối Khê (Thanh Oai) hay chùa Đậu (Thường Tín). Điều này được cho là chùa Tre từng được trùng tu vào thời nhà Mạc. Chùa Tre còn lưu giữ 2 pho tượng gỗ Quan Âm Nam Hải và Phật Thế Tôn. Tượng Quan Âm Nam Hải trong thế ngồi kiết già thiết ấn trên một bệ sen, có tất cả 18 tay. Các lớp cánh sen với cánh sen nở xòe ra, phồng múp, dưới mỗi cánh sen lại được tạo hình những viên ngọc bao quanh 1 viên ngọc lớn hơn ở chính giữa, dưới bệ sen là 4 đầu rồng hướng về bốn phía mang phong cách nghệ thuật thời Mạc. Pho tượng Phật Thế tôn được tạc đứng liền khối với bệ, dáng cao và cân đối. Lớp cánh sen cũng nở xòe như của pho tượng Quan Âm Nam Hải. Dưới cùng là lớp sóng được tạo hình cả bốn mặt của bệ, với các đặc trưng của giai đoạn cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17.

Ngoài sân chùa hiện còn một tấm bia đá thời Lê Trung Hưng thế kỷ 18 và 1 cây hương thạch có niên đại tương tự. Cây hương thạch hiện được dựng tại bên phải tiền đường, không phải vị trí chính giữa tiền đường như thường thấy ở các di tích khác.

Tuy là ngôi cổ tự nhưng đến nay, chùa Tre vẫn chưa được xếp hạng di tích, chỉ đóng vai trò như một ngôi chùa làng mà người dân chưa có kinh phí để tu sửa. Lãnh đạo xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội), cho biết, UBND xã Tân Dân đã có văn bản chấp nhận chủ trương tu sửa chùa Tre. Hiện tại, nhân dân đã thống nhất về việc tu sửa. Nhà chùa cũng đã mời đơn vị tư vấn, khảo sát thiết kế. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất vào lúc này là nguồn kinh phí.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.