Chuyện về người đạp xích lô từ chối nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19

03/12/2021 08:48
Hằng ngày, ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn cùng chiếc xích lô rong ruổi khắp phố phường Hà Nội

Hằng ngày, ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn cùng chiếc xích lô rong ruổi khắp phố phường Hà Nội

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù thuộc diện được nhận hỗ trợ của Nhà nước nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuấn, 62 tuổi (Hà Nội) đã từ chối để nhường phần hỗ trợ cho những người người khác.

Ở độ tuổi mà những người bạn của mình đều đã nghỉ hưu thì ông Tuấn vẫn cùng chiếc xích lô rong ruổi khắp phố phường Hà Nội. Dáng vẻ cao lớn cùng nước da ngăm ngăm, ông Tuấn cất giọng chắc nịch khẳng định: "Tôi sẽ đạp xích lô đến khi không còn sức thì thôi. Bây giờ có chuyển nghề khác, tôi cũng không quen". Sự độc lập và tính chất tự do của nghề này là thứ níu chân ông sau rất nhiều lần đấu tranh tư tưởng.

Hơn 20 năm chở khách, ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn giữ lịch làm việc "thất thường" và phóng khoáng của mình. Ông nói: "Tôi thường làm việc từ 9h sáng, vị trí "đắc địa" của tôi là đối diện Bưu điện Hà Nội. Tôi thích nghỉ lúc nào cũng được, khi nào cảm thấy hôm nay đã đủ rồi thì tôi về. Đủ ở đây là đủ mệt và đủ tiền cho một bữa no". Dù mỗi ngày chỉ kiếm được 100.000 đồng đến 200.000 đồng nhưng ông Tuấn coi đây là công việc hạnh phúc và tự do nhất. Việc được ngắm nhìn khung cảnh Hồ Gươm mỗi ngày, được trò chuyện với những vị khách khiến ông Tuấn nghĩ mình nhận được nhiều hơn mất khi làm nghề này.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù thuộc diện được nhận hỗ trợ nhưng ông Tuấn và vợ mình đã từ chối để nhường phần hỗ trợ cho những người người khác. Bởi có những người đồng nghiệp của ông dù ốm đau, bệnh tật nhưng vẫn đẩy chiếc xích lô cũ kỹ đi chở phế liệu để kiếm kế sinh nhai.

Chuyện về người đạp xích lô từ chối nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

"Có người đạp xích lô mặc quần đùi, áo ba lỗ đi làm nhưng theo tôi, đã là ngành dịch vụ thì lúc nào cũng cần sự chỉn chu", ông Tuấn chia sẻ.

Tưởng chừng công việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nghề đạp xích lô cũng có "quy định" và bí quyết riêng. "Đầu tiên chính là sự tinh tế, tôi phải vừa chăm sóc, vừa bảo vệ khách để tránh không xảy ra trường hợp khách bị mất đồ hay bị cướp giật. Tôi cũng hay nhắc khách hàng lên và xuống xe nhẹ nhàng. Có người đạp xích lô mặc quần đùi, áo ba lỗ đi làm nhưng theo tôi, đã là ngành dịch vụ thì lúc nào cũng cần sự chỉn chu", ông Tuấn chia sẻ.

Hà Nội đang dần hồi phục sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhưng không ít đồng nghiệp của ông Tuấn đã chuyển nghề. Có người chạy xe ôm công nghệ, có người chở vật liệu xây dựng. Còn ông Tuấn, ngay sau khi UBND TP Hà Nội cho phép một số dịch vụ được hoạt động, ông đã trở lại làm việc và kí cam kết tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Từng là một nhân viên tại một xí nghiệp, sau khi đơn vị giải thể, ông Nguyễn Văn Tuấn đã quyết định theo nghề đạp xích lô. Trong hơn 20 năm bám trụ với nghề, ông Tuấn vừa đạp xích lô, vừa mày mò học tiếng Anh từ những vị khách và sách vở. "Mấy năm đầu tiên chở khách nước ngoài, tôi chỉ nói được những câu đơn giản như xin chào, cảm ơn. Bây giờ thì tiếng Anh của tôi cũng khá hơn rồi", ông Tuấn khoe.

Trong thời gian phố phường Hà Nội sầm uất, người nước ngoài đến du lịch đông, một ngày ông Tuấn có thể chở tới chục khách hàng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 giống như một cơn bão khiến ông Tuấn thất nghiệp. Cũng vì lẽ đó mà hơn 3 tháng qua, vốn từ của ông chỉ được trau dồi nhờ tờ báo tiếng Anh được con gái mua tặng.

"Thiết nghĩ việc học không bao giờ là muộn. Ít nhất khi giới thiệu Hà Nội với bạn bè quốc tế, tôi cũng sẽ không làm "xấu mặt" quê hương", ông Tuấn bộc bạch. Dù không theo học bài bản nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn có thể giới thiệu những địa điểm nổi tiếng như Nhà hát Lớn Hà Nội, Tháp Rùa, Bưu điện Hà Nội… hoàn toàn bằng tiếng Anh cho du khách. Hơn 20 năm "lặn lội" với nghề đạp xích lô, ông Tuấn cảm thấy nghề không phụ người. Các vị khách nước ngoài là người chỉ dạy ông những từ tiếng Anh đầu tiên. Họ cũng thường xuyên trả thêm tiền và nói lời cảm ơn ông… Đôi chân mày đã điểm sợi bạc của ông Tuấn chợt nhíu lại khi nhớ về những ngày tháng ấy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn