pnvnonline@phunuvietnam.vn
Có cần thiết tiêm vaccine nhắc lại phòng sởi cho phụ nữ tuổi sinh đẻ không?
Mặc dù việc tiêm phòng sởi từ lâu đã thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng trong suốt nhiều năm qua, nhiều nước trên thế giới hiện nay đã công bố dịch sởi quay trở lại. Sau một thời gian dài tiêm vaccine sởi, đặc điểm dịch tễ học của bệnh đã thay đổi một cách đáng kể.
Có thể kể đến như mùa và chu kỳ không còn rõ nét, thời gian dịch kéo dài hơn, quy mô tuy bị thu nhỏ nhưng có xu hướng tái diễn. Do đó rất nhiều người đang phân vân không biết có cần thiết tiêm vaccine nhắc lại phòng sởi cho phụ nữ tuổi sinh đẻ.
1. Tiêm vaccine nhắc lại phòng sởi cho phụ nữ tuổi sinh đẻ có cần thiết không?
Hiện nay, lứa tuổi mắc bệnh sởi đang dần dịch chuyển sang lứa tuổi lớn hơn chứ không chỉ diễn ra ở trẻ nhỏ. Đặc biệt hơn, trên thế giới đang ghi nhận số ca bệnh sởi rất cao ở trẻ rất nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Để tăng khả năng phòng bệnh cho các bà mẹ và trẻ em sơ sinh, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo tiêm vaccine nhắc lại phòng sởi cho phụ nữ tuổi sinh đẻ là thật sự cần thiết.
Vì mũi tiêm vaccine sởi đầu tiên chỉ được tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Do đó việc tiêm nhắc lại vaccine phòng sởi sẽ giúp củng cố miễn dịch cho cả mẹ và trẻ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh trong những năm tháng đầu đời.
Đặc biệt lưu ý rằng phụ nữ mang thai không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, dù là vaccine sởi đơn hay mũi kết hợp sởi - quai bị - rubella. Vaccine có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé trong thời gian mang bầu. Chính vì vậy, việc tiêm nhắc lại vaccine phòng bệnh sởi cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ rât quan trọng để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra với mẹ và bé.
2. Tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng sởi trong độ tuổi sinh đẻ
Từ năm 2000 trở đi, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã triển khai chương trình tiêm chủng ngừa bệnh sởi. Tuy rằng tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng không có nghĩa tất cả các đối tượng đều có kháng thể với virus sởi. Đặc biệt, việc không có kháng thể ngừa bệnh sởi ở phụ nữ mang thai sẽ dẫn đến thiếu hụt kháng thể ở trẻ ngay sau sinh. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc sởi sớm ở trẻ sơ sinh trong những tháng đầu.
Như chúng ta đã biết, kháng thể ở trẻ sau sinh là kháng thể được truyền từ mẹ sang con một cách tự nhiên trong quá trình mang thai hoặc qua đường sữa mẹ. Trong những năm tháng đầu đời, trẻ có thể được bảo vệ khỏi virus sởi chủ yếu là do kháng thể IgG do mẹ truyền qua nhau thai trong quá trình mang bầu.
Một số nghiên cứu, khảo sát đã chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ em có kháng thể với virus sởi ở người mẹ đã tiêm nhắc lại vaccine sởi cao hơn nhiều so với mẹ không tiêm nhắc lại. Trong khi đó hiện nay, khoảng trống miễn dịch đang gia tăng hàng ngày trong cộng đồng, thì tình trạng kháng thể kháng virus sởi ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang có xu hướng giảm.
Thực tế, tình trạng kháng thể của trẻ sơ sinh trong những năm tháng đầu đời phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng kháng thể của mẹ. Nhưng chính những xu hướng giảm kháng thể ở phụ nữ dẫn đến xu hướng kháng thể ở trẻ sau sinh đang giảm nhiều và nhanh chóng. Từ đó khiến trẻ sau sinh hiện nay có nguy cơ mắc sởi cao và sớm hơn nhiều so với trước kia.
Do đó, để tăng khả năng phòng bệnh cho các bà mẹ ở nhóm tuổi này, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo nên tiêm chủng vắc xin sởi mũi nhắc lại cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi mang thai.