Có “của ăn, của để” nhờ trồng địa lan

22/01/2022 08:39
Nhiều phụ nữ xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) thoát nghèo nhờ trồng hoa địa lan

Nhiều phụ nữ xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) thoát nghèo nhờ trồng hoa địa lan

Với sự hỗ trợ của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Tổ hợp tác "Trồng và phát triển cây hoa địa lan rừng" đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) vươn lên thoát nghèo, đạt thu nhập bình quân 35 triệu đồng/hộ thành viên/năm.

Nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, thời tiết ôn hòa, độ ẩm phong phú, ánh sáng phù hợp, thổ nhưỡng phì nhiêu, không gian thoáng đãng, xã Sin Suối Hồ là vùng đất lý tưởng để trồng hoa địa lan. Đây cũng là loại cây giúp nhiều hộ gia đình người dân tộc Mông thoát nghèo và có "của ăn, của để".

Được vay vốn không tính lãi

"Trước đây, không phải hộ gia đình hay phụ nữ nào cũng có thể trồng được hoa địa lan, vì giống hoa này rất đắt. Nhiều người không có điều kiện để mua về trồng", chị Sùng Thị Le (Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sin Suối Hồ) chia sẻ. Nhận thấy hoa địa lan là cây trồng thế mạnh của địa phương, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ phụ nữ Sin Suối Hồ xây dựng mô hình Tổ hợp tác "Trồng và phát triển cây hoa địa lan rừng". Mô hình được triển khai từ năm 2018 đến nay.

Chị Hảng Thị Sú (dân tộc Mông), một người dân trong bản, cho biết: Các chị em tham gia mô hình được vay vốn hỗ trợ từ Hội LHPN, với số tiền vay 12 triệu đồng, trong vòng 3 năm, mỗi năm trả 4 triệu đồng và không phải trả lãi. Số tiền vay tuy không nhiều nhưng thực sự rất có ý nghĩa đối với chị em trong bản. Với số tiền này, chị em dùng để mua 1 chậu lan về chăm sóc. Từ đó tiếp tục nhân giống và phát triển kinh tế hộ gia đình. Do không phải trả lãi nên các chị em nghèo rất yên tâm.

"Trước khi nhận hỗ trợ, các chị em trong bản nghèo lắm. Nhất là đến Tết, không có tiền để mua sắm quần áo, vật dụng cho bản thân và gia đình. Nhưng từ khi được nhận vốn vay hỗ trợ từ Hội LHPN và tham gia Tổ hợp tác trồng địa lan, bây giờ, hộ nghèo cũng có ít nhất hơn 10 chậu địa lan, cuộc sống của các thành viên tốt hơn trước kia rất nhiều. Có những gia đình làm giàu từ hoa địa lan bởi có từ 500 - 1.000 chậu, mua được xe máy, ô tô, mở homestay...", chị Sùng Thị Le chia sẻ thêm.

Chị em được coi trọng hơn nhờ tự chủ kinh tế

Để trồng được địa lan đẹp, hoa nở đúng dịp Tết, những người phụ nữ dân tộc Mông tại Sin Suối Hồ cũng có bí quyết riêng. Khi trồng địa lan phải chú ý làm đất để chậu lan không bị úng nước hoặc bị sâu rệp, phát triển kém. Hằng ngày, cần làm vệ sinh, bỏ hết các rễ, thân thối, nhặt các lá rụng, lá vàng phủ ở các gốc để không cho rệp trú ẩn, tách bỏ các giò bị vàng lá và tưới cho cây. Để địa lan phát triển, đặt cây ở những nơi thoáng, mát...

Những kiến thức, kinh nghiệm này được chị em chia sẻ trong những buổi sinh hoạt của Tổ hợp tác. Cứ sau 1 năm, khi thực hiện một đợt vay vốn hỗ trợ mới, những người làm tốt sẽ chia sẻ bí quyết cho các thành viên trong Tổ về cách trồng hiệu quả để địa lan mọc mầm tốt, ra hoa đẹp, đúng thời điểm.

"Tham gia mô hình trồng hoa địa lan, chị em đều cố gắng làm tốt, tích cực nhân rộng các chậu hoa để nguồn vốn vay có hiệu quả. Chúng tôi dần thay đổi cách suy nghĩ tích cực hơn, tự chủ về kinh tế, mạnh dạn trao đổi, chia sẻ những việc lớn trong gia đình và được coi trọng hơn", chị Sùng Thị Về, một thành viên trong Tổ hợp tác, bày tỏ.

Tính đến nay, Tổ hợp tác "Trồng và phát triển cây hoa địa lan rừng" của xã Sin Suối Hồ có 4 tổ làm mô hình trồng địa lan với hơn 100 thành viên. Các chậu hoa địa lan chủ yếu bán người chơi hoa lan tại thành phố Lai Châu và các địa phương lân cận với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/cành. Năm nay, do ảnh hưởng Covid-19, hoa lan có giá bán thấp hơn, hiện bà con đang bán với giá 150.000 đồng/cành.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.