Cô gái Mông ở Suối Giàng "biến" rừng thành điểm du lịch hút khách

25/11/2022 10:17
Chị Vàng Thi Rua, điểm du lịch tham quan Cốc Tình  (thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái)

Chị Vàng Thi Rua, điểm du lịch tham quan Cốc Tình (thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái)

Tận dụng cảnh thiên nhiên nguyên sơ của núi rừng, vợ chồng chị Vàng Thị Rua (thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã phát triển thành điểm tham quan, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá.

Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn là nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp, khí hậu quanh năm mát mẻ. Với vùng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, Suối Giang đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương. 

Bên cạnh nghề làm trà truyền thống, nhiều bà con nơi đây còn tận dụng những lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên để phát triển các mô hình du lịch, giúp chuyến đi của du khách thêm phong phú và có nhiều trải nghiệm. Điểm tham quan du lịch Cốc Tình của gia đình chị Vàng Thị Rua (thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là một địa chỉ được nhiều du khách lựa chọn.

Từ một góc khu rừng còn nguyên sơ, vợ chồng chị Vàng Thị Rua tự mày mò, tìm hiểu và từng bước cải tạo thành điểm tham quan, giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng và sáng tạo những khu vực chụp ảnh độc đáo.

Cô gái Mông xã Suối Giàng “mở rừng” làm điểm du lịch đón khách tham quan - Ảnh 1.

Chị Vàng Thị Rua

+ Dù còn rất trẻ, nhưng vợ chồng chị đã "sở hữu" một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng nhất ở Suối Giàng. Chị có thể giới thiệu đôi chút về địa điểm du lịch của gia đình mình?

Trước đây, công việc chính của tôi là làm nương, làm ruộng và hái chè. Khi du lịch tại địa phương và khu vực được đầu tư, phát triển, vợ chồng tôi đã đi tham quan, tìm hiểu các địa điểm du lịch ở nhiều nơi. 

Tôi nhận thấy không gian cảnh quan của khu vực mình sinh sống hoàn toàn có thể phát triển thành mô hình tham quan để khách du lịch đến trải nghiệm, ngắm cảnh, chụp ảnh. 

Vì thế, hai vợ chồng đã tự tìm hiểu, tham khảo, học hỏi một số khu du lịch khác, và tận dụng địa hình và cảnh quan thiên nhiên ban tặng để cải tạo lại những lối đi men theo vách đá, những gốc cây cổ thụ và hang động nằm sâu dưới lòng đất để quy hoạch và chia thành từng khu vực tạo sự hấp dẫn, tò mò khám phá cho du khách. Sau quá trình cải tạo, chúng tôi bắt đầu đón khách từ năm 2018.

+ Đến với điểm du lịch tham quan Cốc Tình, du khách sẽ có những trải nghiệm, khám phá gì đáng nhớ?

Điểm du lịch Cốc Tình có diện tích khoảng 4 ha, là mô hình khám phá vẻ đẹp về thiên nhiên nguyên sơ của núi rừng. Tại đây, chúng tôi giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của những ngọn núi đá, của hệ thống hang động, của những tán cây cổ thụ, của rừng trúc, hay của những cây thuốc lá của người dân tộc. Bước chân vào khu du lịch, du khách được vào trong khu rừng nguyên sinh, không có ồn ào, khói bụi. 

Cô gái Mông xã Suối Giàng “mở rừng” làm điểm du lịch đón khách tham quan - Ảnh 2.

Điểm tham quan du lịch Cốc Tình được cải tạo giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của khu rừng

Để thuận tiện cho du khách khi tham quan, ngắm cảnh, chụp hình, chúng tôi có làm thêm những cây cầu, lối đi trong rừng… Tuy nhiên, chúng tôi làm toàn bằng vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, tre, trúc… để  bảo tồn và gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.

+ Cải tạo khu rừng thành điểm tham quan khám phá vẻ đẹp thiên nhiên như hiện tại, gia đình chị hẳn phải dành nhiều thời gian và công sức?

Để mô hình du lịch tham quan Cốc Tình được như ngày hôm nay, lúc đầu bắt tay vào làm tôi gặp nhiều khó khăn, vắt vả lắm. Gia đình không đồng ý, vốn ít lại chưa có mô hình nào tương tự làm mẫu. Nhưng mong muốn và quyết tâm gìn giữ cảnh quan môi trường, tạo điều kiện cho du khách đến khám phá, chiêm ngưỡng vẻ thiên nhiên nguyên sơ và tăng thu nhập cho gia đình, vợ chồng đã động viên nhau mạnh dạn đầu tư điểm du lịch Cốc Tình này. Hai vợ chồng cứ chăm chỉ xách từng xô vữa, bê từng viên gạch, phiến đá lên để làm đường, làm cầu… 

Sau khi đi vào hoạt động, trung bình, mỗi ngày khu du lịch đón khoảng 100 – 200 du khách. Vào những dịp lễ, Tết, có ngày lượng khách đến tham quan, chụp ảnh tăng gấp nhiều lần. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, điểm du lịch Cốc Tình đã đón hàng ngàn lượt du khách. 

Khu tham quan du lịch có nhiều điểm check-in độc đáo, thu hút hàng ngàn lượt du khách mỗi năm

+ Với quy mô hoạt động như vậy, điểm tham quan du lịch Cốc Tình không chỉ giúp gia đình chị phát triển kinh tế, mà còn tạo công việc và thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc?

Vận hành một khu du lịch rộng như vậy, vợ chồng, gia đình tôi làm không xuể. Hàng ngày, cần phải dọn dẹp vệ sinh, nhổ cỏ, quét lá, trồng hoa, hướng dẫn du khách… để điểm du lịch luôn xanh, sạch, đẹp. Chúng tôi có thuê các chị đến làm việc hàng ngày và lao động thời vụ, với thu nhập từ 200.000 đồng/ngày trở lên, tùy theo công việc.

Cùng với các hoạt động tham quan, khám phá tại khu du lịch, tôi cũng đang liên kết với một số đơn vị làm du lịch khác tại địa phương và trong khu vực, để đem đến cho du khách thêm nhiều hoạt động trải nghiệm. Ví dụ như: du khách có thể tham gia vào các hoạt động cùng đồng bào bản địa như hái chè, sao chè, thêu truyền thống, thưởng thức ẩm thực của người Mông, mặc trang phục của người dân tộc… Bằng cách đó, tôi có thể gìn giữ và quảng bá văn hóa của người Mông đến với cộng đồng.

Cô gái Mông xã Suối Giàng “mở rừng” làm điểm du lịch đón khách tham quan - Ảnh 4.

Những nét đẹp mang giá trị văn hóa truyền thống của người Mông qua trang phục, ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên.... được giới thiệu tới du khách

+ Khó khăn chị gặp phải hiện nay và những mong muốn, để xuất của chị để điểm du lịch tham quan ngày càng phát triển?

Làm du lịch tại vùng cao, hiện chúng tôi gặp khó khăn về nguồn vốn. Hạn chế này khiến chúng tôi rất vất vả khi đầu tư và tái đầu tư, phát triển khu du lịch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp khó khăn về quảng bá hình ảnh, giới thiệu khu du lịch đến với du khách. Mặt khác, vì là người dân tộc, nên tôi còn hạn chế về ngôn ngữ, vốn từ để trò chuyện, giao lưu với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Cô gái Mông xã Suối Giàng “mở rừng” làm điểm du lịch đón khách tham quan - Ảnh 5.

Chị Vàng Thị Rua mong muốn nhận được hỗ trợ để tiếp tục mở rộng khu tham quan

Ngoài nỗ lực của bản thân để khắc phục những khó khăn đó, tôi mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ quảng bá các điểm du lịch của địa phương, để hòa nhập cùng phong trào phát triển du lịch của tỉnh. Tôi cũng mong muốn có thể tiếp cận với nguồn vốn, với các chính sách hỗ trợ để có thể mở rộng khu du lịch, tạo thêm nhiều cảnh quan, phát triển thêm các dịch vụ thuận tiện cho du khách như dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi…

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.