Cô giáo vùng cao vượt khó, hết lòng vì học trò

10/10/2021 16:01
Cô Trương Thị Quỳnh trong giờ lên lớp

Cô Trương Thị Quỳnh trong giờ lên lớp

Không chỉ luôn gần gũi với học sinh, cô Trương Thị Quỳnh, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai), còn tâm huyết với nghề và hết lòng yêu thương học trò. Tình yêu đó còn thể hiện ở việc cô miệt mài nghiên cứu các phương pháp dạy học để giúp học sinh tiếp thu bài tốt, khoa học hơn.

Cô giáo Trương Thị Quỳnh tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai năm 2009. Trải qua công việc giảng dạy ở cấp Tiểu học rồi đến cấp THCS, ở vị trí nào cô cũng hết lòng vì học sinh thân yêu, đặt biệt là các em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nhưng ham học.

Để các em dễ tiếp thu kiến thức, cô miệt mài nghĩ cách cải tiến phương pháp giảng dạy. Từ năm 2009 đến 2018, được phân công dạy Tiểu học, cô Quỳnh đã rèn kỹ năng cho học sinh để các em ngay từ đầu đã có cách học chuẩn, vững vàng, làm tiền đề cho những năm tiếp theo. Cô đã có sáng kiến rèn toán có lời văn học cho học sinh lớp 2 và rèn kỹ năng viết miêu tả cho học sinh lớp 4. Cùng với đó, cô còn có sáng kiến kinh nghiệm giúp nâng cao tỷ lệ chuyên cần của lớp.

"Không như học sinh thành phố được tiếp xúc với sách vở từ những năm cuối mẫu giáo, học sinh ở vùng cao có khi lên lớp 1 mới biết đến bút, sách, truyện. Vì vậy, cần rèn cho các em các kỹ năng tiếp xúc với kiến thức từ năm học đầu tiên để những năm sau không bị đi chệch hướng là rất quan trọng", cô Quỳnh tâm sự.

Hạnh phúc là được nhìn học sinh vươn xa - Ảnh 2.

Bao năm gắn bó với các ngôi trường vùng cao, những lớp học sinh nghèo vượt khó cũng là động lực để cô Quỳnh thêm yêu trường, cống hiến hết sức mình với nghề

Từ năm 2018, cô Quỳnh được phân công dạy môn Sử và môn Giáo dục công dân cấp THCS. Môn Giáo dục công dân vốn khô khan nên các em thường uể oải khi ngồi học, chính vì vậy, cô Quỳnh đã nghĩ cách lồng ghép kể chuyện cổ tích trong dạy môn Giáo dục công dân lớp 6. Thành quả là các em đều tiếp thu kiến thức rất tốt và sáng kiến của cô được Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao. Năm học vừa qua, học trò của cô có 3 học sinh giỏi cấp huyện và 1 học sinh được dự thi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân. Đó không chỉ là thành tích của học sinh mà còn là "thành tích" khiến bản thân cô tự hào trong sự nghiệp trồng người.

Cô Quỳnh kể, trong lứa học sinh, cô ấn tượng nhất về tinh thần vượt khó của em Vàng Thị Hiểu và em Vàng Thị Lành. Gia đình hai em đều thuộc hộ nghèo. Các em đều là con cả trong gia đình, mọi việc lớn nhỏ đều đến tay, gánh vác lo toan cho các em nhỏ của mình ở nhà. Vất vả là thế nhưng năm nào hai em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.

"2 em luôn là tấm gương tiêu biểu của trường trong mọi hoạt động. Em Lành còn nhiều năm liền làm Liên đội trưởng và Liên đội phó của trường. Mặc dù nhà nghèo, phải đi bộ hàng ngày đến trường nhưng các em rất ham học, tích cực mượn sách báo, sách tham khảo từ thư viện, tra cứu tìm kiếm thông tin bổ trợ phục vụ cho bài học. Ở lớp các em đều là những lớp trưởng và lớp phó gương mẫu, học giỏi", cô Quỳnh tự hào chia sẻ.

Vượt khó khăn để gắn bó với nghề

Ít ai biết rằng, cô Quỳnh cũng như các em học sinh ở Bản Liền, từng có tuổi thơ "vượt khó" để vươn lên, trở thành giáo viên đứng trên bục giảng. Sinh ra trong một gia đình nông dân, bố thường xuyên ốm đau nên khi nhỏ, cô vừa phải làm việc nhà, vừa chăm sóc bố, vừa cố gắng học tập. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Quỳnh thi đỗ trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai và phải xa gia đình để đi học để nuôi ước mơ mang con chữ đến cho các em vùng cao.

Cô Quỳnh nhớ lại, vào năm 2009, cô nhận quyết định công tác tại một xã xa thứ nhì của huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) cách nhà hơn 100km, đường xá đi lại rất khó khăn, điện không có, sóng điện thoại thì chập chờn, nước sinh hoạt cũng thiếu… cô không khỏi cảm thấy bị sốc. Thế nhưng cô nghĩ, nếu như ai cũng ngại không đến những nơi như thế này, thì các em học sinh bao giờ mới biết chữ, mới thoát nghèo.

Hạnh phúc của cô giáo vùng cao là được nhìn học sinh vươn xa - Ảnh 2.

Cô giáo Quỳnh và học trò

Thế là từng ngày, cô cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, chuyên tâm truyền đạt cho các em nhỏ từng con chữ. Được sự chia sẻ của đồng nghiệp, cô cảm thấy ấm lòng, mọi khó khăn dường như được xua tan, chỉ còn lại những ánh mắt đầy hy vọng của các em nhỏ nơi đây. Mảnh đất xa xôi này cũng mang đến cho cô một người bạn trai - là thầy giáo dạy cùng trường để rồi tình yêu đơm hoa kết trái, vẹn tròn hạnh phúc.

Cũng là một kỷ niệm khó quên, cô Quỳnh kể lại, đó là năm 2014, cô dạy tại xã Thào Chư Phìn huyện Si Ma Cai, vợ chồng cô thường xuyên phải đến tận nhà học sinh gọi học trò đi học. Nhiều hôm trời mưa rét, thầy cô phải dậy từ sáng sớm, có khi phải đi bộ hàng cây số để gọi các em đến trường. Dù trải qua nhiều khó khăn vất vả, nhưng điều cô Quỳnh tự hào nhất là nhìn thấy các em học sinh ngày một khôn lớn và trưởng thành.

Năm 2015, vợ chồng cô giáo Trương Thị Quỳnh chuyển công tác về dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Bản Liền, huyện Bắc Hà cho đến nay. Cần mẫn "đưa đò", hàng năm cô Quỳnh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Năm học 2020-2021, cô được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn