Chồng tôi chẳng thấy lo nghĩ về thể lực, về lều chõng, mà chỉ bàn bạc với vợ xem lên núi ăn món gì thì ngon (!!!). Hành trang leo núi đã vốn lỉnh kỉnh lại thêm cồng kềnh với bếp núc xoong chảo.
Ngọn núi chúng tôi chinh phục là một ngọn núi khó, khó vì độ dốc và địa hình hiểm trở, khó nữa vì ít nước khô cằn không có rau rừng cá suối và người ở. Đi được đến chân núi cũng mất cả ngày đường từ Hà Nội mà trong bản không thể mua nổi thức ăn gì. Chạy xe cách Hà Nội gần 200km, chúng tôi dừng chân ở một thị tứ nhỏ để “đi chợ”. Chúng tôi mua nào gà, gạo, rau, mắm muối, dầu ăn, rau gia vị, hành tỏi, chuối chín, thịt lợn… Vào chợ trông như khách du lịch, ra chợ trông giống đội làm cỗ thuê… mặt hai vợ chồng dãn ra vì hài lòng.
Đêm hôm đó chúng tôi xin ở nhờ nhà người Mông dưới chân núi. Căn nhà tối mờ leo lắt bong điện đỏ, khi cánh đàn ông ngồi quanh bếp lửa đỏ uống trà nói chuyện thì tôi được dịp xoay vần với mớ đồ ăn. Đoàn chúng tôi đi có 2 đàn ông Kinh, 1 anh dẫn đường người Mông và duy nhất tôi, nữ giới – vợ – kiêm đầu bếp tự phong.
Bữa tối ở bản tôi đãi đám đàn ông món gỏi gà trộn hành tây, canh cải mèo và lòng gà xào. Con gà còn lại được chặt nhỏ, ướp gia vị gừng nghệ và rang lên. Miếng thịt lợn cũng được xẻ miếng tẩm ướp rán sơ chế chia ra từng túi nhỏ. Đến 10 giờ đêm thì tôi đã xếp chồng trong chạn bếp người Mông vô số thức ăn sơ chế ngon lành. Với tôi, tại thời điểm đó, adrenalin chảy tràn trong não, tôi cảm giác ngọn núi cần chinh phục giống như ụ đất. Tôi, người phụ nữ đảm đang này có thể lo cho đám đàn ông cơm ăn, thì cũng có thể leo núi vậy.
Sáng hôm sau chúng tôi lên núi sau khi được tôi đãi một nồi miến nấu thịt và xương ống, ấm bụng cả bọn xốc ba lô sau lưng tiến tới. Con đường dẫn lên đỉnh Phù Song Sung dốc ngược cứ thế cao lên cao lên mãi. Chỉ có chúng tôi với núi, nắng và gió bụi đỏ. Mỗi một bước chân đi lên là một bước chinh phục bản thân, mỗi một điểm cao đạt tới là bao mồ hôi và hạnh phúc. Những người đàn ông tìm niềm vui ở những bước chân, còn tôi thì chỉ nghĩ đến việc tối nay ăn thịt gà hay thịt lợn!
Vật vã một ngày mệt nhoài, cuối cùng bữa tối của chúng tôi ( hay nói đúng hơn là của tôi) được nhóm lửa ở độ cao 2,700m, giữa thiên nhiên và gió ngàn với một vầng trăng treo lơ lửng. Người dẫn đường phải mang can đi tìm nước về nấu cơm, còn tôi thì quên hết mệt nhọc để đi quanh tìm thêm một ít rau dại cho vào nồi canh, và giám sát sao để rán thịt vừa xém cạnh.
Chồng tôi gần như đã quên hết những mối tình với anh hủ tíu hay chị bún móng. Lúc này, luôn ở cạnh tôi, chúng tôi ăn bữa sáng với mì tôm thịt gà, bữa trưa với cơm rang tỏi và thịt lợn cháy cạnh, anh nhường tôi húp canh trước, anh húp canh sau. Anh gắp cho tôi gắp rau cuối cùng. Chúng tôi ngồi trên những thân cây ngã xuống, tay cầm bát, chân gõ nhịp theo nhạc, gió thổi tít tắp bay cả rau thơm, đêm trời thắp sao lung linh đậu ở mép đĩa thịt, sáng mặt trời bồng bềnh lấp lóa chìm vào đáy bát canh rau cải cúc. Hạnh phúc đến gần như đầy tràn trong tiếng cơm sôi lục bục và khói cơm tỏa ra thơm nức.
Cả ba người chúng tôi chinh phục đỉnh núi cao 2.900m thành công, và xuống núi với những ngón chân tê nhức. Cánh đàn ông khi về nhà khoe với bạn bè những bức ảnh hành động dựng tim khi leo vách đá hay đi giữa sống trâu của núi. Còn tôi, âm thầm ngồi 1 góc ôn lại mùi cơm rang tỏi vào sáng mai tinh khiết…
Khi quay về thành phố, tôi lại ít có dịp đeo tạp dề và vào bếp. Nhưng tôi biết với chồng tôi, ngoài dạ dày anh còn yêu người phụ nữ của mình vì cô ấy biết leo núi và rán thịt cháy cạnh ở độ cao 2.700m.