pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con ăn không ngon mẹ chẳng cam lòng, "chị công an" quyết tâm nấu cả nhà mê mẩn mới thôi
Dù bận bịu công việc của một chiến sỹ công an của TP Hà Nội nhưng chị Lê Hương Giang vẫn chăm chỉ vào bếp nấu ăn. Cả nhà chị sẽ ăn cùng nhau bữa tối và sáng, riêng bữa tối có nhiều thời gian hơn nên chị sẽ đầu tư nhiều tâm huyết.
Chị cũng tâm sự, trước đây, bản thân vốn không phải là người đam mê nấu nướng nếu như chẳng muốn nói là ghét nấu. Chị còn hài hước đùa, nếu như ngày đó được chọn giữa nấu ăn và rửa bát, bà mẹ 2 con lúc ấy sẽ chọn rửa bát thay vì đứng bếp như nhiều người khác.
Chị Hương Giang
"Mình may mắn ở gần nhà bố mẹ nên đỡ vất vả nhiều. Bố mẹ mình giúp mình đưa đón các cháu, đồng thời cho ăn luôn tại nhà ông bà. Có hai vợ chồng, công việc lại về muộn nên bọn mình triền miên “kết bạn” với hàng quán bên ngoài cho nhanh, tiện. Được cái chồng mình chiều vợ, biết vợ không thích nấu nên anh cũng không ý kiến gì", chị Hương Giang tâm sự.
Thế nhưng dần dần, 8X nhận ra, bố mẹ già yếu hơn, không thể kéo dài mãi tình trạng cơm hàng như vậy được, thế là quyết tâm thay đổi. Bắt đầu từ việc nấu ăn hàng ngày và cả nhà chị sẽ cùng ăn với nhau. Chị Giang chia sẻ, lúc đầu chị cảm thấy miễn cưỡng, nấu cho xong bữa. Các món chủ yếu rất đơn giản như thịt rang, trứng rán, rau luộc... Thế rồi càng nấu chị lại càng mê. Có thể cũng vì có tính hay cầu toàn, thấy các con không hào hứng ăn, chị không cam lòng.
Cuối cùng, bà mẹ đảm bắt đầu tìm hiểu và thay đổi thực đơn thường xuyên, học nấu nhiều món hơn. Chị tham gia các hội, nhóm nấu ăn trên facebook để xin công thức của các chị em. 8X còn lên cả youtube hay google để học cách chế biến...
Để mỗi bữa ăn hàng ngày không bị trùng lặp, chị Giang thường lên ý tưởng thực đơn sẵn cho cả tuần. Sau đó bà mẹ đảm sẽ đi chợ hoặc siêu thị vào thứ 7, Chủ nhật mua thực phẩm, về sơ chế, bỏ tủ lạnh nấu dần. Khi nào cần đến chị sẽ đem rã đông trong ngăn mát từ tối hôm trước, hôm sau chế biến sẽ nhanh vô cùng. Riêng rau, củ thì mỗi sáng đi mua đồ ăn sáng cho gia đình chị sẽ mua trước, về rửa sạch sẽ. Đồ gì cần tẩm ướp chị cũng sẽ thực hiện từ sáng, để đến chiều nấu vừa nhanh mà thực phẩm lại ngấm đều gia vị, ăn sẽ rất ngon và đậm đà.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu sơ chế nên chị chỉ mất 30 phút đến 1 tiếng để hoàn thành bữa ăn. Nhà chị có 2 bé đang tuổi phát triển nên chị cũng ưu tiên bữa ăn phải đủ chất và thực phẩm có nguồn gốc sạch.
"Do đó bữa ăn ăn nhà mình luôn đủ món mặn, xào, canh, rau và hoa quả tráng miệng. Mình có nhiều mẹo nấu ăn và tất cả đều học từ các chị em các hội nhóm nấu ăn trên facebook. Ví dụ làm sao để bánh mỳ luôn giòn, nướng thịt giòn bì, ướp thịt để mềm và thấm vị hơn...", chị vui vẻ cho biết.
Ngoài bữa cơm hàng ngày thì cuối tuần bà mẹ đảm đang còn thường “đổi gió” cho cả nhà như làm các món lẩu, nướng, bún chả, bún mọc sườn dọc mùng, bún bò Nam Bộ, bún nem, cơm tấm, phở cuốn....
Để có thể nấu “lên tay” như bây giờ thì ngoài việc học hỏi mọi người, động lực lớn nhất của chị chính là sự hào hứng thích thú của các con và sự ủng hộ nhiệt tình của ông xã.
Chị Hương Giang hào hứng chia sẻ, "Anh là người hàng sáng đưa mình đi chợ và đặc biệt là luôn ăn hết đồ vợ nấu dù ngon hay dở. Nếu dở, anh sẽ góp ý nhẹ nhàng chứ không bao giờ bỏ hay chê. Mình vẫn trêu anh xã là “anh có đồng ý làm chuột bạch cho em cả đời không?”. Cũng vì “thương” anh phải ăn món dở nên mình cố gắng hoàn thiện nấu ăn hàng ngày để anh đỡ “vất vả”.
Mọi người trong gia đình dần dần ghi nhận sự thay đổi và tiến bộ của chị. Mẹ chính là vị giám khảo khó tính nhất của chị. Mẹ không bao giờ khen, nhưng sự gật đầu của bà khi ăn món chị nấu là sự ghi nhận và khích lệ lớn nhất với 8X.
"Mình rất sung sướng vì được mẹ công nhận, và các con mình chỉ thích về ăn cơm mẹ nấu khi thỉnh thoảng được ông bà “gạ” ở lại ăn cơm cùng. Giờ thì mình như bị “nghiện” nấu, đôi khi chồng rủ ăn hàng quán mình không còn thích nữa. Muốn về nhà tự tay mày mò, tự tay chuẩn bị và nấu ăn. Mỗi khi nấu thành công một món ăn nào đó, mọi người ăn ngon và ăn hết là cảm giác thoả mãn không có gì sánh được với mình", bà mẹ đảm đang hạnh phúc nói.