Cơn đau khủng khiếp hơn cả 12 lần vượt cạn

03/08/2015 - 21:27
Ngày đầu tiên nhập viện điều trị sỏi thận, bà Lê Thị Hồng chỉ nằm nhìn y tá, bệnh nhân qua lại. Dù đây không phải là lần đầu tiên phải ngủ trong căn phòng đặc quánh mùi cồn nhưng đối với bà Hồng, 2 từ “bệnh viện” là nỗi ám ảnh lớn.

Bà Hồng quê Dầu Giây (Đồng Nai), dù đã trải qua 12 lần “vượt cạn” nhưng trong ký ức của bà “chưa có cơn đau nào khủng khiếp như lúc mới nhập viện vì căn bệnh sỏi thận”. Sau khi làm một số xét nghiệm, bà Hồng được bác sĩ chỉ định mổ nội soi để lấy sỏi ra. Song, nhìn thấy nhiều bệnh nhân tái mặt vì cơn đau nơi vết mổ, nhiều lần bà Hồng muốn trốn khỏi bệnh viện. Về sau, nghe bác sĩ phân tích và nhờ sự động viên của người thân, bà Hồng “đánh liều” ở lại.

Kể về căn bệnh sỏi thận đã “hành” cơ thể trong suốt nhiều năm qua, người đàn bà đã bước sang tuổi lục tuần này không còn nhớ chính xác bà biết bệnh từ lúc nào, chỉ nhớ “lần đầu tới bệnh viện, bác sĩ bảo sỏi 3 li (3mm - PV), lần cuối cùng trước khi phẫu thuật thì nó đã lớn 15 li”. Thấy tôi thắc mắc tại sao bà biết bệnh rất sớm nhưng lại để sỏi lớn đến 15mm mới phẫu thuật, bà Hồng thật thà: “Tôi có vào bệnh viện mấy lần rồi, họ có chích thuốc và kê đơn, tôi uống nhưng không bớt, mỗi lần khám là mỗi lần sỏi lớn thêm. Tôi đã sửa soạn để mổ theo chỉ định của bác sĩ, nhưng nhìn thấy bệnh nhân lòng thòng những sợi dây được gắn ở bên sườn, tôi sợ quá nên trốn biệt”.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Hồng nhập viện điều trị, bởi trước đó, bà đã phải mổ sót nhau thai tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), sau đó, bà trải qua cuộc phẫu thuật bướu cổ rồi nhập viện vì đau dạ dày…

Bà Hồng được chăm sóc sau phẫu thuật (Ảnh chụp 23/5/2014)

 Với hy vọng viên sỏi sẽ tự tan mà không cần phải nhập viện điều trị, bà Hồng kiên trì áp dụng mọi phương pháp, từ Đông y đến Tây y, từ cách chữa bệnh truyền thống tới các mẹo dân gian, hễ ai chỉ cho bài thuốc nào, bà đều cố gắng thực hiện theo. “Từ khi tôi biết bệnh tới bây giờ cũng đã gần chục năm, ai chỉ cách nào hay giúp tan sỏi là tôi đều thử. Ban đầu, người ta bảo tôi ăn khóm nướng (quả dứa - PV), xay lấy nước rồi bỏ chút đường phèn vô uống. Có người lại chỉ tôi uống hạt chuối hột, tôi mua cả ký hạt chuối hột về xay, mỗi lần uống là phải cho cả muỗng vào tận họng, đổ nước vô rồi nuốt. Người lại chỉ tôi uống nước ngò ôm xay (rau ngổ - PV)… nhưng không thấy sỏi tan. Khoảng 1 tháng trước, tôi đau quá! Hôm bữa, cơn đau càng dữ dội hơn, rồi tôi có cảm giác không thở được. Cuối cùng đành nhập viện và ký vào tờ phiếu phẫu thuật”, bà Hồng nhớ lại.

Không muốn phiền đến con

Bà Hồng phải xin nghỉ việc ở công ty may để tìm đường buôn bán, bởi đồng lương eo hẹp không đủ nuôi con. “Khi thì xoài, lúc sầu riêng, có khi lại là heo con, gà hay vài ba buồng chuối… "Đường từ nhà tới chợ dài 16km. Gánh hàng của tôi đều đặn không nghỉ ngày nào, rồi tôi nhận ra 2 vai đã hằn những vết chai từ khi nào. Nhưng cũng nhờ vậy, các con tôi không bị đói. Tích cóp được chút vốn, tôi mua xe đạp, rồi sau đó là chiếc xe máy cũ của người hàng xóm cho trả góp, tôi bắt đầu những chuyến đi xa hơn, từ Đồng Nai về các tỉnh miền Tây với tiêu, cà phê, điều… Cứ như vậy hết năm này qua năm khác, cho tới khi 12 đứa con đều khôn lớn, 8 đứa đã lập gia đình và đứa cuối cùng vào đại học. Sắp nhỏ bảo tôi nghỉ chợ, ở nhà trông cháu và nội trợ để an hưởng tuổi già”, bà Hồng kể.

Trong căn phòng nồng nặc mùi cồn, bà Hồng cẩn thận kéo sợi dây gắn bên sườn trái đặt lên đùi, chậm rãi ngồi dậy rồi kể cho chúng tôi nghe cuộc mưu sinh để nuôi 12 người con khôn lớn. Bà bảo, “mình đẻ nhiều nên mình cực, cứ như thân cò, lặn lội đi kiếm ăn về nuôi con. Chồng tôi cũng làm nhưng ổng chỉ quanh quẩn ở rẫy. Chả biết tóc đã bạc đến đâu, cũng không còn quan tâm đến những nếp nhăn phủ kín trên mặt từ khi nào, chỉ thấy sức khỏe mỗi ngày một kém”.

Dù đã bước sang tuổi 63 nhưng cả đời bôn ba với những gánh hàng khiến bà Hồng không muốn “về hưu” và quanh quẩn với công việc nhà. “Đi riết cũng quen, bây giờ ở một chỗ, cảm giác như đôi chân bị cùm. Cũng may, tôi tích cóp được chút tiền, bệnh tật không phải phiền đến con. Bác sĩ bảo 3 ngày nữa tôi sẽ được ra viện, nhưng tôi đã tự ngồi dậy và đi lại bình thường nên có lẽ ngày mai tôi sẽ tự ra viện. Tới đầu đường bắt xe buýt về, còn thủ tục giấy tờ, tôi mặc kệ thằng út”, bà Hồng cười lém lỉnh.


Th.S, bác sĩ Trương Hoàng Minh, Trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM)

Sỏi thận là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận. Tùy thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước sỏi lớn nhỏ khác nhau. Bệnh thường diễn ra phổ biến ở nhóm người trong độ tuổi lao động và theo thống kê thì tỉ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác về yếu tố tạo thành sỏi, tuy nhiên các nguy cơ và yếu tố thuận lợi thì rất nhiều.

Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí của sỏi nằm ở đường tiết niệu trên hoặc đường tiết niệu dưới mà biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện những cơn đau âm ỉ, đôi khi đau quặn từng cơn, rất dữ dội, không có tư thế giảm đau, hay xuất hiện sau những lần lao động nặng. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như tiểu ra máu, tiểu dắt, tiểu buốt, tiểu ngắt ngừng… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi dẫn đến nhiễm trùng, gây ra bế tắc đường tiết niệu, ảnh hưởng đến chức năng thận và dẫn đến suy thận.

Để phòng tránh sỏi thận, chúng ta nên uống đủ nước, tối thiểu 2-2,5 lít nước/ngày đối với điều kiện làm việc bình thường và 3 lít/ngày nếu làm việc ở những nơi có điều kiện nắng nóng. Ngoài ra, cần khám và tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời những bất thường về đường tiết niệu. Nếu đã nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm. Đối với những trường hợp đã điều trị sỏi, sau khi ra viện, sỏi rất dễ tái phát, cần có chế độ tái khám và phòng ngừa sỏi, uống đủ nước và tăng vận động để phòng ngừa sỏi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm