Cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM bước vào tháng Ramadan - tháng yêu thương, rèn luyện đức tin, tu tâm dưỡng tính

31/03/2023 15:40
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Phan Kiều Thanh Hương tặng quà cho đại diện Ban Quản trị các Thánh đường, Tiểu Thánh đường, khu vực Hồi giáo tại TPHCM

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Phan Kiều Thanh Hương tặng quà cho đại diện Ban Quản trị các Thánh đường, Tiểu Thánh đường, khu vực Hồi giáo tại TPHCM

Giống các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới, cộng đồng người Hồi giáo tại TPHCM cũng đang thực hiện tháng ăn chay Ramadan. Đây được xem là tháng yêu thương, rèn luyện đức tin, tu tâm dưỡng tính.

Tại TPHCM, hiện tại có khoảng 8.000 người theo đạo Hồi, phần lớn trong số đó là người dân tộc Chăm, được chia thành 2 dòng khác nhau: Chăm Bà Ni và Chăm Islam.

Cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM đang thực hiện tháng ăn chay Ramadan - Ảnh 1.

Các tín đồ Hồi giáo quây quần bên nhau cùng cầu nguyện.

Theo Hồi lịch, tháng chay Ramadan năm nay bắt đầu khoảng ngày 22, 23/3 dương lịch, kết thúc sau 30 ngày. Trừ trường hợp ngoại lệ, tín đồ Hồi giáo từ 15 tuổi trở lên luôn tuân thủ hành đạo, không được ăn uống (ép xác) trước khi mặt trời mọc còn chưa chiếu sáng (từ 4 giờ 40 phút sáng đến 18 giờ 09 phút chiều cùng ngày).

Theo tập tục truyền thống của đạo Hồi từ bao đời nay, vào mỗi buổi chiều trước giờ xả chay, các tín đồ cao niên, thanh thiếu niên đều đến các Thánh đường, Tiểu thánh đường hoặc khu vực có sinh hoạt tôn giáo tập trung. Họ quây quần bên nhau cùng cầu nguyện (Sikir, Talhalal, Do'a) xin cầu siêu cho người Muslim đã mất và cầu xin cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc, đón thật nhiều hồng phúc của Allah ban cho…

Cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM đang thực hiện tháng ăn chay Ramadan - Ảnh 2.

Nghi thức xả chay

Sau đó, đúng giờ xả chay, họ cùng nhau uống nước, ăn chút trái cây (chà là), ăn cháo gà, bò… cho nhẹ bụng và cùng lên Thánh đường, Tiểu thánh đường hành lễ Magrif (lễ thứ 4) trong ngày. Riêng lễ Salat Sunah Taraweek diễn ra 1 tiếng, từ 20- 21 giờ hằng đêm của tháng Ramadan.

Ông Mach Dares Samael, Quyền Trưởng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo TPHCM, cho biết: "Trong tháng Ramadan, Thượng đế Allah muốn thử thách con người Muslim biết thế nào là đói khát, khổ sở để cùng cảm thông, chia sẻ với người nghèo. Từ đó nhiệt tâm, nhiệt tình giúp đỡ cho những người nghèo đói, người có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, mỗi người tín đồ Hồi giáo ngoài nghĩa vụ bắt buộc nhịn chay còn có nghĩa vụ bắt buộc buộc bố thí như: Tặng gạo, tiền, vàng, bò, dê, cừu hay trồng cây ăn quả cũng là bắt buộc".

Cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM đang thực hiện tháng ăn chay Ramadan - Ảnh 3.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM trao tặng số tiền 80 triệu đồng cho Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố, Ban Quản trị các Thánh đường, Tiểu Thánh đường, khu vực Hồi giáo, nhân tháng Ramadan.

Phụ nữ Chăm Islam đã bước chân ra ngoài để đi làm, học tập, tạo lập vị trí xã hội

Bà Kho Ti Giah (tên gọi khác là Saly Kho), thuộc cộng đồng của người Chăm Islam (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM), cho hay: "Tháng Ramadan là tháng linh thiêng nhất của cộng đồng người Hồi giáo. Ai đi làm ăn ở nơi xa xôi vẫn trở về nhà để nhịn chay. Những người được miễn trừ nhịn chay là đang bệnh, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi… Khi vào nhà thờ, người phụ nữ không ngồi chung với đàn ông. Phụ nữ thường phụ trách công tác nấu nướng chính trước giờ xả chay. Khu vực chúng tôi chưa có Tiểu thánh đường hay Thánh đường lớn, nên chỉ gọi là điểm tập trung sinh hoạt cộng đồng của người Chăm Islam ở xã Phong Phú (Bình Chánh). Hiện nay, khu vực chúng tôi có hơn 50 hộ theo đạo Hồi, chủ yếu là bà con ở các tỉnh lên nhập cư. Trong tháng Ramadan, tôi rất vui vì lãnh đạo thành phố, Mặt trận đều đến từng khu vực để thăm hỏi, quan tâm, giúp các tín đồ cảm thấy ấm lòng hơn. Chúng tôi cũng tổ chức nhịn chay theo đúng nghi thức của đạo, tuyệt đối kiêng cữ, không ăn, không uống… từ rạng sáng cho đến chạng vạng tối".

Cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM đang thực hiện tháng ăn chay Ramadan - Ảnh 4.

Phụ nữ thuộc cộng đồng của người Chăm Islam (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) thực hiện xả chay

Cũng theo bà Kho Ti Giah, trước đây phụ nữ Chăm Islam chỉ biết quanh quẩn ở nhà, chăm lo cho chồng con, ít được ăn học. Ai được đi học cũng chỉ tới lớp 5 là phải nghỉ và chỉ ưu tiên cho nam đi được học lên cao. Hiện nay, khi đất nước ngày càng phát triển, phụ nữ Chăm Islam đã bước chân ra ngoài để đi làm, học tập, tạo lập vị trí xã hội. Tuy nhiên, phụ nữ khu vực bà Giah sinh sống vẫn còn nhiều khó khăn.

"Ngày xưa, phụ nữ người Chăm Islam thiệt thòi nhiều thứ, chủ yếu ở trong nhà để lo nội trợ. Như bản thân tôi, tôi phải đấu tranh nhiều lắm mới được gia đình cho học tới lớp 7. Bây giờ mặc dù đã thoáng hơn nhưng phụ nữ ở chỗ tôi cũng chỉ đi làm công nhân, buôn gánh bán bưng. Nhiều người còn ở nhà thuê nên việc cho con đi học gặp khó khăn. Vậy nên, tôi mong muốn nhà nước có thêm chính sách miễn, giảm tiền trường cho các con em gia đình dân tộc Chăm Islam", bà Kho Ti Giah bày tỏ.

Cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM đang thực hiện tháng ăn chay Ramadan - Ảnh 5.

Phụ nữ tín đồ Hồi giáo cùng nhau xả chay.

Nhân dịp này, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã quan tâm cùng chung tay, góp sức với Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo, Ban quản trị các Thánh đường, Tiểu thánh đường chăm lo cho bà con tín đồ tại thành phố cũng như các tỉnh/thành lân cận cả về vật chất lẫn tinh thần. Các hoạt động giúp cho bà con tín đồ thấu hiểu được đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.

Cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM đang thực hiện tháng ăn chay Ramadan - Ảnh 6.

Phụ nữ thường phụ trách công tác nấu nướng chính trước giờ xả chay.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, bà Phan Kiều Thanh Hương, cho biết: "Trong tháng Ramadan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn để thăm hỏi, tặng quà và gửi gắm tình cảm cũng như mong đợi các tín đồ Hồi giáo sẽ cùng với chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, tiếp tục xây dựng địa phương, xây dựng đất nước. Đồng thời mong muốn, cộng đồng tín đồ Hồi giáo cùng nhau có nhiều hoạt động ý nghĩa, có thêm niềm tin, động lực để phát triển trong cuộc sống. Các tín đồ Hồi giáo sẽ tiếp sức cho địa phương phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 31, đó là TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn