Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của ngành bảo hiểm, còn đòi hỏi sự kết hợp từ phía chính quyền tại các địa phương.
Theo ghi nhận tại Hà Nội, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, nợ đóng, không tham gia hoặc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo kiểu đối phó ngày càng nhiều, trong đó tập trung chủ yếu vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, gây bức xúc cho xã hội. Đến nay, tổng số tiền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội còn nợ là khoảng 1.924,9 tỉ đồng (chiếm 7,36% so với số phải thu), trong đó nợ BHXH chiếm trên 1.609 tỉ đồng (1.083 tỉ đồng nợ từ 1 đến 6 tháng; 526 tỉ đồng nợ trên 6 tháng). Những DN nợ nhiều chủ yếu tập trung ở một số quận: Long Biên, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm...
Nguyên nhân nợ tăng cao là do các DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải hoạt động cầm chừng, không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động (NLĐ). Nhiều chủ DN còn chưa xem việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ là một trong những giải pháp quan trọng giúp tạo dựng niềm tin cho NLĐ, để họ gắn bó và cống hiến cho mình. Mặt khác, nhiệm vụ kiểm tra chưa được gắn với thẩm quyền xử lý vi phạm, còn phụ thuộc vào cơ quan khác... nên không có tác dụng trong việc xử lý các hành vi vi phạm.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, cũng có không ít DN dù sản xuất kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn cố tình trốn tránh không chịu tham gia nhằm chiếm dụng khoản tiền này; hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho rất ít người; đóng không đúng mức lương thực trả cho NLĐ; nhiều chủ sử dụng lao động còn thỏa thuận trái pháp luật với NLĐ không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; hầu hết các DN chưa lập sổ quản lý lao động, sổ lương; không xây dựng thang bảng lương và thỏa ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động.
Còn theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, mặc dù BHXH tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, thậm chí công khai danh tính, khởi kiện các DN nợ nhưng nợ đọng vẫn diễn biến phức tạp... Tính đến ngày 31/7, trong tổng số 7.687 đơn vị tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh, có tới 3.986 đơn vị nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền 336,8 tỉ đồng (bằng 6,29% kế hoạch thu). Trong đó 340 đơn vị hành chính sự nghiệp (nợ 13,4 tỉ đồng); 3.646 DN (nợ 220,6 tỉ đồng). Đáng chú ý, có khoảng 162 DN nợ khó thu do đã dừng hoạt động, giải thể, phá sản với số tiền hơn 16 tỉ đồng... Tình trạng trên đã khiến nhiều NLĐ không được thụ hưởng quyền lợi chế độ kịp thời, tạo ra những diễn biến phức tạp trong quan hệ lao động, khiến dư luận bức xúc.
Theo đánh giá, nguyên nhân tình trạng nợ đọng BHXH tại các địa phương vẫn tồn tại là do chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, cung cấp thông tin về DN, lao động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được thường xuyên, liên tục. Nhiều DN khi được kiểm tra, đôn đốc thu đã không nghiêm túc chấp hành; không chịu cung cấp tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH cho đoàn thanh tra...
Vì vậy, thời gian tới, để giảm tình trạng vi phạm trong lĩnh vực BHXH, ngoài ngành bảo hiểm nói riêng còn cần sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan chính quyền. Theo đó cần công khai tình hình nợ của DN trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi thông báo nợ đến các DN; phối hợp với một số ngân hàng trích thu từ tài khoản tiền gửi của DN; phối hợp liên ngành kiểm tra, xử phạt; chủ động nắm bắt thông tin về lao động, việc làm, tiền lương của các DN làm cơ sở thực thi pháp luật về BHXH; yêu cầu những DN thực sự khó khăn phải có phương án, lộ trình truy nộp cụ thể...
Bên cạnh đó, BHXH các thành phố và BHXH các quận, huyện phải tăng cường công tác hậu kiểm nhằm đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền vận động các chủ DN chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đặc biệt, các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cũng đã đưa tiêu chí thực hiện chính sách BHXH, BHYT vào đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm đối với các đơn vị, DN.
Theo quy định của Luật BHXH 2014, hiện nay công tác khởi kiện đơn vị nợ BHXH được giao cho tổ chức Công đoàn, nên việc đốc thu của cơ quan BHXH ít nhiều bị ảnh hưởng, khiến số nợ tăng cao. Do đó, để thu BHXH, BHYT hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền và các ban, ngành, cơ quan BHXH cũng cần chủ động tiếp cận vừa để đôn đốc thu nợ vừa lắng nghe ý kiến của DN; đồng thời phối hợp chặt chẽ nhằm hỗ trợ tổ chức Công đoàn về mặt số liệu, thủ tục hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH; phối hợp với cơ quan Thi hành án truy thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.