"Cú huých" cho bình đẳng giới ở vùng cao

19/10/2021 17:48
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ là cu huých thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng cao. Ảnh minh họa

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ là cu huých thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng cao. Ảnh minh họa

Lần đầu tiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có riêng một dự án về thúc đẩy bình đẳng giới. Chia sẻ tại lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, sự ra đời của dự án có công rất lớn của Hội LHPN Việt Nam trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách.

Đề xuất chính sách

Năm 2019, trên cơ sở kế hoạch Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về Công tác dân tộc, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và một số bộ, ngành TW tổ chức Hội thảo "Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) không bị bỏ lại phía sau" nhằm xác định các thách thức và rào cản đối của phụ nữ DTTS trong các lĩnh vực, chia sẻ các sáng kiến hiệu quả, đề xuất giải pháp cụ thể về chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ DTTS trong tiến trình xây dựng và thực hiện chính sách.

Đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH phát hành hai tài liệu vận động lồng ghép giới tại kỳ họp thứ 6 và 7 (Quốc hội khóa XIV) về sự cần thiết của một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề xuất đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của các đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ra Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với 10 dự án thành phần trong đó có riêng một dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" (Dự án số 8).

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Trong nghị quyết, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì, xây dựng Dự án số 8.

4 mục tiêu chính thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng cao

Dự án số 8 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Cụ thể, dự án gồm 4 mục tiêu chính:

Nâng cao kiến thức, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng cao quyền năng kinh tế nhằm thay đổi vai trò giới, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ các khuôn mẫu và định kiến giới.

Cú huých cho bình đẳng giới ở vùng cao - Ảnh 1.

Phụ nữ vùng cao

Tập trung phòng, chống một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em: sinh đẻ thiếu an toàn, bạo lực gia đình, mua bán người, nạn tự tử, tội phạm và tệ nạn xã hội, di cư lao động không an toàn, những tập tục văn hóa có hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng; thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong hệ thống chính trị;

Nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; thúc đẩy vai trò nòng cốt trong vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam các cấp...

Dự án số 8 gồm 2 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 (2021-2025) sẽ thực hiện tại khoảng 30% số thôn bản thuộc 1.535 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và thôn ĐBKK thuộc các xã vùng 2 tại 39 tỉnh vùng DTTS và miền núi. Giai đoạn 2 (2025-2030) sẽ mở rộng ra các thôn bản ĐBKK còn lại, số lượng các thôn bản dự kiến tác động giai đoạn 2 sẽ được tính toán dựa trên nhu cầu và điều kiện thực tế tại thời điểm bắt đầu giai đoạn 2 của Chương trình.

Nhiều hoạt động nhằm thay đổi "nếp nghĩ, cách làm"

Mới đây, Ủy ban Dân tộc và Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2014-2020 và triển khai Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu dự hội nghị khẳng định, việc lồng ghép giới thành công trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến về chất, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực.

Theo đó, chương trình hợp tác trong 5 năm tới đã nêu lên 6 nhiệm vụ trọng tâm. Một trong những nhiệm vụ là thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" và các dự án, tiểu dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì.

Cú huých cho bình đẳng giới ở vùng cao - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tin tưởng: "Với sự quyết tâm cao của hai bên và tinh thần đổi mới, Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có việc triển khai Dự án 8, sẽ được triển khai một cách đồng bộ, có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực cùng toàn hệ thống chính trị thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, công tác phụ nữ trong tình hình mới".

Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng khẳng định: Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đối với công tác Hội và sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ các DTTS nhằm hướng tới mục tiêu vận động, tập hợp, nâng cao trình độ, nhận thức cho phụ nữ; tăng cường vai trò, sự tham gia của phụ nữ tại cấp cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ DTTS.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.