Bà Irom Sharmila họp báo tuyên bố ra tranh cử chức thủ hiến bang Manipur. |
Bà Sharmila bắt đầu tuyệt thực ngày 4/11/2000, 2 ngày sau khi Assam Rifles - Lực lượng bán quân sự lâu đời nhất của Ấn Độ giết hại 10 người, trong đó có các học sinh đang trên đường tới lớp học thêm tại thị trấn Malom gần Imphal, thủ phủ bang Manipur. Lúc bấy giờ Sharmila mới 28 tuổi. Kể từ đó, bà trở thành gương mặt đại diện cho phong trào phản đối AFSPA trên khắp Ấn Độ. Cuộc biểu tình tuyệt thực kéo dài của bà được thế giới nhìn nhận và tổ chức Ân xá quốc tế xem bà là là một tù nhân lương tâm.
Theo bản án, Sharmila phải bị giam ở Nhà tù Trung tâm Sajiwa của thành phố Imphal nhưng thực tế trong thời gian trên, bà luôn ở Viện Khoa học Y tế Jawaharlal Nehru. Ít nhất có 5 bác sĩ, 12 y tá và 3 cảnh sát luôn phải túc trực để làm nhiệm vụ truyền thức ăn qua đường ống nhằm đảm bảo sự sống cho bà. Sau năm 2000, bà Sharmila nhiều lần được thả ra rồi bị bắt trở lại vì có ý định tự tử, một tội danh hình sự ở Ấn Độ. Năm 2006, Sharmila cùng một số nhà hoạt động khác mang phong trào biểu tình tới thủ đô New Delhi. Họ bắt đầu tổ chức tuyệt thực tại đài thiên văn Jantar Mantar, di sản thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Sharmila tiếp tục bị bắt nhưng cuộc biểu tình tuyệt thực của bà đã thu hút được sự quan tâm từ quốc tế. Một số thành viên thuộc Nghị viện châu Âu còn viết thư gửi cho chính phủ Ấn Độ kêu gọi thay đổi đạo luật AFSPA. Sharmila đã đạt nhiều giải thưởng, như giải Gwangju về Nhân quyền, giải thành tựu trọn đời do Ủy ban Nhân quyền châu Á trao tặng hay giải Hòa bình Rabindranath Tagor.
Bà Irom Sharmila đã khóc khi liếm những giọt nhỏ mật ong. |
Những người ủng hộ bà Irom Sharmila. |
Bà cho rằng mọi người đừng biến bà thành một vị thánh vì bà là một người phụ nữ bình thường với hỉ, nộ, ái, ố như tất cả mọi người. Mọi người muốn biến bà thành một biểu tượng đấu tranh nhưng không có cảm xúc. “Tôi muốn mình là một con người đầy xúc cảm, biết đấu tranh vì quyền tự do lựa chọn, quyền bình đẳng và tự do ngôn luận. Đã lâu tôi không được gặp mẹ vì tôi đã hứa rằng chỉ gặp bà ấy sau khi Đạo luật AFSPA được bãi bỏ ở Manipur. Tôi phải thay đổi chiến lược của mình. Một số người coi tôi là một phụ nữ kỳ lạ vì tôi muốn tham gia chính trị. Họ nói rằng, chính trị là bẩn thỉu nhưng xã hội cũng vậy. Tôi là hiện thân của cách mạng. Bây giờ tôi muốn trở thành người đứng đầu bang Manipur. Tôi không biết gì về chính trị và học thuật, trình độ giáo dục của tôi thấp. Tuy nhiên, tôi sẽ sử dụng tất cả những gì tôi có cho những điều tích cực trong xã hội”, bà nghẹn ngào nói.