"Cứu cánh" cho người Chăm, Jrai khi đối mặt với “kẻ giết người thầm lặng”

08/11/2022 20:33
Ông Lê Mo Toai cùng con gái và cháu ngoại.

Ông Lê Mo Toai cùng con gái và cháu ngoại.

Bà Siu Kri, người dân tộc Jrai, 61 tuổi (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), có gương mặt và dáng người khắc khổ. Đã gần nửa tháng chăm chồng bị lao trong bệnh viện, bà chia sẻ, 1 tháng trước đó chồng bà là Kpă Vơn, 62 tuổi, liên tục ốm, ho nhiều, người gầy rạc…

Vợ chồng bà đi khám, điều trị ở huyện 10 ngày không đỡ nên về Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị 4 ngày, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai điều trị.

Bà Siu Kri nhận cơm từ thiện khi chăm chồng trong Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai

Mấy hôm đầu điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai, chồng bà vẫn ho, nhiều đờm, cứ ăn vào là ói. Sau vài ngày điều trị, ho đã đỡ hơn, ăn được chút một, đồ mềm.

"Gia đình tôi là hộ cận nghèo nên được bảo hiểm y tế chi trả các khoản chữa bệnh. Nếu không có bảo hiểm mà phải điều trị dài ngày thì không biết phải làm thế nào" - bà Siu Kri chia sẻ.

Ước tính có khoảng 70% bệnh nhân lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), việc theo điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, BHYT sẽ đảm bảo cho người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị.

Vợ chồng bà có 6 người con (4 trai, 2 gái) nhưng đến tận khi có người nhà vào viện, bà và các con vẫn không hiểu bệnh lao là gì, không biết đây là bệnh có thể lây không.

May mắn vì được sàng lọc sớm

Thực tế, tình trạng người dân tộc thiểu số chưa biết về bệnh lao khá phổ biến. Ông Lê Mo Toai, người dân tộc Chăm, 72 tuổi, sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn (buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã điều trị lao được 5 tháng.

Vợ ông Toai đã mất, ông sống cùng vợ chồng con gái Rah Lan Trát (30 tuổi). Lan Trát cho biết, bố cô phát hiện ra mắc lao vào đầu tháng 5, qua đợt khám sàng lọc từ dự án Tăng cường mạng lưới cộng đồng vì chấm dứt bệnh lao (CSET) do Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến cộng đồng (SCDI) triển khai. "Trước đó, bố tôi yếu và ho nhiều. Cán bộ nói các biểu hiện của bố tôi là có nguy cơ bệnh nên đã mời ra nhà văn hóa chụp X-quang", cô kể.

Bà Trịnh Thị Thu Hương (cán bộ của SCDI tại địa bàn Gia Lai) cho biết thêm: Trường hợp ông Le Mo Toai sau khi chụp X-quang thấy có dấu hiệu nghi ngờ lao nên đã được lấy đờm gửi về Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh để làm xét nghiệm Xpert. Kết quả cho thấy phổi bị tổn thương nặng. Các con và cháu của ông Toai sau đó cũng đã được đưa vào tầm soát. 100% người dân ở buôn Ma Giai đều có bảo hiểm y tế và người bệnh khi điều trị lao đều được bảo hiểm chi trả toàn bộ. Như ông Toai được điều trị tấn công tại huyện trong 2 tháng, sau đó tiếp tục điều trị duy trì tại xã trong 4 tháng, hiện tại bệnh đã đỡ nhiều. Sau giai đoạn điều trị tấn công thì không lo sẽ truyền bệnh cho người khác nữa.

Theo chị Rah Lan Trát, vợ chồng chị làm chỉ đủ ăn. Chị trồng mì, còn chồng làm thuê (trồng keo), 300 nghìn đồng/ngày công nhưng lúc có việc, lúc không. Thời gian bố chị bị bệnh, chị là người chăm sóc ông. Trước khi bị bệnh, dù đã hơn 70 tuổi, bố chị vẫn có thể làm rẫy nhưng từ khi phát hiện ra bệnh, sức khỏe ông cũng yếu đi nhiều. Chị bảo: "Cũng may bố tôi được khám sàng lọc nên phát hiện ra bệnh và được điều trị sớm!".

Trong quá trình trao đổi, ông Rơ Châm Lộc, cán bộ chuyên trách lao xã Đất Bằng, thường xuyên nhắc đến câu: "Cho tiền thì ăn cũng hết, ý nghĩa nhất là bà con có được thẻ bảo hiểm y tế để điều trị bệnh mỗi khi đau ốm. Những trường hợp bị lao là điển hình cho thấy giá trị của thẻ bảo hiểm y tế với người nghèo. Uống thuốc điều trị lao rất mệt nên tôi cũng thường kê thêm thuốc bổ cho người bệnh!".

* Từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, SCDI hỗ trợ 22 xã ở 3 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông của tỉnh Gia Lai sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng. Sau gần 1 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên chuyên trách phòng chống lao ở cơ sở, thực hiện công việc hỗ trợ ngành y tế phát hiện sớm, giám sát điều trị cho bệnh nhân lao.

* Sau 10 buổi sàng lọc, chụp X-quang được cho 3.227 người, phát hiện 24 ca lao; tiêm Mantoux cho 428 người, phát hiện 39 ca lao tiềm ẩn. Đối tượng tham gia sàng lọc chủ yếu nằm ở nhóm tuổi từ 30 đến 70 tuổi, trong đó nhóm tuổi từ 40 đến 65 chiếm ưu thế.

Bà Thu Hương chia sẻ, việc khám sàng lọc được tiến hành trong 3 ngày ở toàn bộ 4 thôn, buôn của xã Đất Bằng và phát hiện ra 5 ca lao cộng đồng. Cả 5 ca này đều được điều trị.

Ông La O Dấc, người dân tộc Chăm, 74 tuổi, cũng ở buôn Ma Giai - là 1 trong 5 ca bệnh lao được phát hiện qua khám sàng lọc vào tháng 5/2022. "Tôi ho cả đêm, tức ngực đã 3-4 năm rồi. Hôm đó, tôi đang đi làm rẫy thì nhận được điện thoại gọi về đi chụp X-quang. Sau khi phát hiện bệnh thì điều trị tích cực trong một tuần, sau đó uống thuốc và điều trị tại xã".

Người dân tộc thiểu số đối mặt với “kẻ giết người thầm lặng” - Ảnh 5.

Ông La O Dấc luôn mang thẻ bảo hiểm y tế theo người.

Tuy vẫn đang trong quá trình điều trị lao nhưng ông Dấc vẫn hút ngày 5-6 điếu thuốc vì "không hút thì thèm không chịu được". Ban ngày ông vẫn tranh thủ làm rẫy, trồng mì. "Đi đâu tôi cũng mang theo thẻ bảo hiểm y tế. Bị bệnh mới thấy thẻ này quý lắm!" - vừa nói ông Dấc vừa mở chiếc thẻ bảo hiểm y tế ra xem.

"Gánh nặng kép" với bệnh nhân lao

Chia sẻ về gánh nặng chi phí trong điều trị lao, bác sĩ Kpả Híp - Trưởng trạm y tế xã Ia Mlah - cho biết, phần lớn người dân xã Ia Mla sống dựa vào nông nghiệp, trong đó diện tích chủ yếu trồng sắn lấy tinh bột. Đất đai không phì nhiêu nên thu nhập từ sắn rất thấp, để có thêm thu nhập, người dân trong xã phải về các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương làm thuê.

"Trong khi đó, việc điều trị lao rất tốn kém cả về thời gian và kinh tế, rất nhiều người đã mắc lại vì không có điều kiện chữa theo phác đồ điều trị. Tuy nhiên, với việc Bảo hiểm y tế thanh toán thuốc điều trị lao cho bệnh nhân đã giúp người bệnh duy trì phác đồ điều trị mà không phải chi trả bất kỳ phí dịch vụ nào" - bác sĩ Kpả Híp cho biết.

Người dân tộc thiểu số đối mặt với “kẻ giết người thầm lặng” - Ảnh 6.

Một góc buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Theo bác sĩ Kpă Hip: Năm 2021, xã Ia Mlah không có bệnh nhân lao. Đến tháng 5/2022, được sự hỗ trợ của SCDI, xã đã triển khai khám sàng lọc được hơn 860 người, trong đó phát hiện chủ động được 9 người mắc bệnh lao. "Điều trị bệnh lao thường mất nhiều thời gian, ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Trong khi phần lớn bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn nên để họ chủ động đi khám và điều trị là vô cùng khó khăn. Vì vậy, việc tổ chức khám sàng lọc miễn phí ngay tại khu dân cư, nơi họ sinh sống có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa sớm nguồn lây trong cộng đồng.

Ông Rơ Châm Lộc, cán bộ chuyên trách lao xã Đất Bằng, cho biết cũng thường xuyên tuyên truyền để người dân có thêm thông tin về bệnh lao. Thực tế, khi mới phát hiện bệnh, người dân đã có ý thức đeo khẩu trang và đứng cách xa mọi người khi trò chuyện, cộng đồng cũng không còn quá kỳ thị với căn bệnh được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" này.

Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 (đưa số người nhiễm lao giảm xuống còn 1.000 ca/100 triệu dân/năm).

Triệu chứng bệnh lao phổi

Người bị mắc bệnh lao phổi thường có những triệu chứng điển hình gồm:

- Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu)

- Đau ngực, thỉnh thoảng khó thở

- Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc

- Đổ mồ hôi trộm về đêm

- Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều

- Chán ăn, gầy sút

Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người có nguy cơ mắc bệnh lao phổi:

- Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ung thư...

- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em.

- Người mắc các bệnh mạn tính như loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn…

- Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá.

- Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…

Mắc lao không có tội. Giấu bệnh, không tuân thủ điều trị, kỳ thị xa lánh người bệnh mới là có tội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.