Đa dạng hoạt động nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng khó khăn

Thu Trang
04/10/2022 - 10:37
Đa dạng hoạt động nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng khó khăn

Phụ nữ Sơn La tự tin phát triển kinh tế

Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức cho các vùng khó khăn. Qua đó, hỗ trợ phát triển kinh tế, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không ngừng được nâng lên.

Sơn La là tỉnh có số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhiều nhất cả nước, tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, có 125 xã khu vực III và 1.449 bản đặc biệt khó khăn. Số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) là 63.509 hộ, chiếm tỷ lệ 21,66%.

Để hỗ trợ phát triển kinh tế, đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, các chương trình "giảm nghèo" thông tin không ngừng được nâng lên trong toàn tỉnh.

Tăng cường phổ cập thông tin

Tiêu biểu: Các hoạt động tư vấn về việc làm, thông tin thị trường lao động tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã tổ chức các hoạt động tư vấn về chính sách việc làm cho 7.352 lượt người; chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 18.958 người.

Đa dạng hoạt động nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng khó khăn - Ảnh 1.

Các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, kết nối thị trường được chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước tổ chức tại tỉnh Sơn La

Để tăng cường phổ cập thông tin, nâng cao nhận thức cho bà con, chương trình cấp một số ấn phẩm, báo tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được duy trì. Trong 6 tháng năm, đầu đơn vị phát hành báo chí ở địa phương trực tiếp là Bưu điện tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận và cấp phát 19 loại báo, tạp chí, ấn phẩm tương đương 6.592 tờ báo, tạp chí, ấn phẩm cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. 

Các loại báo, tạp chí, ấn phẩm được chuyển giao tới địa chỉ đối tượng thụ hưởng một cách đầy đủ, kịp thời, cung cấp thông tin thời sự, khoa học kỹ thuật, đời sống xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức cho đối tượng thụ hưởng và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân

Để thực hiện chuyển đổi số thành công trên địa bàn tỉnh Sơn La, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về tổ chức triển khai các hoạt động ngày Chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2022.

Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số năm 2022 của tỉnh sẽ tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, hỗ trợ người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại. 

Để thực hiện chuyển đổi số thành công trên địa bàn tỉnh Sơn La, ngày 31/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, và lấy ngày 10/10 hàng năm để tổ chức các hoạt động, sự kiện Chuyển đổi số.

Đa dạng hoạt động nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng khó khăn - Ảnh 2.

Người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số được truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền năng kinh tế, bình đẳng giới, tự tin vươn lên khẳng định bản thân

Theo đại diện của UBND tỉnh Sơn La, việc tổ chức ngày Chuyển đổi số có ý nghĩa: giúp nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với người dân nói riêng và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước; với quan điểm chuyển đổi số để giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống, vì cuộc sống tiếp diễn liên tục, không ngừng đặt ra những vấn đề mới. Ngày Chuyển đổi số còn là ngày mà mỗi cá nhân, tổ chức dừng lại một chút để cảm nhận về những gì còn chưa làm được, về những gì đã làm được, về quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Ngày Chuyển đổi số đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của Đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển. Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại; giúp nâng cao nhận thức nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ phương thức, kinh nghiệm, kết nối cung cầu chuyển đổi số hiệu quả, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng đối với chương trình Chuyển đổi số Quốc gia.

Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số, giới thiệu và tôn vinh những tấm gương điển hình về Chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và đời sống xã hội được tổ chức tại từng cụm, xã, phường, thị trấn… giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng, từng bước giảm nghèo thông tin tiến tới giảm nghèo bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm