Có hôm, con trai tôi bảo: “Con không đem hộp bút đâu, con sợ mất lắm”. Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho con rằng việc mất cái này cái kia khi đi học là chuyện thường xảy ra. Tuy nhiên, ngày nào con cũng bị mất đồ thì chính tôi cũng bực.
Tôi hỏi con thưa cô giáo chưa thì bé phản ứng gay gắt: “Con không nói với cô đâu. Lúc trước cô có bảo với cả lớp là các con đi học phải tự giữ đồ dùng học tập, nếu để mất đồ mà mách cô là cô phạt nặng hơn. Cô bận nhiều việc lắm!”.
Dưới góc nhìn giáo dục, tôi băn khoăn vì cách giải quyết của cô giáo không ổn.
Bởi trong tư duy của trẻ nhỏ, cảm giác bị mất đồ khiến các cháu cảm thấy hoang mang, không biết bấu víu vào đâu khi đối mặt với những trục trặc đầu đời. Những khúc mắc, ấm ức cứ dồn nén mà không được quan tâm giải tỏa, để rồi chỉ còn lại ý nghĩ “mất ráng chịu” và lặng thinh về năn nỉ cha mẹ mua cái mới.
Sau đó, bé không dám cho bạn bè mượn đồ dùng vì sợ bị mất, khiến bé nảy sinh tâm lý ích kỷ, hẹp hòi, suy nghĩ tiêu cực về mọi người xung quanh.
Bé bị mất đồ nhưng sợ không dám mách cô. Ảnh minh họa: Internet
Sau đó, bé không dám cho bạn bè mượn đồ dùng vì sợ bị mất, khiến bé nảy sinh tâm lý ích kỷ, hẹp hòi, suy nghĩ tiêu cực về mọi người xung quanh.
Còn đối với những bé nghịch ngợm hay giấu đồ của bạn hoặc nhặt được đồ bạn đánh rơi thì sẽ không muốn trả. Vài lần không thấy có ai phản ứng gì, giáo viên không can thiệp, uốn nắn kịp thời, bé sẽ không nhận ra được rằng, lấy đồ của người khác là hành vi xấu. Từ hành vi vô ý chuyển thành cố ý lấy cắp đồ để thỏa mãn nhu cầu của mình thì thật nguy hiểm và khó khắc phục được.