Chúng tôi rất ấn tượng khi tham dự Lễ hội Bà Thu Bồn tại thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) diễn ra vào 2 ngày 13-14/3 vừa qua. Lễ hội Bà Thu Bồn-tôn vinh mẫu, cũng vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc sắc lễ hội thờ mẫu Bà Thu Bồn

Chúng tôi rất ấn tượng khi tham dự Lễ hội Bà Thu Bồn tại thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) diễn ra vào 2 ngày 13-14/3 vừa qua. Lễ hội Bà Thu Bồn-tôn vinh mẫu, cũng vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Điểm nhấn trong Lễ hội lần này là vào sáng ngày 14/3, sau khi lễ rước nước và kiệu Ngũ hành Tiên nương về Lăng Bà, tại khuôn viên Lăng Bà, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào đón "Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022".

Đặc sắc lễ hội thờ mẫu Bà Thu Bồn - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn cho lãnh đạo địa phương

Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn là sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời của cộng đồng cư dân sinh sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn và là sợi dây cố kết cộng đồng, cùng nhau vượt qua khó khăn của thiên tai, chiến thắng địch họa, xây dựng quê hương phát triển. 

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, kiêm Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho hay, năm 2022, lễ hội được tổ chức cùng với Lễ đón bằng chứng nhận DSVH phi vật thể cấp quốc gia nên người dân thêm vui mừng, phấn khởi. 

Các hoạt động, Lễ đón nhận được huyện tổ chức với mục đích bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị DSVH phi vật thể Lễ hội Bà Thu Bồn trên địa bàn huyện; phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương và du khách. Thể hiện tinh thần, trách nhiệm của huyện trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội; đồng thời qua đó góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị độc đáo của Lễ hội Bà Thu Bồn đến với nhân dân cả nước và quốc tế.

Đặc sắc lễ hội thờ mẫu Bà Thu Bồn - Ảnh 2.

Lễ Rước nước trong Lễ hội Bà Thu Bồn

Chương trình Lễ hội Bà Thu Bồn năm nay khá phong phú với 2 nội dung: Phần lễ gồm có Lễ Bài trí; Lễ Rước sắc; Lễ rước nước; Lễ công bố đón bằng công nhận DSVH phi vật thể cấp quốc gia; Lễ Đại tế; Lễ Hoàn sắc. Phần hội bao gồm các hoạt động như: Giải bóng chuyền nam, nữ; Hội thi nữ công gia chánh; Trưng bày sản phẩm OCOP 3-4 sao và các sản vật quê hương; Hô hát bài chòi; Biểu diễn dân ca kịch Quảng Nam; Thả hoa đăng trên sông Thu Bồn; Giải đua thuyền nam, nữ.

Ông Lê Văn Nhản (69 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Duy Tân, kiêm Trưởng Tiểu ban Lễ hội Bà Thu Bồn cho hay, để ghi nhớ công ơn của Bà, từ bao đời nay dân làng Thu Bồn góp công, góp của xây dựng Lăng Bà và hằng năm tổ chức các hoạt động tế lễ vào 2 ngày 11 và 12/2 để tạ ơn Bà đã che chở, phù hộ và đó là cơ sở, là nền tảng văn hóa tâm linh hình thành nên các hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Đặc sắc lễ hội thờ mẫu Bà Thu Bồn - Ảnh 3.

Lễ vật tế thiên trong lễ hội Bà Thu Bồn

Lễ hội Bà Thu Bồn có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn. Đây là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền lại qua bao đời nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng; tạo cơ sở và điều kiện cho các thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.

Đặc sắc lễ hội thờ mẫu Bà Thu Bồn - Ảnh 4.

Đua thuyền tại Lễ hội Bà Thu Bồn

Lăng Bà được trùng tu mới hoàn toàn vào năm 2003 và được trùng tu lại lần 2 vào năm 2016 theo kiến trúc hiện đại gồm có tiền đường và hậu tẩm. Trước đây, mộ Bà hình mu rùa hơi cong hai đầu nhưng nay qua nhiều lần gia cố, nền mộ Bà có hình chữ nhật. Lăng Bà được xây dựng trên một khuôn viên rộng về hướng Đông, phía trước có bình phong, bên phải lăng có tấm bia đá khắc chữ Chăm cổ và một tấm bia đá khắc ghi nội dung di tích đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 436 (ngày 15/2/2005) xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đặc sắc lễ hội thờ mẫu Bà Thu Bồn - Ảnh 5.

Hát bài chòi tại Lễ hội

Lễ hội Bà Thu Bồn là lễ hội được cộng đồng nhân dân vùng duyên hải miền Trung biết đến và đã trở thành tín ngưỡng tâm linh dân gian được gìn giữ, bảo tồn, biểu tượng cho mối quan hệ giao thoa, đan xen giữa văn hóa người Kinh, văn hóa Cơ Tu và văn hóa Chăm trong quá trình người Việt mở mang bờ cõi, lập làng từ thế kỷ XIV đến ngày nay.

Tại Quảng Nam, lễ hội này còn được tổ chức tại làng Trung An (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) vào ngày 11-12 tháng 2 Âm lịch hằng năm, được gọi là "Lệ Bà"- nhằm tri ân sự chở che của bà đối với người dân ở vùng sông nước này được bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Tiên Sa

Xuất bản: 16/03/2022