Đại biểu Quốc hội chất vấn, theo đuổi đến cùng những vấn đề ‘nóng’

30/10/2018 - 09:39
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, 30/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, kỳ họp này sẽ không chất vấn theo các nhóm vấn đề như thông lệ mà đại biểu Quốc hội sẽ trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn không giới hạn nội dung.

Sáng nay, 30/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Tại kỳ họp này sẽ không chất vấn theo các nhóm vấn đề như thông lệ, mà các vị đại biểu Quốc hội sẽ trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn về các nội dung liên quan đến thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. “Nội dung thuộc lĩnh vực nào thì trước tiên trách nhiệm trả lời thuộc Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm về lĩnh vực trả lời”.

Những vấn đề liên quan tới điều hành chung của Chính phủ thì các Phó thủ tướng trả lời. Để làm rõ hơn những nội dung xung quanh vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, riêng với lĩnh vực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ do Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định: Sau khi chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo, làm rõ thêm những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên chất vấn.

chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

 

Theo chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 30/10 và kéo dài trong 3 ngày, đến hết ngày 1/11. Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Theo các đại biểu Quốc hội, việc không giới hạn các nhóm vấn đề hay giới hạn các vị Bộ trưởng trả lời là hình thức chất vấn rất hiệu quả, đặc biệt là việc hậu giám sát, giám sát lời hứa của các trưởng ngành. Đồng thời cũng có nghĩa chất vấn của đại biểu Quốc hội đại diện cho ý kiến của cử tri là “không có nhiệm kỳ”,  hết nhiệm kỳ lại ra soát lại, việc giám sát tiếp tục chuyển lại cho nhiệm kỳ sau”.

Theo ghi nhận ý kiến của cử tri, những nội dung được tập trung chất vấn thuộc những lĩnh vực “nóng” như giáo dục, sách giáo khoa, việc tổ chức các kỳ thi. Cạnh đó là vấn đề giao thông, sự xuống cấp của các công trình BOT, các công trình lớn, trạm thu phí... Những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, y tế vẫn sẽ được quan tâm”.

Đồng thời, phiên chất vấn lần này sẽ có nhiều ý kiến tập trung tái chất vấn các vấn đề các đại biểu đã theo đuổi, giám sát qua thời gian dài. Qua đó sẽ có sự trao đổi đi lại để truy đuổi đến cùng các vấn đề.

Xem video phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện, từ đầu kỳ nhiệm kỳ tới nay, có 6.449 cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH trên phạm vi toàn quốc. Qua đó tiếp nhận 9.991 kiến nghị của cử tri, trong đó khối Chính phủ tiếp nhận và giải quyết nhiều kiến nghị nhất (9.400 kiến nghị, chiếm 94,08%); các cơ quan của Quốc hội (439 kiến nghị, chiếm 4,39%); Viện KSNDTC, TANDTC (88 kiến nghị, chiếm 0,88%)...

Đến nay, toàn bộ 9.991 kiến nghị đã được xem xét, trả lời cử tri; trong đó, có 1.878 kiến nghị đã giải quyết xong (đạt 18,79 % cao nhất trong vòng 15 năm và cao gấp 1,5 lần nhiệm kỳ trước); 7.441 kiến nghị được thông tin, giải trình với cử tri (chiếm 74,48%); 672 kiến nghị đang giải quyết (6,73%). 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm