Qua 3 năm thực hiện Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương ở Đắk Lắk, các đơn vị trong tỉnh đã huy động được sự tham gia, vào cuộc của đông đảo hội viên phụ nữ, các cấp, ngành trong và ngoài tỉnh để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho phụ nữ và nhân dân các xã biên giới…

Đắk Lắk hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ vùng biên


Qua 3 năm thực hiện Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương ở Đắk Lắk, các đơn vị trong tỉnh đã huy động được sự tham gia, vào cuộc của đông đảo hội viên phụ nữ, các cấp, ngành trong và ngoài tỉnh để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho phụ nữ và nhân dân các xã biên giới…

Gia đình chị Hà Thị Lý (SN 1968), thôn Dự, xã vùng biên Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng chị hay đau ốm nên đời sống rất bấp bênh, con cái không có điều kiện để học hành tử tế. Bản thân chị Lý, mấy năm trước lại bị tai nạn gãy xương vai, không đủ khả năng làm việc nặng. Kinh tế gia đình càng khó hơn.

Đắk Lắk hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ vùng biên - Ảnh 1.

Chị Hà Thị Lý thao tác công đoạn may quần áo cho khách

Tháng 9/2018, chị Lý nằm trong danh sách 32 hộ nghèo trên địa bàn được Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương do Hội LHPN và Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện, hỗ trợ dạy nghề may miễn phí trong 3 tháng. Sau khi học xong, chị còn được hỗ trợ vay vốn 3 triệu đồng để mở tiệm may tại nhà, có thêm thu nhập. Trong dịp Tết 2019, tiệm may của chị khá đông khách đến sửa quần áo, đặt may váy đầm. "Tháng ấy, tôi có thu nhập gần 3 triệu đồng" - chị Lý phấn khởi khoe.

Còn chị Hoàng Thị Thoa, thôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), cũng thuộc hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, vợ chồng không có việc làm ổn định. Đầu năm 2019, chị được tổ chức Hội hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng để gia đình tận dụng đất xung quanh vườn đào ao, mua cá giống, mua thức ăn cho cá, nuôi gà ta, vịt và trồng rau trên diện tích đất vườn… để phát triển kinh tế gia đình. Chị Thoa tâm sự: "Trước đây không có điều kiện ban đầu để phát triển sản xuất. Từ khi được Chương trình hỗ trợ, tôi đã có được nguồn sinh kế lâu dài, gia đình nay đã thoát được nghèo".

Đắk Lắk hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ vùng biên - Ảnh 2.

Cán bộ Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho chị Hoàng Thị Thoa, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lân

Trường hợp chị Lý, chị Thoa là 2 trong rất nhiều địa chỉ cụ thể mà Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại Đắk Lắk hướng tới và triển khai hỗ trợ hiệu quả trong 3 năm qua. Ngay từ đầu năm 2018, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã có những sáng kiến, giải pháp mới giúp phụ nữ và nhân dân 4 xã biên giới đạt được nhiều kết quả.

Để huy động sự vào cuộc một cách hiệu quả, Chương trình đã được triển khai sâu rộng tới 100% các cơ sở Hội trong tỉnh. Nhiều cơ sở Hội đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND chỉ đạo, phối hợp tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp cho phụ nữ. Tích cực vận động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tạo sự ủng hộ lớn.

Đắk Lắk hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ vùng biên - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi dê do Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ các gia đình khó khăn, ở xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp

Phong trào Đồng hành cùng phụ nữ biên cương "hỗ trợ phụ nữ nghèo làm chủ hộ các xã biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo" được coi là điểm nhấn. Thông qua các hoạt động nhận đỡ đầu, phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, thành lập và duy trì các nhóm, tổ tiết kiệm, sự cam kết ủng hộ nguồn lực, đóng góp của các tập thể, cá nhân… Chương trình đã huy động được hơn 7,379 tỷ đồng (trong đó chủ yếu từ nguồn hỗ trợ tại tỉnh là hơn 5,162 tỷ đồng) để triển khai các hoạt động thiết thực.

Đắk Lắk hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ vùng biên - Ảnh 4.

Đại diện lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Hội LHPN tỉnh trao kinh phí hỗ trợ vốn vay và xây dựng nhà ở cho gia đình phụ nữ nghèo trong Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lân

Cụ thể, Chương trình đã tạo điều kiện cho 864 chị tiếp cận vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; trao hỗ trợ vốn cho 117 hộ phụ nữ nghèo để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; trao 18 con bò sinh sản; trao 9 Mái ấm biên cương, hỗ trợ cho 176 chị con, cây giống; tổ chức 3 lớp nghề dân dụng, 6 lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng; giới thiệu việc làm cho 160 hội viên phụ nữ 3 xã biên giới với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng… Trong 3 năm, Chương trình đã hỗ trợ 165 hộ hội viên phụ nữ của 2 huyện biên giới thoát nghèo đạt 21,6% trong tổng số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ…

Các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk phối hợp với mạnh thường quân, doanh nghiệp... trào quà, kế sinh nhai cho phụ nữ, trẻ em vùng biên

Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại Đắk Lắk cũng đẩy mạnh truyền thông, vận động, hỗ trợ an sinh xã hội vùng biên: Đã có trên 10.000 lượt phụ nữ vùng biên được cung cấp kiến thức, kỹ năng về chăm sóc giáo dục, tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người/xâm hại phụ nữ, trẻ em, không vi phạm quy chế biên giới, xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mê tín dị đoan… 

Bên cạnh đó, Chương trình còn thành lập 17 CLB, nhóm, mô hình Phụ nữ và gia đình không vi phạm quy chế biên giới; CLB Phụ nữ tham gia phòng, chống vượt biên; mô hình chi Hội phụ nữ 3 an toàn; chi Hội phụ nữ nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… thu hút 905 thành viên tham gia. 

Đắk Lắk hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ vùng biên - Ảnh 5.

Khám sức khỏe miễn phí cho phụ nữ vùng biên

Chương trình cũng tổ chức nhiều đợt khám, phát thuốc miễn phí cho người dân. Tổ chức Chương trình "Xuân đoàn kết – Tết biên cương" để các gia đình hội viên phụ nữ được đón Tết Nguyên đán ấm cúng; tổ chức 1 lớp xóa mù chữ; phân công 74 đảng viên đồn Biên phòng giúp đỡ trực tiếp 334 hộ gia đình; nhận 4 em học sinh làm con nuôi Biên phòng, nhận đỡ đầu 42 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để "Nâng bước em đến trường"…

Đắk Lắk hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ vùng biên - Ảnh 6.

Đồn Biên phòng Ia Rvê, huyện huyện Ea Súp nhận cháu Đinh Tiến Lợi ở xã biên giới Ia Rvê làm “con nuôi đồn biên phòng”

 Với công tác chỉ đạo, triển khai quyết liệt, cụ thể của các cấp Hội, sau 3 năm, Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại Đắk Lắk đã thực sự có sự đồng thuận, đồng lòng, có những cách làm phù hợp, sáng tạo, hiệu quả trong huy động nguồn lực. Qua đó góp phần giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ và nhân dân các xã vùng biên giới, giúp chị em ổn định cuộc sống, xây dựng mảnh đất vùng biên ngày càng vững mạnh.


Hiền Thu
Nguyễn Ngọc Lân, CTV
08/07/2021 00:00