Ngày 9/8, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức buổi đối thoại về lao động và Bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc đang sử dụng nguồn lao động Việt Nam lên tới 1 triệu người. Vì vậy, việc thường xuyên đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, chủ các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới những chính sách sẽ được sửa đổi trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi) và chính sách BHXH.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, hiện nay Việt Nam bắt đầu cải cách chính sách tiền lương theo định hướng “Hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào tiền lương ở doanh nghiệp”. Theo đó, tiền lương dựa trên cơ sở thương lượng và thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương sẽ dần dần bị bãi bỏ. Tiền lương phải dựa trên nguyên tắc thoả thuận của kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, chủ các doanh nghiệp cũng quan tâm tới các chính sách, các quy định dành cho lao động nữ khi mang thai và sinh con; các quy định với lao động nữ sửa đỏi theo hướng đưa ra các quy định nhằm trang bị/bảo đảm các điều kiện cận thiết cho lao động nữ thực hiện công việc một cách bình đẳng như lao động nam thay cho việc cấm lao động nữ không được đảm mố số công việc nào đó (Điều 160) hoặc gây trở ngại cho họ khi thực hiện công việc (nghỉ trong giờ làm việc vì đặc trưng giới).
Ngoài ra có các quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; giờ làm thêm; các quy định về đối thoại, thương lượng, tranh chấp lao động… mà chủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quan tâm trao đổi, đặt ra để cùng đối thoại. Ông Diệp khẳng định: Bộ LĐ-TB&XH sẽ lắng nghe ý kiến cả 2 phía để đảm bảo hài hoà lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động.