Đậm đà vị bánh dày của đồng bào dân tộc Mông

15/03/2022 16:05
Đồng bào dân tộc Mông làm bánh dày. Ảnh minh họa

Đồng bào dân tộc Mông làm bánh dày. Ảnh minh họa

Là món ăn mộc mạc nhưng bánh dày của người Mông như đựng cả tấm lòng của những con người quanh năm cần cù lao động, sống gắn bó với làng bản, rẫy nương.

Ở miền Tây Nghệ An, đồng bào dân tộc Mông cư trú chủ yếu ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Trong số nhiều món ăn mang đậm đà bản sắc ẩm thực dân tộc Mông, phải kể đến bánh dày – loại bánh làm bằng bột nếp nhưng cách thưởng thức khá đặc biệt.

Trong bữa ăn thường ngày, tiệc đón khách hay làm quà biếu, quà tặng của người dân tộc Mông ở miền Tây Nghệ An không thể thiếu được món bánh dày – một món ăn mộc mạc nhưng được chế biến khá công phu, như gửi trọn cả tấm lòng của những con người quanh năm cần cù lao động, sống gắn bó với làng bản, rẫy nương.

Món bánh dày nếp trắng và bánh dày nếp cẩm của đồng bào dân tộc Mông

Nguyên liệu làm bánh là nếp trắng hoặc nếp cẩm được trồng trên nương cao phảng phất mùi nắng, hương gió chốn núi rừng. Người ta đem nếp vo thật kỹ rồi nấu thành xôi chín thơm. Công phu hơn, họ để xôi cho thật nguội rồi bỏ vào cối giã (cối chày đá hoặc gỗ là vật dụng không thể thiếu được của mỗi gia đình người Mông). Xôi nếp sau khi được giã thật nhuyễn, thật dẻo thì được lăn, cắt ra thành từng miếng ép trong lá chuối hoặc lá dong. Thời tiết lạnh giá sẽ làm cho những miếng bánh cứng lại, để được khoảng 2 - 3 ngày mà không sợ bị hỏng.

Cách thưởng thức món bánh dày của người Mông cũng không kém phần kỳ công như khi chế biến. Người ta đem nướng những miếng bánh trên than hồng, bánh sẽ phồng lên, dẻo dẻo, giòn giòn, bùi béo thật lạ miệng. Đặc biệt hơn, bánh được chấm với mật mía ngọt đậm đà – loại mật được cô đặc bằng giống mía của người bản địa trồng trên rẫy cao. Vị béo ngậy, bùi ngọt của nếp và mật quyện vào nhau khiến ai ăn một lần sẽ khó mà quên được.

Đi dạo những phiên chợ vùng cao của đồng bào người Mông, du khách sẽ thấy những chiếc bánh dày màu trắng và màu tím (màu tím vì được nấu từ nếp cẩm) được bày bán khá nhiều. Nếu không có bếp than, có thể cắt nhỏ từng miếng bánh để chiên ngập với dầu, bánh sẽ phồng lên và vẫn giữ nguyên được vị bùi béo.

Có thể nói bánh dày đã trở thành một món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông miền Tây xứ Nghệ. Nếu có dịp đến những bản làng của người Mông trên núi cao, bạn đừng quên thưởng thức và mang những chiếc bánh nhỏ về miền xuôi để làm quà nhé!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.