Trốn viện vì muốn giữ con
Cùng con gái trở lại bệnh viện (BV) tái khám sau 1 tuần được xuất viện, ông Kim Ẩn (48 tuổi), bố của Soan, không giấu được xúc động. Ông bảo, gia đình ông vốn sinh sống tại Trà Vinh, vì khó khăn nên cả nhà chuyển lên TPHCM kiếm kế sinh nhai từ năm 2000. Theo lời kể của ông Ẩn, Soan là con gái lớn của vợ chồng ông. Khi vợ ông mang thai, không có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe. Nhưng sau khi được sinh ra, Soan thường xuyên bị bệnh, ốm yếu, cân nặng và chiều cao kém phát triển.
Ông Ẩn đã đưa con đi chạy chữa khắp nơi. “Bác sĩ nói Soan bị bệnh phổi, lấy thuốc uống không hiệu quả. Mãi đến năm 6 tuổi, tui đưa con đi khám từ thiện, bác sĩ bảo con bị tim bẩm sinh, phẫu thuật hết khoảng 50 triệu đồng. Đó là khoản tiền quá lớn với gia đình tui. Kể từ đó, ai mách lá thuốc nào điều trị tốt bệnh tim, tui cũng lặn lội khắp nơi tìm thuốc”, ông Ẩn chia sẻ.
Ông Ẩn đưa con gái tới bệnh viện tái khám |
Cầm tờ lịch hẹn tái khám trong tay, Soan kể cho chúng tôi nghe về hành trình đã đánh cược cả mạng sống của mình để được thực hiện thiên chức làm mẹ. Đôi mắt cô rớm lệ: “Hàng chục năm chạy chữa bệnh tim, em biết nếu mang thai thì sẽ nguy hiểm như thế nào, nhưng em vẫn muốn được 1 lần làm mẹ. Ước muốn đó thôi thúc và tiếp sức cho em trong suốt 34 tuần mang thai - đó là khoảng thời gian không chỉ các bác sĩ mà ngay cả em và gia đình đều nghĩ, có thể em sẽ phải đối diện với cái chết”.
Khi phát hiện có thai ở tuần thứ 7, ngược lại với những cảnh báo của bác sĩ, Soan chỉ cảm nhận được niềm hạnh phúc ngập tràn đang lớn lên từng ngày trong bụng mình. Lần đầu tiên cô đến bệnh viện (BV) khám thai, bác sĩ đã khuyên Soan nên từ bỏ đứa con trong bụng để giữ an toàn cho bản thân. Nhưng suy nghĩ “mẹ còn thì con phải còn” khiến Soan làm ngơ với những cảnh báo đó. Soan bảo: “Thiên chức của người mẹ sẽ giúp em vượt qua mọi rào cản. Vì vậy, dù biết là nguy hiểm nhưng em vẫn quyết giữ con bằng mọi giá”.
Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho Soan |
Cô tìm đến BV tim và BV phụ sản nhiều lần, tất cả bác sĩ đều nói Soan nên bỏ thai vì rất nguy hiểm. Khi thai nhi được 18 tuần, Soan nằm điều trị tại 1 BV phụ sản, bác sĩ khuyên nhất quyết phải bỏ thai vì quá nguy hiểm. Lo sợ, Soan trốn viện về. “Thai càng lớn, cơ thể em càng mệt, khó thở, em đi chùa cầu nguyện và tin tưởng vào số mệnh. Cố gắng từng ngày, khi thai được 34 tuần, em đến BV địa phương, họ không dám tiếp nhận vì “ca khó”. Em tìm đến BV Hùng Vương, các bác sĩ tại đây nói sẽ cố gắng cứu cả hai mẹ con. Rồi phép màu xuất hiện, con trai em chào đời với cân nặng 2,4kg”, Soan không giấu được xúc động.
“Niềm vui này không thể nói bằng lời”
Trở về từ BV Hùng Vương sau ca “vượt cạn” nhiều rủi ro nhưng kết thúc đầy viên mãn, khi vẫn đang lâng lâng với niềm hạnh phúc vừa có được, Soan lại được một người bạn giới thiệu đến Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM, gửi hồ sơ xin phẫu thuật tim miễn phí. “Ngày nhận kết quả hồ sơ được duyệt, em không tin vào mắt mình. Sau 25 năm sống chung với căn bệnh tim, cuối cùng em đã được phẫu thuật, nỗi lo lắng bệnh tim sẽ khiến em không thể chăm con tốt cuối cùng cũng được giải tỏa. Chưa bao giờ cuộc đời em được đón nhận nhiều niềm vui dồn dập như vậy”, Soan tâm sự.
Chị Soan (phải) cùng con trai và mẹ tại phòng trọ |
Trong căn phòng trọ nằm lọt thỏm ở con hẻm thuộc quận Tân Phú (TPHCM), Soan ôm chặt cậu con trai đang chìm sâu trong giấc ngủ, luồn ngón tay vào bàn tay nhỏ xíu của con, thỉnh thoảng đặt nụ hôn nhẹ lên đôi mắt con khép hờ. Soan bảo, do sinh non nên con được chuyển nằm lồng kính 16 ngày, đó cũng là lý do người mẹ trẻ này mất hoàn toàn nguồn sữa và con trai cô phải ăn sữa ngoài ngay từ lúc chào đời. Nhưng Soan bảo, trong cái rủi có cái may, cũng do mất sữa mà cô được phẫu thuật tim sớm.
Luôn là người đồng hành cùng con gái và từng trải qua những đêm dài không ngủ vì lo lắng cho tính mạng của con, bà Sơn Thị Sa Ngun, mẹ của Soan, khẽ lau hàng nước mắt đang lăn trên gò má. Bà bảo, con bị mắc bệnh hiểm nghèo, ba mẹ khó khăn nên không thể cho con điều gì ngoài tình yêu. Khi con quyết định giữ thai nhi, bất chấp sự nguy hiểm, vợ chồng bà đã trải qua những tháng ngày với đủ những cung bậc cảm xúc: Đau đớn, lo lắng, bất an nhưng cũng đầy tự hào vì sự dũng cảm và trưởng thành của con gái.
“Những ngày Soan mang bầu, chồng nó chạy vạy ngược xuôi kiếm tiền, không để cho vợ thiếu thốn. Khi quyết định giữ con, vợ chồng nó ôm nhau khóc. Phận làm cha mẹ chúng tôi chỉ còn biết động viên các con. Kết quả “mẹ tròn con vuông”, gia đình tôi không còn mong gì hơn thế, rồi con lại được phẫu thuật tim, sức khỏe đã bình thường. Niềm vui này không thể nói bằng lời”, giọng bà Ngun nghẹn lại.
TS.BS Nguyễn Hoàng Định (Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y dược TP HCM) Bệnh nhân Soan hồi phục tốt sau ca mổ thông liên nhĩ kéo dài 3 giờ. Đây là bệnh tim bẩm sinh thường gặp với tỉ lệ mắc khoảng 8/1.000, nghĩa là gần 1% trẻ sinh ra bị tim bẩm sinh, mức độ nặng nhẹ có thể khác nhau. Một nửa trong số đó cần phẫu thuật để giải quyết. Nguyên nhân dẫn tới bệnh hiện chưa rõ, nhưng có một số yếu tố như thời gian mẹ mang bầu bị nhiễm virus, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ; nhiễm các kim loại nặng do chế độ ăn uống; một số bệnh di truyền… Để điều trị tim bẩm sinh có 2 phương pháp: Can thiệt qua da và phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi đã được thực hiện trong khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân lành bệnh nhanh, số ngày nằm bệnh viện ngắn, nhanh khỏe lại, tốc độ hồi phục nhanh gấp 3 lần so với mổ bình thường, ít biến chứng. Để thực hiện ca phẫu thuật tim bẩm sinh, chi phí dao động từ 70 đến 80 triệu đồng trước bảo hiểm y tế. Về nguyên tắc, trước khi có em bé, người phụ nữ phải đảm bảo sức khỏe tốt, trong đó có sức khỏe tim mạch. Bệnh nhân bị bệnh tim muốn có con thì cần phải được xử lý giải quyết bệnh tim trước khi mang thai để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con. Ngay cả người bình thường, trong quá trình mang thai đã chứa đựng nhiều nguy cơ, với thai phụ bị tim mạch thì càng nhiều rủi ro, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ khi tim phải hoạt động nhiều, thể tích tuần hoàn tăng lên. Trong trường hợp người bị bệnh tim lỡ mang thai, bệnh nhân cần phải phối hợp theo dõi thường xuyên giữa bác sĩ tim mạch và sản khoa để có sự can thiệp kịp thời. |