pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau đầu vì xung đột của các con, bà mẹ ở Hà Nội áp dụng cách dạy cực lạ
Những gia đình có nhiều con hẳn lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười, nhưng bên cạnh đó, điều khiến phụ huynh đau đầu không kém chính là phải suốt ngày đi theo để giải quyết những xung đột. Xung đột là một phần không thể thiếu trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là trẻ em bởi chúng còn đang học cách quản lý các cảm xúc mạnh mẽ của mình.
Trên nhiều hội nhóm, không ít phụ huynh than vãn vì cảm thấy mình gần như bất lực khi phải "chiến đấu" mỗi ngày với những đứa trẻ. Tách các con ra, ngăn cấm, thậm chí đánh, mắng… - quá nhiều biện pháp được bố mẹ áp dụng. Ngoài mặt, có thể con cái vì sợ hãi mà ít xảy ra "đấu đá" nhau hơn, nhưng bản chất mối quan hệ đó có thể sẽ rất lạnh lùng và xa cách.
Chị Mai Ngô (37 tuổi, giáo viên Vật lý tại Hà Nội) cũng trải qua những khoảng thời gian "sang chấn tâm lý" vì hai cậu con trai hơn nhau 5 tuổi. Ngày cậu em còn nhỏ, anh em yêu thương hòa hợp bao nhiêu thì khi bé lên 4 tuổi - độ tuổi bắt đầu biết cãi và bướng, các vấn đề nảy sinh cũng phức tạp bấy nhiêu.
Một ngày hai đứa không trêu nhau, ăn vạ, cãi nhau 5-7 lần thì không chịu được. Chị Mai đã áp dụng nhiều hình phạt, từ phạt mỗi anh đứng một góc, phạt lau dọn nhà, phạt chống đẩy… nhưng mọi hình phạt đều chỉ được một thời gian. Và quan trọng nhất là càng phạt anh em càng ghét nhau.
Bước ngoặc đến từ khi chị áp dụng một cách "phạt" mới. Đó là... ÔM. Trước đó, phát hiện rằng khi con khóc, con giận mẹ ôm 1 lúc con sẽ bình tĩnh lại, chị Mai nghĩ cứ thử áp dụng hình thức này cho 2 anh em xem. Ý tưởng này nhanh chóng được chị thực hiện và không ngờ mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.
"Bạn lớn nhà mình khá nóng tính nhưng lại mít ướt. Cậu em thì trầm tính và tình cảm. Nên mình nghĩ nếu để anh em ôm nhau biết đâu lại hoá giải được và sau khi ôm, hai đứa cũng có thể sẽ tự thấy yêu quý nhau hơn. Trước khi áp dụng, mình nói rõ với các con, từ nay mẹ sẽ bắt đầu sử dụng hình phạt này. Lỗi như thế nào thì phạt ôm 5 phút, lỗi nào thì 10-15 phút.
Ngày đầu 2 bạn ấy phản kháng dữ dội lắm! Nhưng lạ một điều là ngay sau lúc ôm nhau, cảm giác như cơn nóng giận được hạ xuống đến nửa phần.
Từ ngày mẹ áp dụng hình phạt là ÔM, hai cậu bắt đầu có chiều hướng giảm hẳn số lần trêu đùa và cãi vã. Tưởng tượng đang giận nhau, gào khóc vì nhau mà phải đứng ôm nhau 5-10 thậm chí 15 phút thì nó "kinh khủng" thế nào. Và sau thời gian phạt ÔM thì lại tươi cười chơi với nhau, chứ không phải cảm giác gạt nước mắt xong rồi vẫn hậm hực đối phương nữa", chị Mai chia sẻ.
Nuôi dạy con là một quá trình cha mẹ tự học hỏi và chỉnh sửa
Chị Mai cho biết, bản thân cũng tìm hiểu nhiều phương pháp giáo dục trong việc dạy con nhưng không theo hoàn toàn phương pháp nào. Mỗi phương pháp chị lại chắt lọc một chút cho phù hợp với hoàn cảnh và tính cách các con.
"Quan điểm của mình là con có lỗi sẽ bị phạt, nhưng phạt sao cho sau đó con tự nhận ra vấn đề và tự tìm cách điều chỉnh cho phù hợp, biết tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Mỗi đứa trẻ, mỗi giai đoạn các con lại có tính cách khác nhau, tuỳ vào hoàn cảnh để đưa ra hình thức cho phù hợp. Nói chung mình cũng vừa làm vừa chỉnh sửa nhiều.
Nhưng 1 điều mình nhận ra là nếu càng phạt kiểu để con thấy con sai thì con lại càng có xu hướng lặp lại sai lầm đó. Ngược lại, nếu không nhắc đến lỗi của con mà để anh em tự hòa giải với nhau, bố mẹ không can thiệp ai sai ai đúng ngay lúc ấy thì mọi chuyện lại dễ giải quyết hơn. Sau khi các con bình tĩnh lại mới nói chuyện sẽ hiệu quả", bà mẹ 3 con nói.
Theo chị Mai, khi xảy ra xung đột giữa các con, thay vì thiên vị đứa nhỏ hơn hoặc bắt các con xin lỗi, chị chỉ ra cho con tận gốc vấn đề hay cách giải quyết đúng. Thêm vào đó, cần hướng dẫn con kỹ năng giải quyết xung đột, lắng nghe, thể hiện nhu cầu bản thân mà không cần tấn công người khác và tìm ra những giải pháp đôi bên cùng có lợi.