Sau khi thăm một người bạn bị tai biến mạch máu não về, chị Nguyễn Minh Nguyệt, 46 tuổi, ở Đông Hà, Quảng Trị, vội vang sắp xếp thời gian để đi khám sức khỏe tổng quát. Thực ra, không phải chị không biết là khi bước vào tuổi trung niên, cơ thể dễ phat sinh nhiều bệnh, song vì ngai việc đi khám sẽ tốn kém, rồi còn phải chờ đợi... nên chị cứ lần lữa mãi. Người bạn chị cũng có tâm lý như vậy nên dù bị tăng huyết áp đã lâu, vẫn không hay biết. Chỉ đến khi bị đột quỵ phải nhập viện và được điều trị khỏi, người bạn của chị mới biết thủ phạm gây bệnh là tăng huyết áp, một bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh tim mạch.
Để hạn chế bệnh tim mạch, chị em nên ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt và hạn chế ăn các loại chất ngọt, chất béo… Ảnh minh họa: internet
Theo các bác sĩ, trong cơ thể phụ nữ, hệ trục "não bộ - tuyến yên - buồng trứng" luôn phối hợp với nhau hài hoa để duy trì nồng độ từng nội tiết tố theo nhu cầu của cơ thể. Sự ổn định này có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu trong máu, khiến chúng không thể lắng đọng thành những mảng xơ vữa trên thành động mạch. Tuy nhiên, từ tuổi 35 trở đi, hoat động của hệ trục trên không còn được ổn định nữa vì cả não bộ, tuyến yên, buồng trứng đều dần lão hóa và bắt đầu suy yếu. Lúc này, cholesterol xấu tăng dần, tạo thành nhiều mảng xơ vữa, biến động mạch thành một “con đường” bị chặn ở nhiều nơi và dễ tắc nghẽn. Bệnh tim mạch tấn công dễ dàng hơn với dấu hiệu đầu tiên là cao huyết áp.
Đặc biệt, những phụ nữ ở tuổi trung niên thường dễ nóng giận, mà nóng giận thì càng làm huyết áp tăng cao hơn, khiến tỷ lệ tử vong do tai biến mạch máu não rất cao và bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên càng có cơ hội phát triển. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, từ tuổi 35 trở đi, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ tăng 1,3% mỗi năm.
Tuy là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tim mạch nhưng chị em lại dễ chủ quan, không đề phòng, do các biểu hiện của bệnh rất mơ hồ như: Có khi mệt mỏi toàn thân, thở gấp nhưng ngồi nghỉ một lát thì hết; đôi khi đau tim lẫn với đau dạ dày; có lúc thấy đau xương hàm; lúc lại đau cánh tay trái... Vì thế, khi bước sang tuổi trung niên, chị em cần chủ động, khi thấy các dấu hiệu bất thường trên cơ thể, cần đến ngay các cơ sở y tế; khám bệnh định kỳ để phát hiện và điều trị khi bệnh tim mạch mới xuất hiện. Chị em nên ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt và ăn ít hơn 5g muối/ngày; hạn chế ăn các loại chất ngọt, chất béo... Bên cạnh đó, chị em cũng nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tích cực rèn luyện cơ thể bằng các bài tập vận động phù hợp.