Đau khổ vì không thể "đến gần" con gái lớp 9

Thanh Tâm
01/05/2022 - 10:30
Đau khổ vì không thể "đến gần" con gái lớp 9

Ảnh minh họa

Cô là mẹ đơn thân, từ khi con còn nhỏ cô đã có một sai lầm, đó là quá tự ti vào bản thân, dồn nhiều áp lực và nguyên tắc lên con.

Năm nay, con gái cô học lớp 9. Cháu thông minh nhưng lại rất lười học và nghiện chơi game, thường xuyên bày ra các trò nghịch ngợm và hiếu động. Dù không sát sao con được hằng ngày nhưng cô vẫn tự tin, nếu tập trung vào ôn luyện, con cô thi thố cũng không đến nỗi nào. Nhưng điều quan trọng không phải là cô cứ tin là được mà là con phải tự tin vào bản thân và nhận được sự khích lệ của giáo viên.

Lớp của con cô, bạn nào chăm học, học giỏi sẽ được quan tâm, bạn nào nghịch ngợm, học kém thì thường bị giáo viên dùng những lời tiêu cực để nhận xét: "Em như thế này dù có học nữa, học mãi cũng không thi đỗ đâu!", "Sao những câu đơn giản này em cũng không làm được, đầu chỉ dùng để mọc tóc thôi à!". Vốn là người cá tính, bị nhận xét như vậy, con lại càng tỏ ra chống đối, không chịu học hành. Cô rất lo lắng, phiền lòng nhưng cô gặp một vấn đề lớn, đó là không thể giao tiếp được cùng con.

Cô là mẹ đơn thân, từ khi con còn nhỏ cô đã có một sai lầm, đó là quá tự ti vào bản thân, dồn nhiều áp lực và nguyên tắc lên con cái. Cô sợ nhiều thứ từ cuộc sống và những lời đồn đoán của xã hội sẽ ảnh hưởng đến con. Càng cấm đoán lại càng làm khoảng cách giữa 2 mẹ con xa nhau hơn. Rồi cô mải miết bán hàng, kiếm tiền để mưu sinh mà bỏ lỡ mất khoảng thời gian vàng cùng con phát triển, gắn kết. Nhưng giờ có hối hận cũng đã quá muộn. Nhiều lúc, thương con nhưng thấy con mải chơi, hỗn hào, cô lại bực mình cáu gắt và mắng mỏ, chì chiết. Sau mỗi lần như vậy, cô lại hối hận. Nhưng từ bé cô đã sống trong một gia đình không hạnh phúc, nên cô không biết cách chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình với con ra sao để con hiểu được lòng mình. Con như bây giờ lỗi lớn là tại cô.

Gần đây, giáo viên gọi cô để phản ánh tình trạng của con. Giáo viên cho biết, con học rất kém, nếu không có gắng, khó có thể đỗ tốt nghiệp và thi vào được vào cấp 3 trường công, vì sự cạnh tranh cao. Theo cô giáo, con có thể đi học nghề, nếu không đỗ cấp 3 và không học trường tư. Đứng trước sự hướng nghiệp của giáo viên, lúc đó cô cảm thấy hoang mang, lo sợ, tức giận và bối rối.

Con cô mới 15 tuổi, nếu chỉ tốt nghiệp cấp 2 và đi học nghề, cô cảm thấy con đường phía trước rất gập ghềnh. Nhưng hiện tại, cô không có đủ điều kiện để cho con học trường tư. Thời gian cũng không còn nhiều, con lại sắp thi rồi. Cô thương con, nhìn thấy con mà lòng cô đau quặn. Cô nên làm gì bây giờ, trước một trong những ngã rẽ quan trọng đầu đời của con?

Điều đầu tiên cô đã làm lúc gặp con, đó là tức giận và trách mắng con. Dù cố gắng kìm nén nhưng cô vẫn không thể ngừng làm điều đó. Cô đã cố gắng nói chuyện với con nhưng thật tiếc chẳng cuộc nói chuyện nào có đầu có kết và hiệu quả. Và cô mong Thanh Tâm chỉ cho cô biết, cô nên làm gì lúc này.

Hơn bất cứ lúc nào, Thanh Tâm khuyên người mẹ hãy thật bình tĩnh. Điều quan trọng, đó chính là sự tập trung và quyết tâm ôn thi của con gái cô. Con là một cô gái thông minh nhưng học lực hiện tại con đang yếu, bị hổng kiến thức, con cần cố gắng rất nhiều. Sau đó là lựa chọn trường vừa sức.

Thanh Tâm nghĩ, cô nên có những cuộc nói chuyện thoải mái với con, mẹ con trao đổi với nhau về các hướng đi để cả 2 mẹ con cùng cố gắng thực hiện, vượt qua nó. Ngay cả việc học nghề cũng không phải là ngõ cụt nếu như đó là mong muốn thực sự của con và con quyết tâm hiện thực hóa nó. Đặc biệt, đó không phải là sự thất bại của cô trong nuôi dạy con. Thanh Tâm tin rằng, những yêu thương của người mẹ sẽ giúp cô tự tin và truyền tình yêu cuộc sống cho con gái của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm