pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau mắt đỏ dị ứng là gì và những điều cần biết về bệnh
1. Viêm kết mạc dị ứng là gì?
Bệnh viêm kết mạc dị ứng là tình trạng kết mạc bị viêm do mắt xảy ra phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên (chất gây dị ứng).
Kết mạc rất dễ bị kích thích bởi các chất gây dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng khá phổ biến. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể với những chất mà nó coi là có hại.
2. Phân loại viêm kết mạc dị ứng
- Viêm kết mạc dị ứng cấp tính
Là tình trạng viêm kết mạc ngắn hạn phổ biến trong mùa dị ứng. Nó xảy ra ngay sau khi mắt tiếp xúc với các dị nguyên. Mí mắt và kết mạc đột nhiên sưng, ngứa và đỏ rát. Bạn cũng có thể bị chảy nước mũi. Bệnh thường kéo dài trong vài giờ, sau đó có thể tự hồi phục.
- Viêm kết mạc dị ứng mãn tính
Hay còn gọi là viêm kết mạc dị ứng theo mùa, viêm kết mạc dị ứng quanh năm. Bệnh thường xảy ra phổ biến và nghiêm trọng hơn vào mùa xuân hoặc hè. Đây là tình trạng mắt phản ứng nhẹ với các dị nguyên như phấn hoa, thức ăn, bụi và lông động vật.
- Viêm kết mạc dị ứng mùa xuân
Là một loại viêm kết mạc nặng, phổ biến nhất ở nam giới từ 5 đến 20 tuổi, có tiền sử bị chàm, hen xuyễn, hoặc dị ứng theo mùa. Viêm kết mạc mùa xuân thường xuất hiện lại mỗi mùa xuân và thuyên giảm vào mùa thu và mùa đông. Nhiều trẻ em hết tình trạng này khi trưởng thành.
Xem thêm:
>> Các bệnh dị ứng phổ biến mùa đông xuân người mẫn cảm nhất định phải cẩn thận!
- Viêm kết mạc dị ứng nhú gai khổng lồ
Bệnh xảy ra do tiếp xúc cơ học, thường gặp ở những người đeo kính áp tròng, sử dụng mắt giả, có chỉ khâu sau phẫu thuật mắt,.... Các dị vật này gây tổn thương dạng u nhú ở mi mắt.
3. Triệu chứng
- Mắt đỏ.
- Đau mắt.
- Mắt tiết ghèn có màu vàng hoặc trong.
- Ngứa mắt.
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng.
- Chảy nước mắt sống.
- Sưng mí mắt.
- Mí mắt có thể đau nhẹ.
- Bệnh viêm kết mạc dị ứng có thể đi kèm với một số triệu chứng dị ứng khác như sốt nhẹ, toàn thân mệt mỏi, chảy nước mũi, đau họng, các triệu chứng của viêm mũi họng.
4. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân bệnh viêm kết mạc dị ứng là do hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một chất. Đối với mỗi cơ địa khác nhau thì mức độ chịu ảnh hưởng bởi các chất gây dị ứng khác nhau. Chúng có thể là:
- Phấn hoa.
- Lông động vật.
- Thuốc nhỏ mắt.
- Mỹ phẩm, hóa chất làm đẹp.
- Mạt bụi.
5. Chẩn đoán
Đầu tiên bác sĩ sẽ quan sát triệu chứng, thăm khám và xem xét tiền sử dị ứng của bạn. Nếu nghi ngờ là viêm kết mạc do dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để có kết luận chắc chắn:
- Thử nghiệm dị ứng ở da: Cho da của bạn tiếp xúc với dị nguyên cụ thể và đánh giá phản ứng của cơ thể.
- Xét nghiệm máu: Tìm hiểu xem có thể bạn có đang tạo ra protein, hay kháng thể, để tự bảo vệ mình chống lại dị ứng hay không.
- Xét nghiệm mô kết mạc: Kiểm tra các tế bào bạch cầu ở kết mạc. Bạch cầu ái toan là các tế bào bạch cầu được kích hoạt khi bạn bị dị ứng.
6. Điều trị
6.1. Điều trị tại nhà
Với đa số trường hợp, viêm kết mạc dị ứng chỉ cần điều trị và chăm sóc tại nhà. Bệnh có thể tự hồi phục sau vài ngày:
- Tránh xa các chất gây dị ứng. Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Đóng cửa sổ để giảm lượng bụi và phấn hoa.
- Sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý để làm loãng và loại bỏ các dị nguyên khỏi mắt.
- Tránh đeo kính áp tròng cho đến khi mắt đã khỏi hoàn toàn.
> Tìm hiểu về đau mắt đỏ do kính áp tròng" data-rel="follow" style="text-align: justify; background-color: rgb(255, 255, 255);">>> Tìm hiểu về đau mắt đỏ do kính áp tròng
- Có thể chườm lạnh hoặc nóng để mắt dễ chịu hơn. Không nên dụi mắt.
6.2. Điều trị viêm kết mạc dị ứng bằng thuốc
6.2.1. Sử dụng thuốc nào để điều trị viêm kết mạc dị ứng?
Nguyên tắc điều trị viêm kết mạc dị ứng là giúp giảm thiểu triệu chứng, giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Hiện chưa có thuốc giúp giải quyết được tận gốc căn bệnh. Thông thường bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc chống dị ứng để giảm các phản ứng dị ứng của cơ thể.
Điều trị bằng thuốc thường bao gồm thuốc kháng histamine, chất ổn định tế bào mast và đôi khi là corticosteroid.
- Thuốc kháng histamine:
Cơ thể sản xuất histamine khi hệ thống miễn dịch phản ứng với một chất lạ. Thuốc kháng histamine ngăn chặn tác dụng của histamine. Thuốc có thể ở dạng uống hoặc nhỏ mắt, giúp giảm nhanh các triệu chứng.
- Thuốc ổn định tế bào Mast:
Thuốc ổn định tế bào Mast mất nhiều thời gian hơn để giảm đau hơn thuốc kháng histamine, nhưng tác dụng kéo dài hơn. Thuốc thường ở dạng nhỏ mắt. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng cả thuốc kháng histamine và thuốc ổn định tế bào mast. Thuốc kháng histamine giúp giảm các triệu chứng trước khi các chất ổn định tế bào mast bắt đầu hoạt động.
- Corticosteroid:
Thuốc corticosteroid có thể làm giảm sưng và giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể. Thuốc chỉ được kê đơn khi các triệu chứng nghiêm trọng. Corticosteroid có tác dụng tốt nhưng nên dùng thận trọng và chỉ dùng trong thời gian ngắn, vì có thể có tác dụng phụ như làm tăng nhãn áp trong bệnh Glaucome, đục thủy tinh thể.
6.2.2. Lưu ý khi dùng thuốc
- Có rất nhiều loại thuốc chống dị ứng. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bệnh nhân và xác định dị nguyên cụ thể để chỉ định loại thuốc phù hợp. Do đó, người bệnh tránh tự ý mua và sử dụng thuốc chống dị ứng để điều trị viêm kết mạc.
- Trong trường hợp viêm kết mạc dị ứng tái phát, bệnh nhân không tự ý dùng đơn thuốc cũ mà cần thăm khám lại và xin ý kiến của bác sĩ.
- Nhỏ thuốc kháng histamin và nước mắt nhân tạo cách nhau khoảng 5 phút. Không nhỏ 2 loại thuốc cùng một lúc.
- Sau khi nhỏ thuốc mắt nên nhắm mắt lại một vài giây giúp thuốc thấm tốt hơn. Tránh chớp mắt liên tục sau nhỏ thuốc sẽ khiến thuốc bị trôi đi, làm giảm hiệu quả và lãng phí thuốc.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng cách và đúng liều.
7. Biến chứng
- Giảm thị lực
Tuy viêm kết mạc dị ứng chỉ là bệnh nhiễm trùng nhẹ. Tuy nhiên nhiễm trùng cũng rất nhanh lây lan và tiến triển nếu không được kiểm soát tốt. Nó có thể làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác của mắt, không chỉ riêng kết mạc. Hậu quả là mắt bị khô rát, giảm thị lực, thu hẹp tầm nhìn.
- Loét giác mạc
Nếu viêm kết mạc dị ứng không được điều trị hiệu quả thì tình trạng viêm có thể lây sang giác mạc, gây loét giác mạc. Người bệnh sẽ bị giảm thị lực, mắt liên tục sưng đỏ và đau nhức, sợ ánh sáng, khó mở mắt.
- Viêm nội nhãn
Nếu để tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng không điều trị, viêm nhiễm có thể lan tỏa ra phần sau của nhãn cầu, gọi là viêm nội nhãn. Đây là biến chứng rất nguy hiểm, khó khắc phục, có thể gây teo nhãn cầu.
8. Các câu hỏi thường gặp
8.1. Bệnh viêm kết mạc dị ứng có lây không?
Viêm kết mạc dị ứng xảy ra khi mắt tiếp xúc với các dị nguyên. Trong đó, tình trạng dị ứng của mỗi cá nhân khác nhau là khác nhau. Do đó viêm kết mạc dị ứng là bệnh không lây nhiễm.
8.2. Viêm kết mạc dị ứng có thể tự khỏi không?
Bệnh có thể tự hồi phục sau 1 - 2 tuần nếu mắt được chăm sóc tốt và đúng cách. Nếu các triệu chứng nặng hơn, hoặc không hết sau 2 tuần thì bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám.
8.3. Có thể chữa dứt điểm viêm kết mạc dị ứng không?
Bệnh có tính chất tái phát theo mùa, rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn. Trừ khi bạn có thể điều trị được căn bệnh dị ứng. Tuy nhiên, điều này rất khó. Tránh tiếp xúc với dị nguyên là điều quan trọng nhất giúp bạn ngăn ngừa bệnh viêm kết mạc dị ứng tái phát.
8.4. Thuốc điều trị viêm kết mạc dị ứng là gì?
Không có thuốc đặc trị viêm kết mạc dị ứng. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ thường kê đơn thuốc chống dị ứng nhằm giảm các triệu chứng viêm kết mạc. Sử dụng thuốc cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.
8.5. Nước mắt nhân tạo có giúp điều trị viêm kết mạc dị ứng không?
Nước mắt nhân tạo không có tác dụng điều trị viêm kết mạc nhưng nó giúp mắt dễ chịu hơn. Vì viêm dị ứng luôn làm khô mắt nên nước mắt nhân tạo sẽ giúp bôi trơn mắt, tạo cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân.
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/allergic-conjunctivitis#risk-factors