Đề cao các giá trị truyền thống trong việc kiến tạo gia đình yên ấm, bình đẳng, yêu thương

Các khách mời tham gia toạ đàm tại điểm cầu Hà Nội

Các khách mời tham gia toạ đàm tại điểm cầu Hà Nội

Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, khi bàn về các giá trị gia đình, nhiều ý kiến của các đại biểu đề cao các giá trị truyền thống trong việc kiến tạo gia đình yên ấm, bình đẳng, yêu thương.

Làm thế nào để những giá trị mới phát triển trên những nền tảng của những giá trị truyền thống, đặc biệt là những gia đình trẻ hoặc những gia đình hiện đại có thể tham khảo những bài học gì từ những giá trị gia đình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ thẳng thắn bày tỏ, nhiều người thấy mô hình gia đình Huế quá khắt khe, khó học tập theo. Tuy nhiên, để định hướng đến gia đình yên bình, xã hội bình yên thì mô hình gia đình Huế có những điều gia đình trẻ cần nghiên cứu. Về việc giáo dục truyền thống gia đình Huế là hết sức quan trọng, nó sẽ định hướng cho con cháu lòng tự hào về tổ tiên, gia đình, về truyền thống của dòng họ, vừa tự hào vừa biết ơn và họ sẽ ra sức vun vén, xây dựng gia đình. Bên cạnh đó, gia đình Huế do điều kiện khó khăn, cho nên hình thức đại gia đình vẫn phổ biến. Trên cơ sở đó, ông bà, cha mẹ có điều kiện dạy con cháu. Bữa cơm gia đình là nơi hội tụ, nơi đoàn kết, nơi dạy dỗ con cháu, nơi gặp gỡ yêu thương. Đó là những nét riêng ở mô hình gia đình Huế có thể học tập để có gia đình yên ấm, bình đẳng với những truyền thống mà chúng ta phải giữ gìn, phải chăm sóc.

Thờ cúng tổ tiên - yếu tố tạo nên đặc trưng và cố kết các thành viên trong gia đình - Ảnh 1.

GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Khi bàn về những vấn đề rất lớn của các hệ giá trị, để từ những giá trị đó có thể đi vào cuộc sống, trở thành tình cảm, thành suy nghĩ, trở thành tâm điểm trong mỗi gia đình, mỗi con người lại là một khoảng cách mà chúng ta cần lấp đầy. GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhận định, nhìn vào gia đình Việt Nam khác gia đình ở các nền văn hóa khác, các quốc gia khác vì ngay cả đi ra nước ngoài thì người Việt Nam vẫn giữ được tập quán thờ cúng tổ tiên, tức là kính hiếu đối với tổ tiên. Khi thiên chúa giáo du nhập vào Việt Nam đã có cuộc đấu tranh căng thẳng vì thiên chúa giáo không chấp nhận thờ bất cứ ai ngoài chúa. Cuối cùng để vào Việt Nam thì phải chấp nhận, thiên chúa giáo Việt Nam vẫn có bàn thờ tổ tiên. Đó là yếu tố tạo nên đặc trưng và cố kết các thành viên trong gia đình. Nên khi xây dựng các hệ giá trị thì hiếu đễ nên coi là một giá trị quan trọng của các giá trị Việt Nam. Bởi vì chúng ta đang hướng tới một gia đình như một tế bào của xã hội, trở thành hạt nhân đoàn kết nhỏ rồi lan rộng ra là đoàn kết toàn dân tộc thì tìm ra những yếu tố truyền thống có thể duy trì một cách trường tồn, bất luận là phát triển ra sao. Chữ hiếu và vai trò của quan hệ gia đình, hướng tới tổ tiên, kính trên nhường dưới cần chú trọng gia cố nó như là một trong những giá trị của gia đình. GS.TS Vũ Minh Giang hy vọng, sau những Hội thảo như thế này, chúng ta sẽ xác định được nội dung, nội hàm của hệ giá trị này đầy đủ hơn.

Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn