Để con tự do... vồ đồ ăn trên mâm

06/07/2019 - 08:00
Thấy con vồ đồ ăn, dốc hết món ăn con yêu thích vào bát mình trong bữa ăn cùng các đồng nghiệp, chị Phạm Bích Ngọc (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) còn khuyến khích: Con ăn hết, mẹ lại xin bàn bên cạnh! Các đồng nghiệp ngao ngán với các dạy con vô tổ chức của chị Ngọc.

Hè nào cơ quan tổ chức đi du lịch, đến bữa ăn, nhiều người tránh ngồi cùng mâm với mẹ con nhà chị Ngọc. Bởi, mọi người rất dị ứng với cách sống, cách dạy con vô tổ chức của chị Ngọc. Đi du lịch thì ai cũng mệt và đói. Thế nhưng, khi bữa cơm vừa được nhân viên khách sạn dọn ra, chẳng cần biết mọi người xung quanh thế nào, cậu con trai 7 tuổi của chị chọn món ngon nhất gắp lấy gắp để. Thậm chí, khi thấy đĩa thức ăn gần hết, sợ không đến lượt mình, cậu bé nhanh tay vồ nốt 2 miếng cuối cùng khiến mọi người trong bàn “kinh hãi”.

con-an-uong.jpg
Nhiều đứa trẻ không có thói quen ăn uống lịch sự. Ảnh minh họa

 

Ăn nghiến ngấu, thức ăn dính đầy quanh mồm, vương cả ra áo, thế nhưng chị Ngọc chỉ nhìn con ăn với sự sung sướng mà không cần biết người xung quanh nghĩ gì, đánh giá thế nào. Chị vô cùng tự hào khi con là đứa trẻ dễ ăn, dễ nuôi, không như nhiều đứa trẻ kén ăn, còi cọc.

 

Ở một bữa ăn khác, khi thấy đứa trẻ cùng mâm lấy thìa xúc ngô chiên trong đĩa, con chị Ngọc đã nổi giận, đập bát đập đũa, dậm chân thình thịch vì cho rằng mình đã “xí” đĩa ngô chiên từ trước. Khi mọi người nói, đây là thức ăn chung của tất cả mọi người nên bạn kia cũng được ăn, cậu bé đã nổi đóa đổ luôn cốc coca lên người đứa trẻ ấy. Mọi người vô cùng kinh ngạc và ngán với hành động bản năng, thích gì làm nấy của con chị Ngọc.

 

Quan điểm trong việc dạy con của chị Ngọc là, trẻ con phải để chúng nó phát triển tự nhiên, lớn lên chúng khắc biết những nguyên tắc trong cuộc sống. Thế nên, dù nhiều người góp ý, chị Ngọc vẫn không thay đổi quan điểm dạy con của mình. Chị còn cho rằng, người lớn chấp nhặt, để ý, soi xét cả đứa trẻ.

 

Với cách dạy con vô tổ chức như vậy nên con trai chị Ngọc chỉ quan tâm đến ý muốn của mình mà không bao giờ để ý đến mọi người xung quanh. Đi trên xe, khi mọi người đang thiu thiu ngủ, cậu mở ipad xem phim hoạt hình với volume to nhất. Cậu hiếu động nên thường xuyên chạy nhảy, đâm sầm vào người khác nhưng không một lời xin lỗi. Tất cả những hành động của con làm phiền người khác, chị Ngọc mặc kệ.

day-con.jpg
Cha mẹ cần dạy con cư xử đúng mực nơi công cộng, trong đó có cả việc ăn uống. Ảnh minh họa

 

Theo các chuyên gia giáo dục, chê đứa trẻ 1 thì phải chê chị Ngọc 10. Đứa trẻ như tờ giấy trắng, tô vẽ gì lên tờ giấy ấy đều là do bố mẹ. Và trẻ phải học được giới hạn cho hành động của mình. Bố mẹ nhất định phải dạy cho con những hành động con không được làm. Việc đặt ra phạm vi hành động chính là vì tình yêu với trẻ. Nếu không được học về giới hạn phù hợp, trẻ rất dễ gặp nguy hiểm và bị người khác chỉ trích. Tự do không phải là làm theo ý mình mà là có thể hòa hợp một cách tự nhiên với địa điểm nào đó. Muốn để con được tự do, bố mẹ phải dạy con kiểm soát hành động của bản thân.

 

Việc dạy con cư xử đúng mực ở nơi công cộng không phải là dạy con biết quan tâm mà là dạy con quy tắc. Không phải dạy con phải im lặng vì nghĩ cho người khác mà phải giữ im lặng vì quy tắc của xã hội ổn định là không được gây ầm ĩ. Điều bố mẹ dạy con là quy tắc, vì vậy bố mẹ phải dạy quy tắc bằng hành động. Chính vì vậy, bố mẹ cần có thái độ rõ ràng và dứt khoát. Bố mẹ cần thể hiện rõ ràng với con hành động tuân thủ quy tắc của bản thân, thái độ dứt khoát không chấp nhận những hành vi không nên thực hiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm