pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dễ dàng bỏ túi tiền triệu nhờ tiết kiệm những khoản chi nhỏ nhưng thường xuyên
Tôi, bạn hay bất kỳ ai chắc hẳn cũng từng 7749 lần đọc và nghe về những bài học chi tiêu, tiết kiệm. Ai cũng hiểu rằng chi tiêu hợp lý là điều cần thiết để có một nền tảng tài chính vững mạnh. Tôi cũng từng nhiều lần khí thế ngùn ngụt, đặt ra những kế hoạch chi tiêu và hô quyết tâm sẽ phải đạt được con số thế này thế kia vào cuối tháng.
Thế nhưng, nói luôn dễ hơn làm và sau nhiều lần phải giương cờ trắng với việc tiết kiệm, tôi đã nghiệm ra những bài học "xương máu" cho mình. Tôi từng nghĩ mình không thể thực hiện được kế hoạch là do thiếu tính kỷ luật và không hề biết chi tiêu song sự thật là những ngày cuối tháng, tôi vẫn xoay xở được với số tiền ít ỏi còn sót lại. Điều đó chứng minh tôi hoàn toàn có thể làm được, chỉ là cần xem xét việc lên kế hoạch một cách thực tế và phù hợp hơn với bản thân.
Và rồi tôi bắt đầu lại mọi thứ, từ việc nhìn nhận lại những con số trong bảng chi tiêu các tháng gần đây. Tôi nhận ra những khoản chi gây tốn kém nhất lại đến từ những phần mà tôi ít nghĩ đến nhất. Mỗi bữa ăn ngoài nhà hàng hay gọi qua những ứng dụng, những cốc cà phê tụ tập với bạn bè hay ly trà sữa tiện đường đi làm... "ngốn" của tôi số tiền không nhỏ mỗi tháng.
Điểm chung của tất cả những khoản chi này là giá trị mỗi lần không đến 100 nghìn song lại xảy ra với tần suất rất thường xuyên. Tôi đã bao lần tặc lưỡi khi chi tiền cho những khoản chi đó và nghĩ rằng: "Trời! Có đáng mấy đồng đâu mà nghĩ nhiều. Tiết kiệm thì phải những khoản lớn chứ". Sự thật là nhiều khoản tiền nhỏ sẽ cộng lại thành khoản tiền lớn, mục tiêu lớn ngày mai có thể đến từ việc tiết kiệm từng khoản nhỏ lẻ hôm nay.
"Khởi động" với các đồ uống, thức ăn vặt
Vậy là tôi bắt đầu kế hoạch của mình với việc tiết kiệm tiền dành cho đồ uống. Tôi là người hảo ngọt và rất hay la cà cà phê cùng bạn bè. Nhiều lúc trên đường đi làm về, tôi cũng rẽ vào quán mua một cốc trà sữa để uống cho "vui miệng".
Mỗi cốc cà phê ở quán sang chảnh thì cỡ 60.000 đến 80.000 đồng, quán thường thường hay trà sữa thì cỡ 30.000 đến 40.000 đồng. Ngay ở tuần đầu tiên thực hiện kế hoạch, tôi đã chuyển sang việc hẹn hò bạn bè ở những quán trà chanh. Chỉ với 10.000 đồng cho một cốc trà chanh hay trà quất, tôi vẫn có thể vui vẻ với bạn bè mà không tốn quá nhiều tiền.
Những cuộc vui với bạn bè vẫn trọn vẹn mà không cần tới hàng quán cùng những cốc cà phê đắt đỏ.
Tôi hạn chế việc tạt ngang tạt ngửa trên đường và tập pha chế những món đồ yêu thích. Tôi nhận ra món trà sữa trân châu đường đen không quá khó để làm, pha cà phê cũng chẳng hề khó. Với những ngày không có thời gian hay đơn giản là cơn lười nổi lên, tôi sẽ dùng trà túi lọc hay cà phê hòa tan để thỏa cơn thèm.
Sau bước chuẩn bị đồ uống mang đi làm, tôi bắt đầu "ngắm" đến các loại đồ ăn vặt. Nếu ai hỏi sao tôi không cắt hẳn những khoản tiền cho đồ uống hay đồ ăn vặt đi thì tôi sẽ trả lời họ rằng với tôi, tiết kiệm không có nghĩa là phải từ bỏ mọi sở thích hay sống một cách khổ sở. Tôi chỉ muốn chi tiêu hợp lý hơn và không chi tiền một cách vung vãi mà thôi.
Hạn chế những đồ uống ở các nhà hàng xa xỉ, làm quen với thức uống hay đồ ăn vặt lành mạnh hơn, tôi thấy cuộc sống của mình vẫn ổn mà tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ. Tôi bắt đầu thấy hứng thú hơn với kế hoạch tiết kiệm này.
Lựa chọn thông minh cho bữa trưa công sở
Cũng giống như nhiều chị em khác, tôi khá bị ám ảnh bởi chuyện cân nặng. Buổi trưa ở công ty, tôi hay cùng đồng nghiệp gọi đồ ăn ngoài và salad hay cơm gạo lứt là lựa chọn khá thường xuyên.
Ai hay ăn hàng hay gọi đồ sẽ biết các loại salad có giá khá cao, phổ biến từ 50.000 đến 70.000 đồng, chưa kể thêm phí vận chuyển. Một ngày nọ, ngồi trước hộp salad, tôi tự hỏi vì sao mình phải tốn từng đấy tiền cho mấy cọng rau, chút thịt ức gà trong khi hoàn toàn có thể chế biến nó.
Thay vì chi từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng cho một hộp salad, tôi hoàn toàn có thể tự chuẩn bị ở nhà với thời gian rất nhanh.
Ngay buổi chiều hôm đó, tôi đã rẽ qua bách hóa để mua một chai sốt mè rang mà nhiều đồng nghiệp vẫn hay khen. Chỉ với chút xà lách, dưa chuột, cà rốt cùng thịt ức gà áp chảo và một túi sốt nhỏ, tôi có thể chuẩn bị bữa trưa mang đi làm mà chẳng hề tốn nhiều thời gian.
Vậy là từ đó, tôi cố định 3/5 bữa trưa đi làm là salad. Món đạm được thay đổi mỗi bữa như thịt bò xào, ức gà áp chảo hay trứng. Sự lựa chọn này rất phù hợp với tôi vì nó khôn tốn nhiều thời gian mà lại giúp tôi có thể tiết kiệm. 2 bữa còn lại trong tuần, tôi vẫn đi ăn cùng đồng nghiệp bởi tôi biết không nên ép bản thân vào một chế độ quá khắt khe. Tôi là người hiểu mình hơn ai hết, tôi biết bản thân không thể sáng sáng chuẩn bị nấu cơm mang đi làm và cũng không thể ăn salad cả tuần. Thêm nữa, tôi cũng nghĩ khoảng thời gian đi ăn với đồng nghiệp rất hữu ích cho các mối quan hệ.
Những dịch vụ không dùng đến
Đây chỉ là một khoản tôi vô tình phát hiện ra, không nằm trong kế hoạch ban đầu. Đó là lần cô em đồng nghiệp cầm điện thoại của tôi để nhắn tin nhờ thì bỗng ngạc nhiên:
"Chị dùng 3G gì mà tốn vậy? Chị quên không hủy bỏ gia hạn tự động à?".
Quả thật lâu rồi tôi không để ý đến điều đó. Tôi đăng ký gói 3G 70.000 đồng/tháng và sau đó có đăng ký thêm gói 150.000 đồng cho 30 ngày để sử dụng khi công tác ở những nơi wifi không phổ biến. Khoản tiền rất nhỏ nên mỗi khi thấy tin nhắn gia hạn, tôi cũng không để ý nhiều và mặc nhiên kệ!
70.000 đồng cộng thêm 150.000 đồng cho khoản đăng ký thêm kia, tôi không nghĩ mình mất 220.000 đồng cho tiền 3G mỗi tháng dù ở nhà trọ vẫn đóng 100.000 tiền internet. Vậy là sau lời nhắc nhở của cô đồng nghiệp, tôi đã hủy bỏ gia hạn tự động và nhanh chóng tiết kiệm được 150.000 đồng/tháng.
Tiếp đó là khoản tiền cho dịch vụ truyền hình cáp. Tôi vẫn duy trì dịch vụ này trong khi bản thân rất ít khi xem tivi. Vì là dùng chung với nhà bác chủ trọ nên mỗi tháng chỉ phải đóng 100.000 đồng, tôi càng tặc lưỡi cho qua dù cả tháng chẳng động đến điều khiển tivi. Cắt khoản này, tôi lại đơn giản tiết kiệm được tiền mà không ảnh hưởng đến cuộc sống.
Những khoản chi nhỏ thường khiến chúng ta dễ dàng vung tay hơn là vì chúng quá tiện lợi và con số nhỏ khiến ta mất đi sự cảnh giác. Một mẹo nhỏ nữa cho bạn là nếu bạn giống tôi, thường xuyên đặt qua các ứng dụng, hãy xóa ứng dụng đó trong điện thoại. Tin tôi đi, bạn sẽ tiết kiệm được không nhỏ từ việc làm này.
Mỗi ngày tiết kiệm 10.000 đồng, 1 năm bạn đã có 3.650.000 đồng, đủ cho một chuyến du lịch để tăng thêm trải nghiệm. Đừng bao giờ bắt bản thân phải tuân theo một kế hoạch quá hà khắc, từ bỏ mọi sở thích của bản thân để có thể tiết kiệm tiền. Việc đó chỉ khiến bạn dễ rơi vào trạng thái chi tiêu mất kiểm soát nhất thời để giải tỏa tâm lý mà thôi. Hãy cùng tôi thử bắt đầu kế hoạch tiết kiệm bằng việc cắt giảm những khoản nhỏ nhưng thường xuyên này xem sao nhé!