Đề nghị bổ sung chế độ đãi ngộ nhân lực y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

24/10/2022 11:43
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang - thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang - thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Trước thực trạng thiếu cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rất cần Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bổ sung các quy định, chính sách đãi ngộ đặc thù, thúc đẩy đào tạo nhân lực y tế cho khu vực này.

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, bày tỏ quan tâm tới tình trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đại biểu Vương Thị Hương, tại điều 4, các chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh được thể hiện cụ thể qua 7 nhóm chính trách mà dự thảo Luật đã quy định. Tuy nhiên, đại biểu này đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực có trình độ tại các vùng khó khăn, dân tộc miền núi.

Cụ thể tại Điểm c, Khoản 1, Điều 4, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phát triển nguồn nhân lực ý tế, đặc biệt là nguồn nhân lực hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; nhân lực thuộc các lĩnh vực truyền nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, hồi sức cấp cứu và các chuyên ngành, lĩnh vực khác phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng địa phương.

Ngoài ra, về quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh, đại biểu Vương Thị Hương cho biết hiện tại trong dự thảo luật chưa có quy định nội dung này, trong khi đó thực tế hầu hết người bệnh khi đến bệnh viện khám bệnh, chữa bệnh đều có thân nhân ở cùng để chăm sóc, động viên, hỗ trợ người bệnh sinh hoạt. Đây cũng là một biện pháp tâm lý hỗ trợ điều trị; thân nhân người bệnh sinh hoạt trong bệnh viện đã phát sinh các vấn đề liên quan đến việc phối hợp với nhân viên y tế trong chăm sóc, điều trị người bệnh, tình hình an ninh, trật tự trong bệnh… Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào trong dự thảo Luật lần này.

Đề nghị bổ sung chế độ đãi ngộ nhân lực y tế vùng miền núi, dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Quan tâm tới chính sách đãi ngộ với cán bộ ngành y tế, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng - cho rằng, khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề là chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đặt vấn đề: Yếu tố đặc biệt được định tính ở mức độ nào để đủ sức trở thành một trong những động lực cơ bản cho đội ngũ, vì ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn.

Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp đặc thù, nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm…

Với nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ - cho biết: Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đề nghị cần khẳng định Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động khám bệnh và chữa bệnh tại các điểm a, b, c, d của khoản 1 Điều 4 thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta trong việc xác định các nhóm đối tượng, lĩnh vực cần được tập trung hỗ trợ; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Trong đó, quy định giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tùy theo nguồn lực của địa phương ban hành nghị quyết về chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là phù hợp nhằm đảm bảo chính sách thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị bổ sung quy định về chính sách đầu tư phát triển y tế chuyên sâu để phát triển các kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung nhằm bảo đảm ngành y tế nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.