Đến Yên Bái "săn mây" Tà Xùa, ăn cốm Tú Lệ và tham gia Festival dù lượn Khau Phạ

26/09/2022 14:54

Đến Yên Bái những ngày này, đâu đâu cũng rộn rã niềm vui khi "Nghệ thuật Xòe Thái" được vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, nhiều chương trình được khởi động, như: leo núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù (huyện Trạm Tấu), Lễ hội Cốm Tú Lệ (huyện Văn Chấn), Festival dù lượn Khau Phạ (huyện Mù Cang Chải)...

Săn mây và đón mùa hoa mật rồng trong hành trình leo núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù

UBND huyện Trạm Tấu đã tổ chức Chương trình khởi động hành trình leo núi Tà Xùa; Tà Chì Nhù vào sáng 25/9/2022. Trong chương trình này Ban Tổ chức đã lựa chọn tour leo núi khám phá đỉnh Tà Chì Nhù trong thời gian 2 ngày 1 đêm.

Mặc dù thời tiết không thuận lợi, đêm và sáng trên địa bàn huyện Trạm Tấu có mưa lớn, tuy nhiên Chương trình khởi động hành trình leo núi Tà Xùa; Tà Chì Nhù năm 2022 đã nhận được sự quan tâm và thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Từ rất sớm hơn 20 khách du lịch tham gia tour du lịch trải nghiệm đã có mặt tại vận động Trung tâm huyện với đủ hành trang cần thiết để tham gia trải nghiệm, tạo khí thế sôi nổi trước thời điểm chinh phục leo núi Tà Chì Nhù.

Đến Yên Bái "săn mây" Tà Xùa, ăn cốm Tú Lệ và tham gia Festival dù lượn Khau Phạ - Ảnh 1.

Du khách chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù có độ cao là 2.979m so với mực nước biển. Ảnh: ST

Đỉnh Tà Chì Nhù với độ cao 2.979m, là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Từ Trung tâm huyện Trạm Tấu di chuyển qua xã Hát Lừu, xã Xà Hồ, qua bản Cang Chi Khúa thuộc thôn Sáng Pao, lên khu vực khai thác mỏ chì quãng đường dài 14,5 km. Đi hết đường xe cơ giới là du khách sẽ bắt đầu hành trình leo núi, từ chân núi lên tới đỉnh cột cờ còn khoảng 10km. Trong hành trình này, du khách sẽ được ngắm những biển mây trắng bồng bềnh trôi, hòa quyện cùng gió và nắng.

Đặc biệt từ trung tuần tháng 9 hàng năm, du khách không chỉ có dịp để săn mây mà còn để đón mùa hoa chi pâu hay là hoa mật rồng, đây là loài hoa mang sắc tím đặc trưng, khiến nhiều người liên tưởng đến những cánh đồng oải hương Châu Âu.

Với những tiềm năng du lịch được thiên nhiên ban tặng huyện Trạm Tấu đang tập trung khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng để duy trì bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, suối khoáng nóng, sản phẩm đặc thù leo núi trải nghiệm tại đỉnh Tà Xùa, xã Bản Công; đỉnh Tà Chì Nhù, xã Xà Hồ; sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, ẩm thực dân tộc...

Chương trình leo núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù năm 2022 là cơ hội để huyện Trạm Tấu khai thác tiềm năng du lịch, sớm hoàn thành mục tiêu thu hút trên 80.000 lượt khách du lịch, doanh thu trên 50 tỷ trong năm 2022.

Lễ hội Cốm Tú Lệ năm 2022

Sáng 25/9, tại thôn Pom Ban, xã Tú Lệ - huyện Văn Chấn đã diễn ra Lễ hội Cốm Tú Lệ năm 2022.

Thung lũng xã Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu, Tú Lệ nổi tiếng với đặc sản gạo nếp Tan - "Khẩu tan chạu" - thứ lương thực quý mà chỉ đất Tú Lệ mới trồng được.

Nếp Tú Lệ có hạt to tròn, trắng trong, khi được đồ thành xôi có vị dẻo, thơm đặc biệt; còn khi chế biến thành cốm lại có hương vị ngọt ngào, thanh mát. Cốm Tú Lệ không chỉ là tinh hoa của đất trời, mà còn có cả tình yêu, hồn đất, hồn người gửi gắm vào trong đó.

Để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đầy đủ, hàng năm, bà con trong các bản làng người Thái xã Tú Lệ lại tổ chức lễ "Mừng cơm mới" trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa chín. Lễ hội được tổ chức vào tháng Tám Âm lịch hàng năm.

Đến Yên Bái "săn mây" Tà Xùa, ăn cốm Tú Lệ và tham gia Festival dù lượn Khau Phạ - Ảnh 3.

Tại lễ hội Cốm Tú Lệ năm 2022 đã diễn ra Hội thi giã cốm thu hút sự tham gia của 9 đội thi đến từ các thôn, bản của xã Tú Lệ. Các thành viên của các đội đã thực hiện đủ các công đoạn làm cốm, từ khâu chọn lúa, rang thóc đến giã cốm được thể hiện dưới bàn tay khéo léo của các cô gái, nhịp chày đều đặn lúc giã cốm của các chàng trai. Ảnh: ST

Lễ hội Cốm Tú Lệ được tổ chức nhằm bảo tồn, phục dựng và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Thái. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc và các sản vật quý giá của huyện Văn Chấn với du khách trong và ngoài nước, đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.

Khai mạc Festival dù lượn Khau Phạ năm 2022

Đến Yên Bái "săn mây" Tà Xùa, ăn cốm Tú Lệ và tham gia Festival dù lượn Khau Phạ - Ảnh 4.

Du khách đăng ký bay dù lượn ngắm cảnh đẹp Ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa lúa chín. Ảnh: ST

Điểm bay dù lượn Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải nằm ở độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển. Đây là một trong những điểm bay được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam cũng như trên thế giới.

Với việc được trải nghiệm bay bằng dù lượn du khách được ngắm vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang khi lúa chín vàng cùng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng của Mù Cang Chải.

Festival dù lượn Khau Phạ trở thành thương hiệu riêng hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với vùng cao Mù Cang Chải. Năm nay, Festival dù lượn Khau Phạ năm nay đã thu hút được 100 phi công trong nước và quốc tế đến tham gia.

Cùng với Festival dù lượn "Bay trên mùa nước đổ" tổ chức vào tháng 5, Festival dù lượn Khau Phạ "Bay trên mùa vàng" tổ chức vào tháng 9 với nhiều đổi mới, là điểm nhấn khởi đầu cho du lịch năm 2022 góp phần triển khai thực hiện đề án "Xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch".

Ngay sau lễ khai mạc, đông đảo du khách đã được chiêm ngưỡng màn bay biểu diễn dù bay của các phi công. Du khách cũng đã đăng ký bay đôi cùng phi công. Năm nay ngoài hoạt động bay dù lượn, huyện Mù Cang Chải còn phối hợp với Công ty trực thăng miền Bắc tổ chức bay trực thăng cho du khách ngắm cảnh đẹp ruộng bậc thang mùa lúa chín.

Festival dù lượn Khau Phạ năm 2022 diễn ra đến hết tháng 10/2022 tại khu vực đèo Khau Phạ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.