Xuôi theo tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chúng tôi tìm đến A Lưới, huyện vùng cao của Thừa Thiên-Huế để tìm hiểu nghề dệt Zèng (thổ cẩm) truyền thống của người Tà Ôi. Hầu hết người tham gia dệt Zèng là phụ nữ.

Dệt Zèng góp phần xóa đói, giảm nghèo trên dãy Trường Sơn


Xuôi theo tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chúng tôi tìm đến A Lưới, huyện vùng cao của Thừa Thiên-Huế để tìm hiểu nghề dệt Zèng (thổ cẩm) truyền thống của người Tà Ôi. Hầu hết người tham gia dệt Zèng là phụ nữ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Mai Thị Hợp - Tổ trưởng tổ dệt Zèng ở thị trấn A Lưới cho hay, dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới). Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt Zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, họ tự tìm kiếm nguyên liệu và thiết kế mới để dệt những tấm Zèng đa màu sắc với hoa văn họa tiết độc đáo, đường nét tinh xảo. Sản phẩm Zèng được tiêu thụ đến các địa phương khác như Nam Đông (Thừa Thiên - Huế); Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam); Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị); Hòa Phú và Hòa Bắc (Đà Nẵng)...

Nghề dệt Zèng được người dân A Lưới gìn giữ và lưu truyền, họ tự tìm kiếm nguyên liệu và thiết kế mới để dệt những tấm Zèng đa màu sắc với hoa văn họa tiết độc đáo

Bà Mai Thị Hợp cũng cho hay, những sản phẩm dệt Zèng trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân, nay với đủ hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng như khăn, túi, khố... đi kèm kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt, đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới.

Dệt Zèng góp phần xóa đói, giảm nghèo trên dãy Trường Sơn - Ảnh 2.

Huyện A Lưới đã thành lập nhiều hợp tác xã sản xuất sản phẩm Zèng quy mô lớn

Huyện A Lưới đã thành lập nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất sản phẩm Zèng quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã Phú Vinh, xã Nhâm, xã ARoàng… Một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt Zèng. Với giá từ 600.000 đến 700.000 đồng/tấm Zèng loại thường và từ 1 đến 1,5 triệu đồng loại đính cườm, ngày càng nhiều người theo nghề và sống được với nghề. Bởi, dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi, một người cũng có thể thu nhập được từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng từ tranh thủ dệt Zèng...

Dệt Zèng góp phần xóa đói, giảm nghèo trên dãy Trường Sơn - Ảnh 3.

Chị Hồ Thị Chúc giới thiệu sản phẩm Zèng của A Lưới tại “Hội chợ EWEC 2020 Đà Nẵng”

Chị Hồ Thị Chúc (dân tộc Tà Ôi, 27 tuổi, Phó Giám đốc HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới) cho hay: "HTX chị thành lập năm 2019, ban đầu có 14 thành viên nhưng đến nay đã có hơn 70 thành viên muốn tham gia. Về số nhân lực, có khoảng 200 người ở 2 xã A Roàng và A Đớt tham gia dệt Zèng và cung cấp sản phẩm ổn định cho HTX. Cứ mỗi quý, các thành viên có thu nhập từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/tháng. Những sản phẩm như cà vạt, dép, hoa cài… là mình tham khảo trên mạng Internet để đưa vào. Họa tiết hoa văn khác hơn xưa, vì mình hướng về mẫu mã mới hơn rất nhiều, nhưng sản phẩm truyền thống vẫn giữ nguyên".

Sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi

"Nghề dệt Zèng vô cùng độc đáo, sản phẩm tinh xảo với hoa văn đẹp mắt, thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi. Xưa kia, vải thổ cẩm của người Tà Ôi chỉ có 2 màu sắc đen và đỏ, trong đó, đen tượng trưng cho nước, đỏ tượng trưng cho lửa. Sau này, người dân sáng tạo, bổ sung nhiều màu sắc như trắng, vàng, hồng, xanh lá để tạo nên những tấm vải đa sắc hơn", chị Hồ Thị Chúc cho hay.

Với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các chị em, nhiều mẫu mã sản phẩm Zèng độc đáo được giới thiệu ra thì trường

Cũng theo chị Chúc, với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các chị em, nhiều mẫu mã sản phẩm Zèng độc đáo được giới thiệu ra thì trường như: Túi xách, cặp xách, va li, túi du lịch, ví, khăn trải bàn, khăn trải giường, khăn phủ gối, rèm, áo chăn, áo gối, áo nệm, quần áo, cà vạt, khố, thắt lưng, khăn các loại, áo dài thổ cẩm, áo dài cách tân, mũ, giày dép...

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới cho biết, Phòng luôn tuyên truyền, vận động các hộ gia đình giữ gìn và phát triển nghề dệt Zèng. Huyện A Lưới cũng đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu thị trường cho những người làm nghề dệt Zèng.

Dệt Zèng góp phần xóa đói, giảm nghèo trên dãy Trường Sơn - Ảnh 5.

Bàn bạc, trao đổi để tìm cách giúp sản phẩm Zèng chinh phục người tiêu dùng

Khi chưa có dịch Covid-19, có nhiều du khách tìm đến huyện miền núi A Lưới để tham quan và xem những công đoạn dệt Zèng và mua sản phẩm Zèng của người dân nơi đây. Ngoài ra, sản phẩm Zèng còn được trưng bày ở các hội chợ, làng nghề tại TP Huế, TP Đà Nẵng… Theo bà Thêm, qua đợt khảo sát mới đây, hầu hết gia đình có nghề dệt Zèng trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định. Hiện nay, gần 100% phụ nữ tại các xã như Nhâm, Hồng Thái, A Ngo, A Roàng, A Đớt và một phần thị trấn A Lưới đều có khả năng dệt Zèng. Nghề này đã và đang giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần lẫn vật chất của đồng bào A Lưới vì tạo thêm thu nhập cho bà con và phục vụ du lịch, nghiên cứu văn hóa…

Dệt Zèng góp phần xóa đói, giảm nghèo trên dãy Trường Sơn - Ảnh 6.

Giới thiệu sản phẩm Zèng tại các hội chợ trong nước

Ông Phan Duy Thanh, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện A Lưới cho biết: "Để nghề truyền thống không mai một, Phòng đã xây dựng Dự án Bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới giai đoạn 2019-2021. Việc xây dựng và triển khai thực hiện dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống không chỉ góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Tháng 1/2017, dệt Zèng nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia".

Về các xã của huyện vùng cao A Lưới hôm nay, chỉ thấy một màu xanh bát ngát của rừng keo lai hai bên đường đã được bê tông và nhựa hóa; những căn nhà lụp xụp ngày nào, được thay bằng những ngôi nhà kiên cố, khang trang ẩn hiện trong các vườn cây ăn quả. Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng nâng cao. Điều này một phần nhờ nghề dệt Zèng, tuy cho thu nhập chưa cao nhưng ổn định, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi trên dãy Trường Sơn.

Tiên Sa
Tiên Sa, ST
07/08/2021 00:00