Di tích Am Chúa và truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần

06/10/2021 11:05
Tượng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được thờ tại di tích Am Chúa

Tượng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được thờ tại di tích Am Chúa

Am Chúa là một di tích lịch sử văn hóa lâu đời của Khánh Hòa gắn liền với tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Cùng với truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Am Chúa thể hiện rõ nét giao lưu văn hóa Việt - Chăm.

Truyền thuyết Thánh Mẫu Thiên Y A Na

Cổ sử chép rằng, vùng đất Khánh Hòa từng là mảnh đất của người Chăm một thời. Đây là vùng đất phát tích nhiều câu chuyện thần bí về sự tích hiển thân của các vị thần. Một trong số đó có truyền thuyết Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần trên núi Đại An. Hiện nay, ở lưng chừng núi Đại An (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) có di tích Am Chúa. Am Chúa chính thức được xây dựng từ năm nào không rõ nhưng trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay vẫn là nơi thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na rất trang nghiêm.

Tấm bia lớn trước sân di tích Am Chúa có ghi lại bút ký của tiến sĩ, Hiệp biện Đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản soạn năm Tự Đức thứ 9 (1857) rằng: Xưa kia tại núi Đại An có vợ chồng người tiều phu già đến cất nhà và vỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Thế nhưng, đến mùa dưa chín thì thường hay bị mất.

Di tích Am Chúa và truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần - Ảnh 1.

Di tích Am Chúa nằm ở lưng chừng núi Đại An

Sau một thời gian dài bị mất dưa, vợ chồng người tiều phu tìm cách bắt tên ăn trộm. Một hôm, người chồng rình và bắt gặp một thiếu nữ trạc mười chín tuổi hái dưa, rồi đùa giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương, ông đưa về nuôi. Vợ chồng người tiều phu này vốn không con cái nên yêu thương cô gái như con ruột của mình.

Một hôm, trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành 3 hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào, rồi ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, người cha nuôi nặng tiếng rầy la mà không biết rằng đó là tiên nữ giáng trần đang nhớ cảnh bồng lai. Đã buồn lại bị cha nuôi la rầy, nhân thấy khúc kỳ nam theo nguồn trôi đến, tiên nữ bèn biến thân vào khúc kỳ nam, để mặc cho sóng đưa đẩy.

Khúc kỳ nam trôi ra biển cả, rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay thơm ngào ngạt, người địa phương lấy làm lạ nên rủ đến xem. Thấy gỗ tốt nên họ xúm nhau khiêng nhưng người đông bao nhiêu cũng không nhấc lên nổi.

Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn liền tìm đến xem hư thực. Thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì nặng đến nhấc không lên nên chàng lấy tay nhấc thử. Mọi người ngạc nhiên bởi chàng nhấc khúc kỳ nam lên nhẹ như tờ giấy. Sau đó, thái tử đem khúc kỳ nam về cung, trân trọng như một bảo vật.

Di tích Am Chúa và truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần - Ảnh 2.

Tấm bia ở di tích Am Chúa có ghi lại bút ký của Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản về truyền thuyết Thánh Mẫu Thiên Y A Na

Một đêm, dưới bóng trăng mờ, thái tử thấy có bóng người con gái thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam. Nhưng lại gần xem thì tứ bề vắng vẻ, bên mình chỉ phảng phất một mùi hương từ khúc kỳ nam bay ra. Chàng quyết rình xem, suốt mấy đêm liền, không hề thấy gì khác lạ.

Không nản chí, chàng vẫn nhẫn nại chờ đợi. Rồi một hôm khi đêm vừa quá nửa, bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo ngọn gió hương ngào ngạt từ trong khúc kỳ nam bước ra. Thái tử vụt chạy đến ôm choàng. Không biến kịp, giai nhân đành theo thái tử và cho biết rõ lai lịch. Giai nhân ấy chính là Thiên Y A Na.

Thái tử vốn đã trưởng thành nhưng chưa có lứa đôi vì chưa chọn được người ưng ý. Nay thấy Thiên Y A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu cùng phụ hoàng xin cưới làm vợ. Nhà vua sai quan bói cát hung. Bói trúng quẻ đại cát nên liền cử lễ thành hôn.

Vợ chồng thái tử ăn ở với nhau rất tương đắc và sinh được hai con, một trai, một gái. Người con trai tên Trí, dung mạo khôi ngô. Người con gái tên Quý xinh đẹp. Thời gian qua đi, Thiên Y A Na sống trong êm ấm.

Nhưng một hôm, lòng quê thúc giục, nhớ đến cha mẹ nuôi, Thiên Y A Na liền bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam, trở về làng cũ. Tuy nhiên, khi về núi Đại An, cha mẹ nuôi đã qua đời. Thiên Y A Na bèn đắp mồ mả cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự.

Thấy dân địa phương còn lạc hậu, Thiên Y A Na liền dạy dân cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra lễ nghi. Từ đó, ruộng nương mở rộng, đời sống của người dân mỗi ngày thêm phú túc, phong lưu. Công khai hóa của Thiên Y A Na chẳng những ở địa phương mà các vùng lân cận cũng được nhờ.

Di tích Am Chúa và truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần - Ảnh 3.

Dâng hương Thánh Mẫu Thiên Y A Na vào dịp lễ hội Am Chúa. Ảnh tư liệu

Rồi một năm sau, vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, Thiên Y A Na cùng hai con lên lưng hạc bay về trời. Người dân địa phương nhớ ơn đức, tạc tượng Thánh Mẫu Thiên Y A Na, rồi dựng nên Am Chúa ở lưng chừng núi Đại An để phụng thờ.

Nét giao lưu văn hóa Việt - Chăm

Cấu trúc của Am Chúa có bái đường và chính điện. Trên nóc bái đường và chính điện đều có đắp nổi hình tứ linh: long, ly, quy, phụng. Ở gian bái đường còn đắp nổi đôi câu đối bằng chữ Hán ghi lại sự tích Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Giữa chính điện là khám thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, hai bên tả hữu thờ các ban liệt vị.

Tại Am Chúa vẫn còn giữ được nhiều sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Trong đó, có sắc phong của vua Tự Đức cho phép thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na là "Hồng Nhơn phổ tế linh cảm diệu thông/ Mặc tướng trang huy thượng đẳng thần". Điều đó phần nào cho thấy giá trị văn hóa của Am Chúa đã được khẳng định từ xưa.

Di tích Am Chúa và truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần - Ảnh 4.

Múa bóng ở lễ hội Am Chúa. Ảnh tư liệu

Hàng năm, từ mùng 1 - 3/3 âm lịch, lễ hội Am Chúa được tổ chức để tưởng nhớ ơn đức của Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Trong lễ hội Am Chúa không thể thiếu điệu múa bóng để dâng lên Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Đây là một điệu múa rất đặc sắc của người Chăm truyền lại, được Quách Tấn miêu tả chi tiết trong cuốn "Xứ trầm hương" rằng: "Vũ nữ múa theo điệu đàn điệu trống, nhịp nhàng dưới ánh đuốc ánh đèn. Họ múa rất khéo, vừa dẻo vừa mềm, đầu và thân cũng luôn ngả nghiêng uốn éo theo bước chân nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế nhưng, đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà vẫn không hề lay dịch. Dường như có những bàn tay vô hình đỡ nâng không thể nào giải thích được". Từ đó, có thể thấy lễ hội Am Chúa thể hiện rõ nét giao lưu văn hóa Việt-Chăm.

Không chỉ là di tích lịch sử văn hóa lâu đời, Am Chúa còn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân xã Diên Điền nói riêng và huyện Diên Khánh nói chung. Hiện nay, trước sân của Am vẫn còn một cây mã tiền cổ thụ có tuổi thọ trên 350 năm. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây mã tiền nhiều lần được dùng làm cột treo cờ để biểu dương lực lượng, khơi dậy truyền thống yêu nước của nhân dân.

Với nhiều giá trị văn hóa và lịch sử cách mạng, năm 1999, Am Chúa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.