pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều trị cảm cúm như thế nào? Những nguyên tắc điều trị cảm cúm cần lưu ý
Cảm cúm là bệnh lý rất thường gặp trên thực tế, nguyên nhân là do virus xâm nhập vào các bộ phận trên đường hô hấp của cơ thể gây nên.
1. Nguyên tắc điều trị cảm cúm
Để đảm bảo cho quá trình điều trị cúm diễn ra hiệu quả, việc điều trị cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định như sau:
- Điều trị cúm chủ yếu là điều trị các triệu chứng của bệnh: Nội dung chủ yếu của điều trị cảm cúm hiện nay là điều trị các triệu chứng của bệnh như hạ sốt, giảm đau, bù dịch, giảm ho,...
- Sử dụng thuốc hợp lý: Sử dụng thuốc hợp lý cũng là nguyên tắc quan trọng trong điều trị cảm cúm. Thuốc kháng sinh không phải là thuốc điều trị cúm mà chỉ có tác dụng khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn thứ phát trên bệnh nền cảm cúm. Thuốc kháng virus có thể chỉ định nhưng cần cân đối giữa tác dụng phụ và tác dụng điều trị.
- Nhập viện khi cần thiết: Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đều được chỉ định điều trị cảm cúm ngoại trú, nhưng nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nặng thì sẽ cần phải được nhập viện ngay lập tức để được điều trị tích cực hơn.
2. Các phương pháp điều trị cảm cúm
2.1. Các biện pháp điều trị cảm cúm chung
- Uống nhiều nước, bù đủ dịch: Bệnh nhân cảm cảm cúm có thể sẽ có biểu hiện sốt khiến bệnh nhân bị mất nước, do đó vấn đề bù đủ dịch cho người bệnh là hết sức quan trọng. Người bệnh có thể bù dịch bằng cách uống nhiều nước hơn, ăn nhiều canh, sử dụng dung dịch bổ sung điện giải uống orezol, hay bù dịch bằng đường truyền nếu cần thiết.
Tuy nhiên, uống nước cũng cần phải uống đúng cách -> Xem ngay!
- Bổ sung nhiều vitamin: Vitamin sẽ giúp hệ đề kháng của cơ thể bệnh nhân hoạt động hiệu quả hơn và trở nên khỏe mạnh hơn. Chính vì thế, người bệnh bị cảm cúm được khuyên rằng nên sử dụng nhiều hơn các loại thực phẩm giàu vitamin như rau củ, trái cây,... trong quá trình điều trị cảm cúm để bệnh nhanh lành hơn.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Nhìn chung, chế độ nghỉ ngơi giữa các bệnh nhân khi điều trị cảm cúm có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên gắng sức mà thay vào đó hãy nghỉ ngơi đầy đủ và hoạt động vừa phải tùy theo tình trạng bản thân để có thể tạo điều kiện cho cơ thể có đủ sức khỏe để chống lại bệnh tật.
- Hạ sốt: Hạ sốt là một nội dung điều trị cảm cúm rất quan trọng bởi bệnh nhân cảm cúm rất thường có sốt. Nếu chỉ sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C) thì người bệnh chỉ cần lau mát cơ thể để hạ sốt mà không cần sử dụng thuốc.
2.2. Điều trị cảm cúm bằng thuốc
- Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus có tác dụng chống sự nhân lên của virus trong cơ thể, làm rút ngắn thời gian mắc bệnh. Các thuốc có thể dùng kể đến như oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza), peramivir (Rapivab), baloxavir (Xofluza), oseltamivir,... Việc sử dụng thuốc kháng virus cần phải được diễn ra dưới chỉ định của bác sĩ để giảm tối đa tác dụng phụ của thuốc (đau đầu, nôn, buồn nôn, một số rối loạn huyết học, độc cho thận,...).
- Thuốc kháng sinh: Trong những trường hợp bệnh nhân cảm cúm bị bội nhiễm vi khuẩn hoặc bệnh nhân bị cúm nặng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao thì thuốc kháng sinh có thể được dùng. Tùy thuộc vào định hướng vi khuẩn gây bệnh là gì mà bác sĩ có thể sử dụng kháng sinh để điều trị theo kinh nghiệm hoặc theo kháng sinh đồ.
- Một số loại thuốc khác: Một số loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ quá trình điều trị cảm cúm bao gồm paracetamol (hạ sốt, không dùng quá 4g /24h vì có thể gây tổn thương tế bào gan), giảm ho,...
3. Cần lưu ý điều gì khi điều trị cảm cúm?
Mặc dù việc điều trị cảm cúm không quá phức tạp như các bệnh lý nguy hiểm khác, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao nhất khi điều trị cảm cúm thì bệnh nhân cũng nên lưu ý một số điều sau đây:
- Bệnh nhân bị cúm nên được cách ly: Bệnh cảm cúm có thể lây từ người này sang người khác thông qua các đường hô hấp và dịch tiết. Do đó, trong quá trình điều trị cúm thì người bệnh cần được cách ly, hạn chế tiếp xúc để tránh lây bệnh cho người khác.
- Tránh bị nhiễm lạnh: Người bệnh cảm cúm nên được giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh bởi có thể sẽ khiến bệnh nặng thêm. Tuy nhiên, cũng cần phải đảm bảo bệnh quần áo bệnh nhân thông thoáng để có thể thoát nhiệt tốt khi bị sốt.
- Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ: Các thuốc điều trị cảm cúm nên được sử dụng đúng theo các chỉ định mà bác sĩ đã đưa ra về liều lượng, giờ sử dụng và loại thuốc,... để đạt hiệu quả điều trị cao nhất và hạn chế tối đa tác dụng phụ.
- Sử dụng thực phẩm thích hợp: Người bị cảm cúm thường giảm cảm giác ngon miệng, hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn, cơ thể mất nhiều năng lượng do sinh nhiệt nhiều khi sốt, do đó bệnh nhân cần được bổ sung năng lượng tích cực trong quá trình điều trị bằng chế độ dinh dưỡng thích hợp.
- Phát hiện sớm các tiến triển nặng của bệnh: Nếu có các tiến triển nặng trong quá trình điều trị cảm cúm như ho khạc đờm vàng hoặc xanh, bệnh kéo dài quá 10 ngày, sốt tái phát sau khi đã ngưng sốt,... thì cần báo ngay với bác sĩ để được điều chỉnh phác đồ điều trị thích hợp.
4. Bệnh cảm cúm có thể tự khỏi được không?
Mặc dù cảm cúm rất thường gặp trên thực tế, nhưng điều may mắn là trong hầu hết các trường hợp cơ thể của chúng ta đều có thể tự đào thải virus sau khoảng vài ngày mà không cần điều trị. Chính vì thế, đối với những trường hợp cảm cúm thông thường thì bệnh hoàn toàn có khả năng tự khỏi mà không cần bất kỳ điều trị đặc hiệu nào mà chỉ cần các biện pháp điều trị và chăm sóc chung cho người bệnh để giảm bớt khó chịu do các triệu chứng gây nên.
Qua đó, có thể thấy rằng, đối với một tình trạng cảm cúm thông thường thì việc điều trị bệnh không quá khó, thậm chí bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng, người bệnh không nên chủ quan mà cần qua mà cần theo dõi sát các diễn tiến bất thường của bệnh nếu có và thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
Nguồn dịch: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/diagnosis-treatment/drc-20351725