“Đố ai mời được tôi ăn đồ tái sống” và thói quen ăn uống “lạ đời” của giáo sư ký sinh trùng

LÊ PHƯƠNG.
17/08/2022 - 14:25
“Đố ai mời được tôi ăn đồ tái sống” và thói quen ăn uống “lạ đời” của giáo sư ký sinh trùng
Được học viên tặng đặc sản Thanh Hóa làm quà, giáo sư Nguyễn Văn Đề hỏi ngay "thịt làm nem này đã được nấu chín chưa?", rồi thẳng thừng từ chối nhận.

Ăn uống mất vệ sinh và thiếu khoa học là nguyên nhân mắc nhiều căn bệnh khác nhau, trong đó có bệnh liên quan ký sinh trùng. Là một chuyên gia đầu ngành về ký sinh trùng, GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề (nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội) sẽ “bật mí” về cách ăn uống của ông để tránh không bị ký sinh trùng tấn công, gây hại cho sức khỏe.

Theo GS Đề, đại đa số người mắc ký sinh trùng là do ăn uống (chiếm đến 80-85%), do vậy để phòng được bệnh thì trước hết phải thực hành từ việc ăn uống hàng ngày. GS Đề chia sẻ, bản thân ông không phải là người thường xuyên vào bếp nấu ăn, tuy nhiên ông khẳng định chắc chắn rằng mình không bao giờ ăn sống bất kể thứ gì, dù đó là các loại rau thơm, hay các loại thịt-cá đặc sản.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề - Chuyên gia đầu ngành về ký sinh trùng, nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội.

Nguyên tắc khi ăn rau

Đối với các loại rau củ, trong cuộc sống hàng ngày, GS Đề luôn chú ý từ các sơ chế cho đến việc lựa chọn cách ăn sao cho khoa học và phù hợp với bản thân nhất. “Gia đình tôi không bao giờ dùng các loại nước dung dịch để ngâm hay rửa rau, vì nó không có tác dụng gì với ký sinh trùng cả. Thậm chí, ngay formol khi pha với nồng độ 5-10% cũng không giệt được trứng giun sán", GS Đề cho hay.

Cách ông thực hiện rất đơn giản, đó là rửa rau nhiều lần với nước sạch, hoặc rửa dưới vòi nước vì như vậy sẽ trôi được bớt đi trứng giun sán nếu có. Ngoài ra, quá trình nhặt rau củ cũng cần phải có đồ bảo hộ, không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng vì có những loại ký sinh trùng có thể xâm nhập qua da vào cơ thể.

GS Đề khẳng định nên rửa rau nhiều lần với nước sạch, việc ngâm rau trong các dung dịch đều không có tác dụng với giun sán. (Ảnh minh họa)

Khi sơ chế là vậy, quá trình ăn rau vị giáo sư này để ý đến từng loại rau cụ thể để có cách ăn cho hợp lý. Với các loại rau như cải xoong, cần nước, rau muống... 100% trước khi ăn phải được nấu chín kỹ. Đối với các loại rau sống, rau thơm khi ăn GS Đề bắt buộc phải nhúng vào nồi nước đang sôi (giống như ăn lẩu). 

“Thật sự các loại rau, nhất là rau thơm khi nấu chín lên thì chắc chắn sẽ phần nào mất mùi vị, mất dinh dưỡng thậm chí không còn gọi là rau thơm nữa, nhưng tôi luôn đặt sự an toàn, sức khỏe của bản thân lên trên hết”, GS Đề nói. Theo ông, việc nhúng rau thơm qua nước sôi như vậy ấu trùng giun sán sẽ bị tiêu diệt, hơn nữa mùi vị rau thơm ít nhiều sẽ vẫn còn và vẫn tạo được hương vị món ăn. Điều quan trọng nhất đó là sức khỏe được đảm bảo an toàn.

Với các loại rau thơm, rau sống cần nhúng qua nước sôi giống như ăn lẩu mới "sạch" ký sinh trùng. (Ảnh minh họa)

Đối với các loại cá, thịt

Cũng giống như rau, các loại cá thịt, hải sản rất nhiều người mời GS Đề ăn sống, tái để thưởng thức được hương vị tươi, ngon. Thế nhưng ông Đề vẫn giữ nguyên quan điểm của mình: Không bao giờ ăn sống.

“Nước ta rất đa dạng về các loại thực phẩm, có nhiều loại cá, thịt chế biến ra những món tái, sống nhìn tươi ngon bắt mắt. Thế nhưng ai dám khẳng định trong món ăn đó là an toàn, là không có ký sinh trùng. Một miếng ăn chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng nếu mắc bệnh có thể ảnh hưởng cả tính mạng. Thậm chí nếu bệnh không được chẩn đoán đúng còn dễ bị cắt nhầm, mổ nhầm… vì thế tốt nhất không nên thử ăn tái, ăn sống”, GS Đề cảnh báo.

Ngay cả những món ăn sống khoái khẩu vẫn hoàn toàn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. (Ảnh minh họa)

Trong một chuyến công tác của GS Đề về tỉnh Thanh Hóa, sau khi giảng về vấn đề cách nhận biết, điều trị về bệnh ký sinh trùng, một học viên đã mang biếu giáo sư loại nem đặc sản ở Thanh Hóa, vị giáo sư này đã phản pháo ngay lập tức.

“Tôi chỉ hỏi cậu học viên đó rằng: Thịt làm nem này đã được nấu chín chưa. Cậu học viên đó ấp úng không trả lời và tôi nói tiếp: Thứ nhất tôi là chuyên gia đi dạy về cách nhận biết, phòng và điều trị bệnh ký sinh trùng mà ngay sau đó cậu lại biếu tôi đồ có nguy cơ nhiễm bệnh là điều không hợp lý. Thứ hai tôi cũng phân tích, dù là đặc sản nhưng đây là đồ chưa được nấu chín, nên tôi không ăn, mang về gia đình cũng không sử dụng. Mà cá nhân tôi là người đi dạy về ký sinh trùng thì càng không thể cứ nhận để lấy lòng, rồi về mang đi biếu người khác, đẩy họ vào nguy cơ lây bệnh được”, GS Đề kể.

Rất nhiều món đặc sản được làm từ thịt tái, sống có nguy cơ bị nhiễm giun sán rất cao. (Ảnh minh họa)

Với cách ăn uống khoa học của mình, ở tuổi 70, GS Đề khẳng định, ông vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và tiếp tục cống hiến cho ngành y với những buổi đi giảng bài và khám chữa bệnh liên quan đến ký sinh trùng. "Nhiều người hỏi tôi rằng, ăn uống "sạch" như vậy, có bao giờ giáo sư bị đau bụng? Tôi khẳng định, đau bụng có nhiều lý do khác nhau, nhưng nếu hỏi tôi bị đau bụng vì nguyên nhân giun sán thì câu trả lời chắc chắn là: Không", GS Đề chia sẻ.

Ông đúc kết lại với lời khuyên đã được viết ở rất nhiều bộ sách giáo khoa: Hãy ăn chín, uống sôi với tất cả các loại thực phẩm. Bởi tất cả đồ ăn tái, sống đều có nguy cơ nhiễm bệnh không chỉ do ký sinh trùng, mà còn nhiều bệnh khác. Ngoài ra, cần tẩy giun sán, đi khám sức khỏe định kỳ 1 đến 2 lần/năm. Bởi không phải loại giun sán nào tẩy cũng hết được, mà phải có thuốc điều trị đặc hiệu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm