Các dân tộc Tây Nguyên như Jrai, Bahnar hiện còn bảo lưu một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian phong phú và đặc sắc, trong đó tiêu biểu là điệu múa xoang (suang).

Độc đáo điệu múa xoang của dân tộc Jrai, Bahnar

Các dân tộc Tây Nguyên như Jrai, Bahnar hiện còn bảo lưu một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian phong phú và đặc sắc, trong đó tiêu biểu là điệu múa xoang (suang).
Độc đáo điệu múa xoang của dân tộc Jrai, Bhanar - Ảnh 1.

Múa xoang trong lễ hội pơ thi diễn ra xung quanh nhà mồ.

Xoang là điệu múa tập thể có từ lâu đời, được trình diễn trong các lễ hội truyền thống các dân tộc như lễ bỏ mả (pơ-thi), lễ mừng mùa.... Điệu xoang là điệu múa theo nhịp cồng chiêng, trống...

Khi tiếng cồng chiêng, tiếng trống vang lên, mọi người đều có thể tham gia vào điệu múa này. Trong lễ hội pơ-thi, đội hình cồng chiêng vừa gõ vừa đi xung quanh nhà mồ, nhà rông hoặc cây nêu, đội hình múa nắm tay nhau tạo thành một dãy bao quanh đội hình cồng chiêng.

Đối với các dân tộc Tây Nguyên, trong hệ thống lễ nghi có rất nhiều lễ hội như lễ hội vòng đời người, lễ hội cộng đồng, lễ nghi nông nghiệp... Mỗi lễ hội có những hình thức diễn xướng khác nhau nên điệu xoang múa có những biến đổi về đội hình, nhịp điệu, tiết tấu… cho phù hợp.

Độc đáo điệu múa xoang của dân tộc Jrai, Bhanar - Ảnh 2.

Những người nam mặc áo lá chuối trong đội hình múa xoang.

Tên gọi của điệu múa xoang được gắn liền với tên gọi của lễ hội đó như: Xoang Khiêl là vũ điệu của lễ hội Trum kơ-bao (lễ ăn trâu), xoang Tap Sơ-gơr là vũ điệu trong lễ Sơ-mah Kơ-cham (lễ hội mừng năm mới), xoang Sa-mơh là vũ điệu trong lễ Sa- mơh (lễ ăn cơm mới), xoang Grong Pơ-sat là vũ điệu trong lễ bỏ mả Pơ-thi...

Độc đáo điệu múa xoang của dân tộc Jrai, Bhanar - Ảnh 3.

Động tác múa xoang của các cô gái với đôi tay nắm chặc và đưa về phía trước trong nhịp điệu cồng chiêng.

Đặc biệt, điệu xoang trong lễ bỏ mả là điệu múa mang dấu ấn tâm linh sâu sắc. Khi già làng làm lễ cúng xong, người thân ngồi cạnh nhà mồ ôm mặt khóc người thân đã quá cố lần cuối, sau đó mọi người nối vòng xoang nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng đi quanh nhà mồ để tiễn đưa người chết về thế giới biên kia.

Trong đội múa xoang thường xuất hiện những nhân vật hóa trang đeo mặt nạ, bôi đất sét trên mặt và mình mẩy, mặc bộ trang phục bằng rễ cây si, lá chuối khô, bao tải rách, tua rua vót từ nan tre nứa…

Với những động tác đơn giản nhịp nhàng, điệu xoang là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Jrai, Bahnar phía vùng Bắc Tây Nguyên. Việc tổ chức các lễ hội có điệu xoang đã trở thành nét sinh hoạt đặc sắc, là một nhu cầu cần thiết trong đời sống văn hóa cộng đồng. 

Múa xoang là yếu tố góp phần tạo nên Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đã được UNESCO công nhận là làm nên di sản truyền khẩu và kiệt tác của nhân loại vào năm 2005 và năm 2008. Vào dịp lễ hội, khi được chứng kiến, chiêm ngưỡng điệu múa xoang lãng mạn trong nhịp điệu trống chiêng rộn ràng ta được cảm nhận được nét hoang sơ, mộc mạc của văn hóa Tây Nguyên.

Một vài hình ảnh về điệu múa xoang trong cộng đồng người Jrai, Bahnar:

Độc đáo điệu múa xoang của dân tộc Jrai, Bhanar - Ảnh 4.

Những cô gái vừa múa xoang vừa khiêng giàn trống phía trên treo những tấm vải thổ cẩm.

Độc đáo điệu múa xoang của dân tộc Jrai, Bhanar - Ảnh 5.

Các cô gái Bahnar khiêng trống đi đầu đội múa xoang.

Độc đáo điệu múa xoang của dân tộc Jrai, Bhanar - Ảnh 6.

Đội hình múa xoang gồm đội cồng chiêng và nhóm múa nữ.

Độc đáo điệu múa xoang của dân tộc Jrai, Bhanar - Ảnh 7.

Múa xoang trước sân nhà rông.

Bài, ảnh: Tấn Vịnh