Độc đáo thuyền Kagor dành cho người đã khuất của đồng bào Raglai

13/10/2021 17:11
Nghi thức cúng tại nhà mồ trong lễ bỏ mả của người Raglai ở Khánh Hòa

Nghi thức cúng tại nhà mồ trong lễ bỏ mả của người Raglai ở Khánh Hòa

Trong lễ bỏ mả của người Raglai không thể thiếu thuyền Kagor. Đây là một công trình nghệ thuật, kiến trúc độc đáo và công phu của đồng bào Raglai dành cho người đã khuất.

Lễ bỏ mả là một tập tục có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa được lưu truyền đến ngày nay. Người Raglai quan niệm, có hai thế giới song song tồn tại là thế giới của người sống và thế giới của những người đã khuất. Khi người chết đã được chôn cất, vẫn còn mối liên hệ với người đang sống, bởi linh hồn của người chết vẫn còn lẩn khuất trong cõi nhân gian nên phải làm lễ bỏ mả để chính thức chấm dứt mối quan hệ này. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai - lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết.

Sau khi làm xong các nghi lễ cúng bái, chôn cất cho người đã mất, đợi ngày lành tháng tốt, người Raglai sẽ làm lễ bỏ mả, thường thì vào tháng 3, tháng 4 dương lịch. Những lễ vật và vật dụng được dùng trong lễ bỏ mả thường được gia đình người quá cố chuẩn bị trước hàng tháng như: dựng nhà mồ, làm thuyền Kagor, chuẩn bị heo, gà, rượu cần…

Trong lễ bỏ mả không thể thiếu thuyền Kagor. Thuyền được làm bằng gỗ, nhỏ nhất khoảng 50cm x 70cm x 80cm hoặc lớn hơn gấp đôi tùy quy mô ngôi nhà mồ và điều kiện gia chủ. Thông thường, trên thuyền luôn có nhà cửa tượng trưng, ngôi giữa cao hơn hai ngôi hai bên. Nghệ nhân gọt giũa, tạo hoa văn hình rồng uốn chầu trên đỉnh các ngôi nhà đối xứng tâm. Bên dưới là tạo hình hàng rào, chim chóc, cá, các sản vật, các dụng cụ như dao, rìu...

Độc đáo thuyền Kagor dành cho người đã khuất của đồng bào Raglai - Ảnh 1.

Nghi thức cúng thuyền Kagor tại nhà của người chết trong lễ bỏ mả của người Raglai ở Khánh Hòa

Quá trình diễn ra lễ bỏ mả, thuyền Kagor được cúng tại nhà có người chết, sau đó mới khiêng rước đến nhà mồ. Tại đây, người chủ lễ tiếp tục nghi thức cúng và khấn vái trước thuyền Kagor. Sau đó, những trai tráng chưa có vợ trong làng sẽ khiêng thuyền gắn lên nóc nhà mồ. Khi đưa lên nóc nhà mồ, người thân của người quá cố phải "đập heo", "đập gà", "bốc rượu cần" để cúng thuyền Kagor.

Đối với người Raglai ở Khánh Hòa, thuyền Kagor không phải là phương tiện giao thông, càng không phải mô hình trang trí, mà là một công trình nghệ thuật, kiến trúc độc đáo và công phu của đồng bào dành cho người đã khuất. Thuyền Kagor là biểu tượng tài sản tượng trưng cho sự giàu sang phú quý mà người sống làm để tặng cho người chết, với ước mong người chết sẽ được sung sướng, đầy đủ như mong ước chung của người Raglai.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Raglai từ buổi sơ khai đến nay vẫn giữ được nét văn hóa cho riêng mình. Lễ bỏ mả của đồng bào thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống với người đã khất. Đồng thời là dịp thể hiện sự đền đáp công lao tổ tiên, ông bà, cha mẹ và còn là biểu hiện của tình cảm làng xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người. Trong đó, thuyền Kagor là một biểu tượng không chỉ thể hiện tập quán xã hội, tín ngưỡng "đa thần", sùng bái các đấng siêu nhiên, kính trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ đã khuất, mà còn hiện rõ tính nhân văn, nhân sinh quan sâu đậm của đồng bào nơi đây.

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Lễ bỏ mả của người Raglai mang đậm màu sắc văn hóa dân gian, vừa tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, vừa thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Ở tỉnh Khánh Hòa, lễ bỏ mả của người Raglai tại huyện Khánh Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2012, thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn