Độc đáo tiểu thuyết 223 trang sách chỉ 1 câu

24/06/2018 - 18:36
Năm nay, Giải thưởng Văn chương Quốc tế Dublin tiếp tục thể hiện sự độc đáo và khác biệt khi vinh danh tác giả Mike McCormack (người Ireland) với cuốn tiểu thuyết “Solar Boner” - tác phẩm chỉ sử dụng dấu chấm câu duy nhất suốt 223 trang sách.
Giải văn học Quốc tế IMPAC của thành phố Dublin (Ireland) hay còn gọi là Giải thưởng Văn chương Quốc tế Dublin là giải văn học thường niên do chính quyền thành phố Dublin phối hợp với Thư viện Công cộng Dublin tổ chức từ năm 1996 với sự tài trợ của hãng tư vấn phát triển kinh doanh IMPAC (Mỹ). Giải được trao cho tiểu thuyết tiếng Anh (hoặc được chuyển ngữ sang tiếng Anh) được coi là hay nhất trong năm. Tiền thưởng của giải thưởng này chỉ thua có giải Nobel.
 
Tác phẩm “Solar Boner” (Tạm dịch: Lời nói dối của mặt trời) có nhân vật chính là một người chết. Ban Giám khảo cho rằng tác phẩm đã “cung cấp một phản ứng sắc nét, chua chát nhưng cũng hài hước về sự nam tính của đàn ông Ireland đương đại. Việc khắc họa mối quan hệ giữa Marcus và Mairead là một sự miêu tả đặc biệt xuyên suốt, gây ảnh hưởng tới cách nhìn về hôn nhân đương đại, về những mối liên thông cần thiết và các quyền riêng tư cần được bảo vệ; cũng như sự ham muốn, những tổn thất và cả phần thưởng”.
 
Mike McCormack hiện là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất của Ireland. Ông là nhà văn đồng thời là giáo sư dạy môn viết sáng tạo tại trường Đại học Quốc gia Ireland Galway. Trước khi được nhiều người biết đến, ông từng bị nhiều nhà xuất bản lớn từ chối trong thời gian đầu khởi nghiệp viết lách. Đó có lẽ là lý do mà trang Wikipedia gọi Mike McCormack với biệt danh là “Người bị quên lãng”.
mike-mccormack-2.jpg
Nhà văn Mike McCormack - tác giả của “Solar Boner”

 

Đam mê viết lách nhưng Mike McCormack đã chật vật hàng thập kỷ trong hành trình khẳng định tên tuổi. Những cái tên lọt vào chung khảo giải Dublin đều là nhà văn mà Mike McCormack ngưỡng mộ.
 
Nhà văn người Anh thật thà thừa nhận rằng, ông sốc khi nghe tin mình trúng giải. Ông chưa bao giờ có được số tiền lớn đến như vậy. Vợ ông Maeve Curtis là một họa sĩ và là người đã động viên chồng suốt một thời gian dài khi ông không được công nhận. Bà cũng là người góp ý cho bản thảo của chồng.
 
Cuộc sống của một gia đình nghệ sĩ khá đạm bạc khi họ có tới 4 người con. Số tiền thưởng của giải Dublin sẽ được vợ chồng ông sử dụng để chi dùng cho cuộc sống khi tập trung cho sáng tạo. Đoạt giải Dublin, Mike McCormackcho biết, ông rất cảm ơn người vợ tao khang của mình.
 
Sinh năm 1965 ở London, nhưng suốt thời thơ ấu, Mike McCormack chủ yếu sống ở Ireland cùng với ông bà khi cha mẹ bận rộn mưu sinh ở Anh. Cuộc sống ở Croagh Patrick - ngọn núi thiêng của Ireland là nơi khởi nguồn cho những tưởng tượng của cậu bé yêu văn chương. Năm Mike McCormack 18 tuổi, cha ông đột ngột qua đời vì bệnh tim. Đó là lý do hầu hết các tác phẩm của Mike McCormack đều ám ảnh về sự mong manh của trái tim.
 
Năm 2009, Ban giám khảo giải Giải văn học Quốc tế IMPAC của thành phố Dublin đã trao giải thưởng trị giá 100.000 Euro (gần 2,7 tỷ đồng) cho tiểu thuyết đầu tay “Man gone down” của nhà văn Mỹ - Michael Thomas.
 
Giải văn chương có mức tiền thưởng cao nhất thế giới này vốn có tiền lệ trao thưởng cho các tác giả bất kể nổi tiếng hay vô danh, miễn sao tác phẩm có hình thức, nội dung độc đáo, giàu tính nhân bản, giàu tính văn chương. Đoạt giải Dublin đồng nghĩa với việc tác giả sẽ được giới văn chương quốc tế công nhận, đường đi cho tác phẩm của họ được phổ cập ra thế giới được rộng mở.
 
Dublin từ lâu đã được coi là thành phố của văn chương, nơi sản sinh những cái tên nổi tiếng thế giới như George Bernard Shaw, Oscar Wilde, William Butler Yeats, Samuel Beckett, James Joyce.
 
Giải Nobel văn chương cũng đã xướng tên các công dân của Dublin là William Butler Yeats (Nobel 1923), George Bernard Shaw (Nobel 1925), Samuel Beckett (Nobel 1969).
 
Làng văn đương đại thế giới cũng ghi danh nhiều tác giả sinh trưởng tại Dublin như Seamus Heaney, Michael Longley, Eavan Bolan, Roddy Doyle, John Banville. Địa danh này cũng được biết đến với tư cách là một thành phố văn học của Unesco.
 

Giải thưởng Văn chương Quốc tế Dublin năm nay đã xem xét 150 đề cử đến từ các thư viện công cộng ở 111 thành phố trên 37 quốc gia. Giải thưởng công nhận cả tác giả và dịch giả. Nếu cuốn sách chiến thắng là một phiên bản dịch, giải thưởng được chia sẻ giữa nhà văn (75.000 Euro) và người dịch (25.000 Euro).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm