Đôi bạn già nặng lòng gìn giữ điệu chèo quê hương

21/08/2022 12:33

Làng chèo Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) tuy không phải là làng chèo cổ nhưng lại là nơi có phong trào quần chúng mê chèo sôi nổi trong suốt chiều dài lịch sử hình thành gần 100 năm.

Để có thể gìn giữ và phát huy giá trị chèo Nghiêm Xá như hiện nay, không thể không nhắc đến tình yêu, tâm huyết và nỗi trăn trở của các "nghệ sĩ làng" như ông Phạm Anh Hóa và bà Nguyễn Thị Hồng Phin.

"Chơi với nhau" nhờ chèo

Chúng tôi tìm về làng chèo Nghiêm Xá nằm ở phía nam Hà Nội, ngồi làng cổ gần đê sông Nhuệ trong một ngày nắng đẹp. Chúng tôi được ông Lê Văn Thêm, đội trưởng Đội chèo Nghiêm Xá giới thiệu tới gặp ông Hóa và bà Phin, hai người gạo cội nhất của làng chèo Nghiêm Xá và vẫn còn hoạt động hăng say cho tới nay.

Ông Hóa nguyên là chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên, kiêm đội trưởng đội chèo một thời giờ đã 75 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ như in những vở chèo từng sáng tác, những lần đi biểu diễn tại các hội thi.

Theo ông Hóa, làng chèo Nghiêm Xá bắt đầu có từ năm 1939 do thế hệ cụ Nguyễn Văn Chuẩn (nay đã mất) khởi xướng, từ đó đến nay trải qua các thời kỳ phong kiến, sau cách mạng tháng Tám 1945 hay sau Đổi mới 1986, chèo vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng quần chúng nhân dân Nghiêm Xá, chưa hề có lúc suy vi. Ông Hóa bảo, chèo Nghiêm Xá còn gọi là chèo mới, bởi kịch bản đều mới sáng tác dựa trên điệu cổ và mới xuất hiện chưa đến 100 năm.

Đôi bạn già nặng lòng gìn giữ điệu chèo quê hương - Ảnh 1.

Ông Hóa (áo đen), bà Phin (áo nâu) trong một buổi tập của Đội chèo Nghiêm Xá.

Bà Phin, 77 tuổi, đội phó, đạo diễn kiêm diễn viên chính của hầu hết các vở diễn chèo thì vui chuyện nói về cơ duyên đến với chèo, năm 13 tuổi, một lần tôi đứng xem các cô chú tập chèo ở sân đình, thiếu nhân vật các cô liền gọi tôi vào "đóng thế". Tôi thử sức với vai diễn đầu tiên là đóng vai con trong vở chèo cổ Tần Hương Liên - Trần Thế Mỹ. Thấy tôi có năng khiếu múa hay, hát giỏi, các cô đã cho tôi gia nhập đội chèo, từ đó đến nay tôi đã tham gia hàng trăm vở diễn ở làng và thấy tình yêu của mình với chèo ngày một lớn.

Nói về cơ duyên tình bạn, ông Hóa và bà Phin đều cười lớn. Ông Hóa thì bảo, bà Phin hơn tôi 2 tuổi, hồi nhỏ không chơi với nhau nhưng từ khi tham gia đội chèo, chúng tôi trở thành những người bạn thân thiết, cùng đam mê.

Bởi lẽ, ông Hóa có tài viết lách, có tâm hồn thơ phú và thích sáng tác, nhưng những sáng tác của ông ban đầu chưa thành một kịch bản chèo chặt chẽ, buộc phải có người biên kịch và đẩy lên cao trào.

Bà Phin thì không những có tài ca diễn mà lại còn có tài "cắt gọt" kịch bản, tổ chức nhân vật trên chiếu chèo. Thế là cứ mỗi sáng tác của ông Hóa ra đời lại được bà Phin đỡ đầu, chăm sóc rồi dàn dựng để trình diễn trước quần chúng nhân dân. Từ đó đến nay, ông Hóa và bà Phin như những con "át chủ bài" của làng chèo Nghiêm Xá.

Gác lại việc nhà vì tình yêu với chèo

Nói về thời kỳ kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, ông Hóa nhớ lại rằng, tuy đi làm cả ngày vất vả nhưng những thành viên đội chèo chẳng bao giờ bỏ tập, đã lên lịch nhất định sẽ đến đầy đủ, đúng giờ. Trước mỗi lần diễn, chúng tôi thường tập khoảng một tháng, các buổi tập diễn ra từ khoảng 7 giờ tối đến 10 giờ, ai còn việc nhà thì gác lại, bởi khi tiếng trống chèo đã vang lên trên sân đình thì ai nấy trong lòng đều rạo rực, thậm chí đang ăn cơm cũng buông bát xuống chạy ra sân đình xem tập chèo, diễn chèo.

Thời bao cấp, xã cấp cho đội chèo 3 sào ruộng, đội lại chia cho các thành viên, ai bỏ buổi tập nào sẽ bị trừ sản lượng, đến tập chèo phải chấm công, ai nghỉ quá 2 buổi liên tiếp sẽ bị cho ra khỏi đội. Ấy vậy mà đội chèo Nghiêm Xá bao nhiêu năm chỉ có tăng thành viên chứ chẳng ai bị loại khỏi đội, chỉ có các cụ cao niên sức khỏe yếu "xin về hưu" thôi, ông Hóa kể lại.

Một nguyên nhân rất quan trọng khiến cho chèo Nghiêm Xá luôn nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ quần chúng đó chính là vai trò phục vụ cuộc sống thường ngày, mang tính thời sự. Mọi sáng tác của ông Hóa đều là "nghệ thuật vị nhân sinh", như các sáng tác để đẩy lùi tệ nạn xã hội với các vở chèo Tặng ai lá thư tình, Câu chuyện đầu năm, Bao Công xử án, Vỡ mộng làm giàu... sáng tác để động viên chiến sĩ xa nhà như Mối tình đầu người chiến sĩ, sáng tác phục vụ công tác xây dựng Nông thôn mới như Vẹn cả đôi đường, Con trâu bạc; viết cho thiếu nhi như các vở Gì ghẻ, Tình thương; sáng tác tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình như vở Phỏng vấn đầu năm... sáng tác phê phán tham quyền, tham nhũng như vở Một ngày làm quan...

Ông Hóa chia sẻ về sức sáng tác của mình rằng "chèo có khoảng 130 làn điệu, tôi chỉ sáng tác phần lời, tuy nhiên, nội dung phải gắn bó cụ thể với hơi thở cuộc sống, kịp thời biểu dương việc tốt, phê phán thói hư tật xấu nên viết chèo không chỉ là giải trí mà còn là phản ánh thực tại xã hội, đến nay chắc cũng hơn trăm vở rồi".

Đôi bạn già nặng lòng gìn giữ điệu chèo quê hương - Ảnh 2.

Một đội chèo làng - Ảnh minh họa.

Còn đối với bà Phin, không chỉ diễn viên mà bà còn là "huấn luyện viên" chính dạy hát chèo cho lớp trẻ. Bà Phin là người trực tiếp đến từng gia đình vận động lớp trẻ tham gia hát chèo và đi diễn hội thi. Tính sơ qua, bà đã dạy hàng chục lớp chèo, có lớp dạy cả 3 thế hệ bà, con và cháu.

Bà chia sẻ về công việc "vác tù và hàng tổng này" mà lúc cười hóm hỉnh, lúc rơm rơm nước mắt. "Đi vận động các gia đình cho con tham gia đội chèo thì có gia đình đồng ý ngay, có gia đình thì sợ ảnh hưởng đến việc học hành của con, họ từ chối. Rồi nhiều cháu lúc tập không tập trung, tập xong rồi diễn lại quên, mình cũng giận cũng buồn nhưng không dám nói nặng các cháu sợ các cháu dỗi xin nghỉ luôn. Hay đến lúc diễn mà thiếu trang phục, đội lại phải đi vận động từ nhân dân, thiếu nữa thì đi xin ở các nơi, không xin được nữa thì tự bỏ tiền ra mua trang phục cho các cháu, miễn sao buổi trình diễn được diễn ra thành công nhất", bà Phin kể.

Tình yêu chèo của bà Phin mãnh liệt đến nỗi, một lần vào năm 2007, bà đang ở trong miền nam thăm con, thấy ông Hóa gọi vào bảo rằng, vai diễn mẹ trong vở Trang nhật ký không ai diễn đạt bằng bà. Chỉ còn vài ngày nữa là diễn, nếu thu xếp được thì bà về gấp. Thế là ngay lập tức, bà Phin thu dọn hành lý, mua vé máy bay về Nghiêm Xá đảm nhận vai diễn mà không có buổi tập luyện nào trước. Ngoài hát chèo ra, bà Phin còn có biệt tài với cả xẩm, ca trù, quan họ và hát trống quân, đủ để thấy bà phin là một "nghệ sĩ đa-zi-năng".

Còn những lần chuẩn bị cho hội thi thì cả ông Hóa và bà Phin gần như gác lại toàn bộ việc riêng, cặm cụi sáng tác, luyện tập. Các hội thi đã ghi dấu ấn của chèo Nghiêm Xá trong lòng công chúng như Hội diễn hát chèo tỉnh Hà Sơn Bình, đạt Huy chương Bạc năm 1994, Hội thi Tiếng hát làng chèo do TP Hà Nội tổ chức năm 2008, chèo Nghiêm Xá đạt giải Ba, Hội diễn hát chèo do tỉnh Hà Tây tổ chức năm 2006 tại Phú Xuyên, giành giải Khuyến khích, nội dung múa đạt giải A, Hội diễn phong trào toàn dân xây dựng Nông thôn mới, đạt giải A năm 2002 với vở Mẹ đã hiểu rồi.... cùng rất nhiều các giải khác tại các hội thi lớn nhỏ.

Nặng lòng với quê hương

Cả ông Hóa và bà Phin đều có hơn 60 năm gắn bó với chiếu chèo Nghiêm Xá, giành nhiều giải thưởng to nhỏ về cho Đội chèo nhưng chưa bao giờ ông bà than phiền về chế độ trợ cấp, tất cả đều đến từ tình yêu với chèo. Hai ông bà đều chỉ hy vọng rằng, tiếng hát chèo sẽ là món ăn tinh thần hữu ích đối với nhân dân địa phương, phục vụ các công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền.

Để gìn giữ và phát huy giá trị chèo Nghiêm Xá, từ khi còn là chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên, ông Hóa đã đề xuất phát định kỳ hát chèo trên loa truyền thanh xã, đưa nội dung giới thiệu về chèo vào chương trình lịch sử địa phương dạy trong trường tiểu học và trung học cơ sở. Còn bà Phin thì vẫn cần mẫn đến từng nhà vận động thanh thiếu niên tham dự lớp chèo, biên kịch từng sáng tác của ông Hóa, đạp xe đi nhiều làng chèo lân cận để mượn trang phục, đạo cụ cho hội diễn.

Về phía công tác tổ chức của Đội chèo, ông Lê Văn Thêm cho biết: Hiện nay, đội có khoảng trên 30 thành viên, một năm tổ chức diễn 4 lần vào tết nguyên đán, nghỉ lễ 30/4 – 1/5, ngày Quốc khánh, dịp hội làng (mùng 5 tháng Giêng âm lịch). Đội có quy chế hoạt động để tăng thêm đất diễn cho chèo, cụ thể khi gia đình mỗi thành viên trong đội có việc vui như đám cưới, về nhà mới, khai trương đội sẽ đến biểu diễn miễn phí.

Còn về phía Nhà nước, năm 2007, Đoàn chèo Hà Tây đã cử chuyên gia về Nghiêm Xá 3 tháng để phục hồi và khôi phục làn điệu chèo, nhưng từ đó đến nay thì chưa có thêm hoạt động bảo tồn nào. Các "nghệ sĩ làng" như ông Hóa, bà Phin, ông Bột, bà Thục, bà Phi, bà Hời, ông Ích... vẫn đang ngày đêm tập hợp lại các vở diễn từ xa xưa, biên kịch lại thành tài liệu để trao truyền cho thế hệ kế cận. Tuy nhiên, đến nay làn điệu chèo Nghiêm Xá vẫn chưa được các cơ quan quản lý văn hóa hay Hội Văn nghệ dân gian tiếp cận như một di sản phi vật thể cần bảo vệ, tất cả mới chỉ dừng lại ở nỗ lực và tình yêu với chèo của các nghệ sĩ làng.

Cá nhân ông Hóa, bà Phin, bà Thục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Huy hiệu Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng năm 2010, đối với họ danh hiệu nghệ nhân dân gian còn quá xa vời cho dù họ đã gắn bó cả đời với chiếu chèo và thực sự xứng đáng được tôn vinh. Ngoài ghi nhận đó, hai ông bà cũng như Đội chèo còn được nhân dân địa phương yêu mến bởi tiếng hát, lời ca, điệu múa.

Chị Hoàng Thị Minh, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội xã Nghiêm Xuyên cho biết: Địa phương luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để phát huy giá trị và bảo tồn di sản chèo Nghiêm Xá, nhất là trao truyền cho thế hệ trẻ, hỗ trợ công tác tổ chức lớp học. Riêng các cá nhân như ông Hóa, bà Phin, ông Bột, bà Thục... là những người đã cống hiến cả đời để gìn giữ điệu chèo Nghiêm Xá nên rất được nhân dân yêu mến, kính trọng, lời ca tiếng hát của họ như mạch ngầm văn hóa đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ, rất đáng được ghi nhận biểu dương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn