Chúng tôi chú ý đến một phụ nữ Mông luôn thoăn thoắt đôi tay xe những sợi dây lanh cuộn vào mu bàn tay trái trong lúc bà theo dõi buổi lễ tặng quà cho học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Bản Mù. Khi thấy chúng tôi để ý đến việc này, bà dùng ngôn ngữ hình thể để diễn tả vì không sõi tiếng phổ thông. Rất may, có một thầy giáo giúp câu chuyện của chúng tôi với bà trở nên thông suốt.

Đôi tay thoăn thoắt xe lanh của phụ nữ Mông

Chúng tôi chú ý đến một phụ nữ Mông thoăn thoắt đôi tay xe những sợi dây lanh cuộn vào mu bàn tay trái trong lúc bà theo dõi buổi lễ tặng quà cho học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Khi thấy chúng tôi để ý đến việc này, bà dùng ngôn ngữ hình thể để diễn tả vì không sõi tiếng phổ thông. Rất may, có một thầy giáo giúp câu chuyện của chúng tôi với bà trở nên thông suốt.


Bà Giàng Thị Xo thoăn thoắt đôi tay xe những sợi dây lanh cuộn vào mu bàn tay trái. 

Tên bà là Giàng Thị Xo, 66 tuổi, ở thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Bà cho biết, xe lanh là công việc thường ngày của phụ nữ Mông. Đây là nguyên liệu để dệt vải làm nên những chiếc váy truyền thống sặc sỡ của phụ nữ Mông. 

Cũng giống như bà Xo, nhiều phụ nữ Mông sẽ tranh thủ xe lanh mọi lúc mọi nơi mỗi khi có thể. Hình ảnh mắt không cần nhìn mà tay vẫn thoăn thoắt xe lanh đầy sống động "hút mắt người nhìn" đó khá quen thuộc ở những tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có người dân tộc Mông sinh sống...

Từ thước đo tài năng... 

Chiếc váy của người phụ nữ Mông còn là tiêu chí thẩm mỹ. Váy được trang trí đẹp còn là thước đo tài năng của người phụ nữ Mông. 

Hàng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch, trên những vạt nương men sườn núi cao, đồng bào dân tộc Mông bắt đầu gieo trồng cây lanh cùng với mùa trồng ngô và đến tháng 7 tháng 8, khi cây ngô được thu hoạch thì cũng là lúc bà con lấy được lanh về. 

Đôi tay của một phụ nữ Mông - Ảnh 1.

Sau khi thu hoạch, cây lanh được bà con đem ra phơi nắng cho khô - Ảnh minh hoạ

Sau khi thu hoạch, cây lanh được bà con đem ra phơi nắng cho khô rồi mới tước thành sợi; sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt cho mềm. Rồi đem luộc, đến khi thấy sợi lanh mềm và trắng thì mang ra phơi nắng cho khô, rồi chia sợi và mang vào dệt thành những tấm vải màu trắng ngà. Từ đây, các cô gái Mông sẽ thỏa sức sáng tạo hoa văn bằng những kỹ thuật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người Mông thiên về màu sắc. Đó là sự phối kết hợp giữa các màu nóng, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn trên váy áo của người Mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết khiến cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông thật độc đáo và khác biệt so với một số các dân tộc khác.

Trang phục truyền thống của đồng bào Mông gồm có áo, váy, áo xẻ ngực, tạp dề, xà cạp quấn chân. Để làm ra một bộ trang phục truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn và mất vài tháng, thậm chí cả năm. Thông thường nhuộm một tấm vải phải qua 50- 60 lần nhúng chàm, mỗi lần nhúng từ 10 đến 15 phút. Để một tấm lanh lên màu đẹp phải mất ít nhất 05 ngày. Đó là cả quá trình công phu và kỹ lưỡng…

...đến tài sản quý

Đôi tay của một phụ nữ Mông - Ảnh 2.

Những bộ váy của phụ nữ Mông - Ảnh minh hoạ.

Về mặt kỹ thuật, mỹ thuật trong các khâu dệt vải và tạo hoa văn trên vải hay các sản phẩm từ vải, người Mông đã biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng. 

Hoa văn trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông ngoài biểu hiện tâm tư tình cảm thì đối với các cô gái còn là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và phẩm hạnh. Người phụ nữ giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái người Mông được mẹ tặng cho bộ váy áo như của hồi môn. 

Khi về nhà chồng, cô gái phải chuẩn bị bộ váy áo đẹp tặng mẹ đẻ và mẹ chồng. Bởi vậy, váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ. Cũng vì thế, đối với thiếu nữ, việc học thêu thùa là một bổn phận: phải lo cái mặc cho gia đình. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Mông vẫn tiếp tục thêu in nhiều mẫu hoa văn, lo cho chồng con mặc đẹp.

Đôi tay của một phụ nữ Mông - Ảnh 3.

Bà Giàng Thị Xo thoăn thoắt đôi tay xe những sợi lanh thô.

Bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành đều biết xe lanh thành sợi để dệt vải, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Khi phụ nữ người Mông đi lấy chồng phải tự tay may cho mình một chiếc váy để mặc trong ngày cưới. Việc xe lanh, dệt vải còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để thu hút các chàng trai của bản. 

Ở một số nơi du lịch phát triển, nghề xe lanh dệt vải làm thổ cẩm đã vượt ra khỏi quy mô phục vụ đời sống, trở thành những sản phẩm du lịch đem lại lợi nhuận. Nhưng ở xã Bản Mù, người dân chủ yếu vẫn làm để phục vụ chính mình.

Đôi tay của một phụ nữ Mông - Ảnh 4.

Trên những vạt nương màu mỡ, người Mông luôn dành một khu để gieo trồng cây lanh.

Anh Giàng A Thái, Phó Chủ tịch xã Bản Mù cho biết: Bản Mù là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, có diện tích 122,75 km², dân số năm 2019 là 5.690 người, mật độ dân số đạt 46 người/km². 100% cư dân của xã Bản Mù là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống cư dân còn nhiều khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nguồn lợi từ chăm sóc bảo vệ rừng.
Thực hiện: Vũ Lương