"Đồi thông hai mộ" biểu tượng tình yêu xứ Mường

12/11/2022 10:44
Hai ngôi mộ của đôi trai gái xứ Mường, yêu nhau nhưng không đến được với nhau.

Hai ngôi mộ của đôi trai gái xứ Mường, yêu nhau nhưng không đến được với nhau.

"Đồi thông hai mộ" nằm tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, từ lâu được coi là biểu tượng tình yêu của xứ Mường.

Xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, nơi có "đồi thông hai mộ" trong tuyệt tác thi phẩm cùng tên của văn sĩ Tùng Giang - Vũ Đình Trung về mối tình sắt son mà bi thảm của đôi trai tài gái sắc xứ Mường. Lần theo chỉ dẫn của người dân, men theo con dốc ngoằn ngoèo, uốn lượn, chúng tôi đã tìm gặp bà Bùi Thị Bảy - người hiện đang trông coi hai ngôi mộ, cũng là người có công giúp ông Vũ Đình Thảo, cháu nội tác giả tìm ra ngôi mộ sau gần chục năm miệt mài tìm kiếm.

Bà Bùi Thị Bảy kể: "Năm 2018, trong một lần đi chăn bò, tôi gặp một người đang đi tìm mộ của đôi trai gái lần theo dấu vết của tập thơ do ông nội để lại, hỏi ra mới biết đó là ông Vũ Đình Thảo, cháu nội của cụ Vũ Đình Trung. Lúc đó, tôi chỉ ông đến khu mộ mà người dân ở đây gọi là mộ Bụt".

Theo tích truyện của người dân khắp vùng mường Khả truyền tai nhau, hai nhân vật nằm dưới đây là chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung. Không ai biết quê quán họ ở đâu, chỉ biết họ đều mang dòng dõi quan lang quyền quý. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, đôi trẻ yêu nhau nhưng không đến được với nhau, chàng trai đã quyết tâm đi học xa để khẳng định bản thân và phục vụ bản làng. Nàng Mỵ Dung ở lại ngày nhớ đêm mong, vì nhớ thương mà đã mất trong rừng sâu.

Khi trở về, biết tin người yêu đã mất, chàng lại một lần nữa ra đi, tham gia chiến trận và hy sinh. Cảm động trước tình yêu của đôi trẻ, người dân xứ Mường đã để họ được nằm cạnh nhau với tên gọi là mộ Bụt.

"Gọi là mộ Bụt vì nằm ở đầu nguồn khe Bụt. Cả vùng Kim Bôi, Lương Sơn ai cũng biết ngôi mộ này thiêng lắm. Thời xưa, khi chưa có đường nhựa, người dân thường đi đường tắt qua ngôi mộ từ Kim Bôi sang khu Chợ Đồn của Lương Sơn để buôn bán. Ai đi qua cũng đặt một viên đá, chiếc lá hoặc miếng trầu lên mộ để tưởng nhớ đôi trai gái và cầu may. Mà cũng lạ lắm, cứ chỉ cần đặt viên đá, có lời cầu là buổi chợ hôm đó sẽ buôn may bán đắt", bà Bảy nói.

Những câu chuyện tâm linh liên quan đến ngôi mộ này cũng chưa ai kiểm chứng, chỉ biết rằng người dân vùng này coi đây như một chốn linh thiêng để cầu những điều may mắn.

Tìm về "đồi thông hai mộ": Nơi phát tích biểu tượng tình yêu xứ Mường - Ảnh 1.

Đường lên ngôi mộ của đôi trai gái xứ Mường

Câu chuyện của bà Bảy vừa hết cũng là lúc đoàn chúng tôi đặt chân lên đến mộ sau khi leo hơn 200 bậc thang. Được biết, con đường này do gia đình ông Vũ Đình Thảo đầu tư xây dựng với sự cho phép và giúp đỡ của chính quyền xã Hùng Sơn. Hai ngôi mộ đã được xây đắp bằng những viên đá vĩnh cửu trong khung cảnh tĩnh mịch, thiêng liêng giữa rừng tre nứa thẳng tắp, những búp măng mới đâm chồi mơn mởn.

Chếch bên phải là một tấm bia đá ghi "Lời cây rừng đá núi" chỉ rõ xuất xứ hai ngôi mộ và tóm tắt câu chuyện tình của người nằm dưới mộ qua trích đoạn tác phẩm thơ "Đồi thông hai mộ".

"Ngày trước chỉ là hai nấm mộ, được xếp đầy đá phủ lên trên và một chiếc bát con nhỏ. Mới đây được sửa sang lại như bây giờ. Thi thoảng, vẫn có những đoàn du khách các nơi đến thăm ngôi mộ, vừa vãn cảnh, thư giãn, vừa nguyện cầu cho tình yêu của họ được trường tồn", bà Bảy kể.

Ông Nguyễn Đắc Thành, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết, hiện nay, việc trông coi hai ngôi mộ được tạm giao cho chị Bùi Thị Bảy, người địa phương. Mới đây, UBND xã cũng đã thu thập các tài liệu có liên quan, trình lên các cấp có thẩm quyền để có cơ sở xin chứng nhận hai ngôi mộ là danh lam thắng cảnh.

Vị lãnh đạo cũng mong muốn được các cấp, ngành quan tâm để thời gian tới, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch văn hoá, tâm linh xứ Mường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.