Đọng mãi một thời háo hức đi xem cô dâu, chú rể của đám cưới xưa

14/07/2021 10:21
Đám cưới xưa chú rể thường đánh son và rước dâu bằng xe đạp, đám trẻ con thì chạy theo xe để xem chú rể và cô dâu

Đám cưới xưa chú rể thường đánh son và rước dâu bằng xe đạp, đám trẻ con thì chạy theo xe để xem chú rể và cô dâu

Thế hệ 9X chúng tôi lớn lên ở một chương mới của đất nước. Ký ức về những đám cưới thời hậu bao cấp khi đó không phải là thước phim rõ nét. Nhưng chí ít, câu chuyện một thời đám trẻ con háo hức đi xem cô dâu, chú rể trong làng vẫn đọng lại, rồi "yên vị" ở một góc hoài niệm khó phai.

Ngày ấy, tôi cùng đồng bọn cả nam, nữ thường "canh" nhà nào có đám cưới, đợi đến giờ chú rể đón dâu về là sẽ rồng rắn, lẽo đẽo kéo nhau hát inh ỏi bài đồng dao: "Cô dâu chú rể/ Đội rế lên đầu/ Đi qua đầu cầu/ Đánh rơi nải chuối/ Cô dâu bẻ chuối/ Chú rể khóc nhè/ Cô dâu pha chè/ Chú rể cười tươi...".

Tưởng chừng mảnh ký ức ấy đã bị bỏ quên theo thời gian, nhưng chỉ cần nhắm mắt lại, hình ảnh năm nào, dù không được sắp xếp theo đúng thứ tự, nhưng nó vẫn rất đỗi sống động.

Mùa gặt năm ấy, bố mẹ ra đồng nên giao cho hai chị em tôi ở nhà phơi rơm, phơi thóc. Tôi và chị luân phiên chia nhau cùng đảo thóc, gảy rơm. Hai chị em đang cai quản tài sản ngày mùa, ấy vậy mà cứ đứng ngồi không yên chỉ vì tiếng loa đài đám cưới ở xóm trên.

Đọng mãi một thời háo hức đi xem cô dâu, chú rể - Ảnh 1.

Trẻ con háo hức đi xem cô dâu và chú rể

Thấy thế, chúng tôi bảo nhau, phân chia rõ ràng "lịch trực": Tôi sẽ chạy lên xem đám cưới 30 phút, sau đó chạy về, thay phiên cho chị đi xem. Cứ sau 30 phút, chúng tôi gặp nhau ở nhà và không quên "tường thuật" cho nhau nghe những gì mình vừa xem được.

Một năm ở làng dễ có đến cả chục đám cưới, nhưng chả hiểu sao đám trẻ con vẫn khát khao đi xem. Tôi nghiện lối trang điểm của cô dâu, chú rể thời bấy giờ. Cô dâu với đôi lọn tóc uốn cong, kéo dài xuống gò má; mí mắt lấp lánh ánh kim tuyến; đôi môi đỏ mọng và đôi má ửng hồng sao mà duyên, mà thắm đến vậy.

Độ 20 năm về trước, gương mặt chú rể trong ngày trọng đại cũng được trang điểm nhẹ nhàng. Phấn trắng làm nền, đôi môi đánh một lớp son mỏng, đủ để tạo độ "thắm" tươi tắn. Ngày ấy có lẽ đây cũng là lần duy nhất trong đời nam giới được "phết" thứ nọ, thứ kia lên khuôn mặt.

Đọng mãi một thời háo hức đi xem cô dâu, chú rể - Ảnh 2.

Đám cưới xưa thường rước dâu bằng xe đạp

Việc đi đón dâu cũng không cầu kỳ, phần bởi vì làng tôi các đôi kết hôn đa số đều sống quanh khu vực làng, xã, xa lắm thì chỉ khác huyện; hiếm thấy đám nào khác tỉnh. Nhà nào được xếp vào hạng có "của ăn, của để" sẽ đón dâu bằng chiếc Dream 81. Nhiều đám nhà gần, cả đoàn chỉ việc rồng rắn đi bộ vài phút trên con đường đất ngày xưa.

Chuyện quà cưới trong trí nhớ của tôi cũng khác xa so với bây giờ. Người ta hạn chế đi phong bì, thay vào đó, họ thường tặng cặp vợ chồng mới cưới thùng thóc, chiếc gương, chậu men, hay nồi, chảo... Những năm 1990, 2000, người làng tôi không còn đói ăn, đói mặc nữa, tuy vậy, mọi người vẫn chuộng những món đồ mang tính thiết thực.

Làng xóm thường mang đồ đến tặng đám cưới từ tối hôm trước khi diễn ra lễ rước dâu. Nhà chú rể, cô dâu tối đó sẽ phải dành riêng ra một kho chứa đồ, cơ man là thóc, chảo, phích nước... Mọi người đến dự đám cưới rất đông. Uống trà, cắn hạt dưa, thử miếng kẹo và rôm rả chuyện trò tới khuya. Các cụ già cũng chống gậy đến chung vui, ngồi quây quần trên giường để bổ cau, têm trầu.

Đọng mãi một thời háo hức đi xem cô dâu, chú rể - Ảnh 3.

Nhà nào được xếp vào hạng có "của ăn, của để" sẽ đón dâu bằng chiếc xe máy

Đám cưới ngày ấy thường diễn ra 2-3 ngày. Anh em, họ hàng sẽ ăn tiệc mặn từ ngày hôm trước. Bữa tiệc chính sẽ có thêm khách mời của gia đình và bà con làng xóm. Màn trang trí cổng hoa, căng bạt cũng được dựng từ 2 ngày trước đó. Cổng thường được các thanh niên trong làng tự dựng bằng các vạt dừa, bẹ cau, thêm vào đó là bóng bay và các loại hoa cỏ đậm chất "cây nhà lá vườn".

Góp vui cho đêm ca nhạc sẽ là những "ca sĩ làng" thi nhau xung phong lên hát, dù giọng có... không được bắt mic cho lắm, nhưng họ thể hiện lòng nhiệt thành đúng theo phong cách "vui là chính". Nhắc lại chuyện văn nghệ cho đám cưới, chẳng thể nào quên liệt kê tới màn "nhảy xếch". Người thành phố có lẽ ít ai biết đến điệu nhảy này, vì nó chỉ được "đào tạo" qua trường làng. Cứ tầm 20h tối, các nam thanh niên trong làng có mặt tại đám cưới, góp vui cho đôi trai gái sắp về một nhà những điệu nhảy tự biên tự diễn, không theo quy luật nào cả. Cứ nhạc nổi là auto lao lên khán bệ nhảy cuồng nhiệt, hết mình. Dân làng ngồi dưới xem chỉ biết cười khoái chí.

Đọng mãi một thời háo hức đi xem cô dâu, chú rể - Ảnh 4.

Đám cưới xưa

Mâm cỗ cưới ngày ấy cũng là một nét văn hóa không thể bỏ qua. Để có những mâm cỗ cưới tươm tất, gia đình cô dâu, chú rể phải nuôi lợn, nuôi gà từ mấy tháng trước đó. Nếu không đủ mới phải đi đặt mua thêm. Anh em, láng giềng sẽ giúp gia chủ làm cỗ từ ngày hôm trước, với các công việc như làm thịt lợn, mổ gà và nhặt rau... Các ông bố sẽ ngồi chơi đến nửa đêm, tranh thủ làm ván bài, ván cờ, và thưởng thức món cháo đêm (nấu từ nước luộc gà, luộc thịt và lòng lợn). Bởi thế mới nói, đám cưới khi ấy là một ngày hội làng đích thực, hầu như mọi thành viên trong làng đều góp mặt, chung vui. Nét đẹp tình làng, nghĩa xóm nhờ thế mà ngày một cải thiện.

Làng tôi nhiều đám cưới chẳng cần anh em họ hàng gì, miễn ở gần là mọi người đều chạy tới ăn cỗ, góp vui. Tầm 9h sáng là tiệc cỗ đã bắt đầu, để đảm bảo đến đầu giờ chiều lễ đón rước dâu được diễn ra đúng giờ. Hết lượt người này đến lớp người khác đến ăn tiệc vì bàn ghế không có quá nhiều để phục vụ cho toàn bộ khách trong một lần lên mâm, nên có khi nhiều vị khách ăn xong, ra về, và còn chưa kịp nhìn mặt cô dâu, chú rể trong giờ tổ chức hôn lễ.

Bà con làng xóm đến ăn cỗ không quên mang theo mỗi người một chiếc túi nilon để lấy phần. Thường mâm cỗ cưới sẽ có rất nhiều món ngày thường họ không được ăn, việc 5-6 người ăn hết một mâm nào gà, xôi, giò, chả... gần như là bất khả thi. Vì thế mọi người thường có thói quen lấy phần mang về nhà cho những thành viên khác không đến ăn cỗ, hoặc cũng có khi là để dành cho bữa tối hôm đó.

Đọng mãi một thời háo hức đi xem cô dâu, chú rể - Ảnh 5.

Xung quanh chuyện đón rước dâu và tổ chức lễ cưới cũng còn bao chuyện mà mỗi khi nhắc lại chị em tôi vẫn ngồi cười nắc nẻ. Vẫn phải nhấn mạnh lại rằng ngày đó chúng tôi không còn đói khát, song, việc đến đám cưới và mang thứ gì đó về vẫn là một niềm vui lớn.

Ăn tiệc xong, nhà trai và nhà gái sẽ mất khoảng 1 tiếng để chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, rạp cưới. Đó cũng là lúc cô dâu, chú rể được đi trang điểm và diện trang phục ngày cưới của mình. Đám trẻ con thì thi nhau phồng miệng lên thổi bóng, trang trí cho giường cưới, các chị gái lớn tuổi hơn thì bày biện tiệc ngọt (thường sẽ có đĩa hạt dưa, kẹo bánh, ấm trà nóng, bao thuốc, bao diêm và một bông hoa hồng tươi).

Tôi thích đi xem đám cưới một phần cũng vì những món đó. Đến giờ cử hành hôn lễ, nhiều khi không chen chân được vào bàn ngồi, phải đứng từ cổng để xem, nhưng tôi vẫn háo hức cái giây phút khi kết thúc, mọi người đứng dậy ra về, còn tôi sẽ cùng đám trẻ đi... dồn hạt dưa, bánh trái vào trong túi quần, và không quên "biển thủ" cho bố bao thuốc. Đám con trai thì tỏ ra khoái chí hơn với các bao diêm đỏ, tranh nhau lấy về. Có lần tôi hỏi thì chúng bảo "nghiện" cái mùi diêm cháy và cảm giác cạo phần đầu đỏ của diêm để ấp ủ làm pháo.

Hơn 20 năm trôi qua, chứng kiến nhiều đám cưới và sự hiện đại hóa dần của hôn lễ, với các ca sĩ chuyên nghiệp được mời, MC điêu luyện, bàn tiệc sang trọng... nhưng nếu được lựa chọn giữa hình thức tổ chức xưa và nay, có lẽ, câu trả lời của tôi thiên về "đám cưới xưa".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.